Xã hội

Bộ trưởng KH&ĐT: "Thời gian qua, chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp khỏe"

12/11/2021, 09:42

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, thời gian qua, chính sách mới tập trung hỗ trợ vào doanh nghiệp khỏe, doanh nghiệp yếu chưa được quan tâm.

Sáng nay (12/11), Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với phiên trả lời chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng.

img

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Những doanh nghiệp yếu chưa được quan tâm hỗ trợ

Tranh luận lại với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc phục hồi của các doanh nghiệp sau đại dịch còn nhiều vấn đề khó khăn.

"9 tháng đầu năm 2021, hơn 90 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, đây thường là doanh nghiệp nhỏ, vốn dưới 5 tỷ đồng. Nếu rút khỏi thị trường thì khó mà có thể quay lại thị trường", ông An nói.

Từ đó, đại biểu An cho rằng cần phải quan tâm đến khối doanh nghiệp này, cụ thể là, cần phải quan tâm đến doanh nghiệp hết tiền tái sản xuất.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua, đó là khó khăn do tổng thầu, sản lượng, doanh thu giảm mạnh.

Thứ hai là khó khăn dòng tiền. Thứ ba là chi phí đầu vào, vận chuyển tăng rất cao. Thư tư là thiếu hụt vật tư đầu vào. Thứ năm là việc thực thi các quy định phòng chống dịch ở các cấp chưa được thống nhất, còn cản trở doanh nghiệp. Thứ sáu là khó khăn về chuyên gia, người lao động.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi có Nghị quyết 105, 128 của Chính phủ thì tinh thần của doanh nghiệp đã phấn khởi, quay trở lại hoạt động.

"Tại các khu công nghiệp phía nam, 92-96% doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất, 70-75% lao động trở lại. Dự kiến đến quý I năm sau, 100% doanh nghiệp sẽ khôi phục hoạt động hoàn toàn", Bộ trưởng Dũng thông tin.

Tuy nhiên, với vấn đề hỗ trợ, Bộ trưởng cũng thừa nhận, thời gian qua chính sách mới tập trung hỗ trợ vào các doanh nghiệp khỏe, những doanh nghiệp vẫn còn tạo ra doanh thu và lợi nhuận, thông qua các chương trình giảm thuế, hoãn thuế.

"Những doanh nghiệp yếu đúng là chưa được quan tâm hỗ trợ đúng mức", Bộ trưởng nói và cho biết, Bộ đã lưu ý vấn đề này để tham mưu Chính phủ có chính sách cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn mà không có doanh thu, không có lợi nhuận.

img

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng)

Tại sao không hỗ trợ dân trực tiếp bằng tiền mặt?

Trong phần tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) đưa ý kiến đồng tình với nhiều quan điểm Bộ trưởng KH&ĐT đã nêu về kế hoạch xây dựng gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết câu hỏi của ông là theo các chuyên gia, để hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi kinh tế sau đại dịch, Việt Nam cần một gói hỗ trợ tài khóa đủ lớn quy mô khoảng 3-4% GDP, trong đó phải có gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, chứ không phải cần gói hỗ trợ 3-4% GDP bằng tiền mặt.

Vấn đề đặt ra là nếu làm như vậy sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách và sẽ phải vượt bội chi ngân sách, tăng nợ công, nợ Chính phủ. Nhưng nếu gói hỗ trợ không đủ lớn sẽ khiến nền kinh tế chậm phục hồi so với các nước và kéo theo nhiều hệ lụy.

Ông cũng đánh giá trong báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ hiện nay cũng không thể hiện rõ một kế hoạch tổng thể và một mức chi cho gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ để phục hồi nền kinh tế. Trên từng lĩnh vực thì đã có báo cáo về các gói hỗ trợ này tuy nhiên còn rất riêng lẻ.

Đại biểu Hiển cho biết mong muốn ở đây là cần có một kế hoạch tổng thể, thống kê, tổng hợp và dự báo đầy đủ.

Ngoài nguồn lực của ngân sách thì cần có chương trình để huy động cả nguồn lực bên ngoài ngân sách để phục hồi và phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Văn Hiển đề nghị Bộ KH&ĐT, Chính phủ làm rõ các vấn đề này.

Trả lời phần tranh luận trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết với các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, việc quan trọng đặt ra nếu không nới trần nợ công và trần bội chi thì sẽ không có nguồn lực để phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, nếu nới các chỉ tiêu này mà thực hiện không hiệu quả sẽ dẫn tới hệ lụy cho nền kinh tế, mất cân đối vĩ mô, cân đối lớn.

"Vậy nới bao nhiêu là đủ, 1-2% hay nhiều hơn, nới ra rồi thì huy động bằng cách nào, xử lý vào đâu cho hiệu quả", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu vấn đề và cho biết, hiện các bộ, ngành đang tính toán và chưa đưa ra kịch bản 1 cách cụ thể.

"Các kịch bản đã được xây dựng nhưng tạm thời chưa báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này mà phải cần thời gian để tính toán kỹ lưỡng và báo cáo các cấp thẩm quyền trước khi đưa ra trình Quốc hội", Bộ trưởng KH&ĐT thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.