Xã hội

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Có văn bản cài cắm thủ tục, vừa ban hành đã huỷ"

14/03/2019, 14:42

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, văn bản nào chưa chắc chắn thì chưa ban hành, vì vẫn có văn bản cài cắm thủ tục, vừa ban hành đã phải huỷ.

img

​Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc

Ngày 14/3, Tổ công tác của Thủ tướng tiến hành kiểm tra 13 Bộ, cơ quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ và phải hoàn thành trong quý I/2019.

Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt ý kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ vào cuộc triển khai quyết liệt, làm tốt các nhiệm vụ ngay từ quý I, nhất là việc hoàn thiện thể chế, cắt bỏ các rào cản, tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng và cải cách thủ tục hành chính.

“Các Bộ đang nợ đọng nhiều nhiệm vụ. Năm nay là năm bứt phá, nếu làm chậm thì ảnh hưởng cả chuỗi công việc về sau”, ông Dũng lưu ý.

Đặc biệt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng về việc trước khi công bố các văn bản, chính sách phải đánh giá kỹ tác động, tránh việc vừa ban hành dư luận đã không đồng tình.

"Có những văn bản vẫn cài cắm công vụ, thủ tục. Có văn bản ban hành chưa được mấy tháng đã phải hủy. Theo tôi, văn bản chưa chắc thì chưa ban hành vội, mà nên lấy thêm ý kiến doanh nghiệp, nghe nhiều tai, nhiều chiều”, ông Dũng nêu quan điểm.

Ông cũng nhiều ví dụ về các văn bản, đề xuất chính sách thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua như việc xây dựng dự thảo tiêu chuẩn về nước mắm. “Lấy tiêu chuẩn nước mắm công nghiệp áp cả cho nước mắm truyền thống, các hộ sản xuất, doanh nghiệp ầm ầm gửi đơn lên, rất là khổ”, ông nói.

Liên quan đến nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay Thủ tướng rất quan tâm, yêu cầu Bộ sớm trình Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch.

“Chúng ta không tích hợp được quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia thì tất cả các tỉnh, bộ, địa phương dừng hết, không làm gì cả. Nếu chúng ta không xử lý tốt được cái này thì cả nước đình trệ hết vì quy định của luật”- ông Dũng nói.

Ông Dũng dẫn chứng, một nhà máy điện khởi công muốn đầu tư cũng không được, vì không bổ sung được quy hoạch. Một dự án của Bộ GTVT cũng không làm được vì không có trong quy hoạch mà không bổ sung được.

“Hiện nay vướng nhất là vấn đề quy hoạch. Bây giờ những quy hoạch đang làm dở có làm tiếp không, có cho thẩm định không, thẩm định rồi có phê duyệt không, những cái đã phê duyệt thì có tiếp tục cho điều chỉnh, bổ sung không hay tất cả nằm im tất" - ông Dũng nhận định, đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất quan tâm trình sớm Nghị định này.

Sau khi nghe đại diện các Bộ báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao việc các Bộ đã nghiêm túc ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01. Tuy nhiên, việc rút ra một số đề án, nhiệm vụ cho thấy quyết tâm của Bộ chủ trì chưa cao.

Ông đề nghị các Bộ khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tổ trưởng Tổ công tác nhắc lại chủ trương của Trung ương, Chính phủ là cho phép thí điểm với những vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi nhưng chưa kịp sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hoặc chưa có quy định của pháp luật. Như vừa qua, Thủ tướng đã cho phép thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công trực hay Ban An toàn thực phẩm thuộc UBND cấp tỉnh…

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo rất quyết liệt về xây dựng Chính phủ điện tử. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã luôn nhắc nhở tầm quan trọng của việc phòng chống tham nhũng vặt, vì tham nhũng vặt rất nguy hiểm, tạo ra cài cắm trong chính sách, thủ tục. Do đó, phải làm mạnh mẽ việc xây dựng Chính phủ điện tử.

Về Nghị quyết 02, các Bộ cần hết sức quan tâm, tinh thần là dứt khoát phải cải cách thực chất, những điều kiện, thủ tục đã cắt bỏ phải áp dụng thực chất, công bố cụ thể cho người dân, doanh nghiệp biết. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhắc lại, việc xây dựng các văn bản liên quan đến môi trường kinh doanh không nên cầu toàn nhưng phải cẩn trọng, tranh thủ ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.