Chính trị

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Điều hành linh hoạt là dấu ấn nhiệm kỳ Chính phủ

09/02/2021, 07:07

Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm qua, Chính phủ đã tạo được nhiều dấu ấn quan trọng với những kết quả, thành tích đặc biệt.

img

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Nhất là năm 2020, dù phải đối mặt với rất nhiều thử thách, đây vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong suốt cả nhiệm kỳ.

Nhân dịp đầu Xuân Tân Sửu 2021, Báo Giao thông trao đổi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng về câu chuyện vượt khó trong năm qua cũng như những năm tiếp theo.

Quyết liệt, sáng suốt trong từng vấn đề cụ thể

Năm 2020 là năm cuối của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Nhìn lại nhiệm kỳ qua, theo ông đâu là những dấu ấn nổi bật?

Năm 2020 kết thúc nhiệm kỳ Chính phủ, chuẩn bị giai đoạn mới với vô vàn khó khăn, thử thách. Đó là đại dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp; biến đổi khí hậu tiêu cực, thiên tai rất dị thường, gây thiệt hại rất lớn về người và của.

Có kết cấu hạ tầng GTVT đồng bộ, hiện đại, kết nối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách… thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, vừa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ của đất nước.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng


Năm 2020 trôi qua, chúng ta thành công trong phòng chống dịch Covid-19, là điểm sáng hiếm hoi trên thế giới. Việt Nam là một trong rất ít quốc gia trên toàn cầu tăng trưởng dương ở mức cao.

Trong khó khăn, chúng ta vẫn tăng được thu ngân sách, tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Hiện đã có 630.500 doanh nghiệp, mỗi năm tăng mới từ 120.000 - 130.000 doanh nghiệp.

Dòng vốn FDI đầu tư lớn và kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng. Vấn đề thu ngoại tệ, ngoại hối, giải ngân vốn đầu tư công đều tăng kỷ lục.

Đặc biệt, chúng ta đã hoàn thành tốt vai trò trong năm Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong năm 2020 đã hoàn thành việc đàm phán, ký kết 2 hiệp định rất quan trọng là: Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), trước đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Kết thúc năm 2020, khi dự Hội nghị Chính phủ với địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá sự cố gắng chung của cả hệ thống chính trị, đặc biệt vai trò điều hành của Chính phủ và đúc kết: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Ông có thể nêu một ví dụ cụ thể về sự điều hành linh hoạt của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua?

Câu chuyện đại dịch Covid-19 xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc và cách ứng phó của chúng ta là một điển hình.

Thời điểm ban đầu, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở ngay thời điểm trước khi nghỉ Tết Âm lịch là “đại dịch này không lây từ người sang người”.

Lúc đó, Chính phủ họp, Văn phòng Chính phủ chúng tôi phản biện ngay rằng không phải như thế, đồng thời đề xuất Thủ tướng có các giải pháp.

Chúng tôi lập luận: Nếu không nguy hiểm thì sao Bộ Chính trị Trung Quốc phải họp vào mùng 1 Tết? Nếu không nguy hiểm thì việc gì Vũ Hán phải phong toả? Nếu không nguy hiểm thì việc gì trên 5 triệu người Vũ Hán (đa số là những người có thông tin, có điều kiện kinh tế) đã di chuyển trước khi phong toả?…

Chúng tôi báo cáo Thủ tướng quan điểm không thể nào thực hiện theo khuyến cáo của WHO. Ngay Công điện số 05 đầu tiên ban hành ra của Thủ tướng đã hoàn toàn khác khuyến cáo của WHO.

Thủ tướng đã đưa ra chỉ lệnh chưa từng có: “Chống dịch như chống giặc”, toàn quân, toàn dân phải tham gia việc này. Nếu không có hệ thống chính trị như ở Việt Nam, không có sự đồng lòng, đồng thuận của người dân thì chúng ta không thể có kết quả chống dịch hiện nay.

Nếu Chỉ thị 15 của Thủ tướng sau đó không có những giải pháp tích cực, nhất là giãn cách xã hội thì tình hình có thể đã khác. Giờ ngồi nhìn lại những thời gian đầu của năm 2020, chúng ta thấy được sự chỉ đạo rất quyết liệt, sáng suốt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong từng vấn đề cụ thể.

“Giao thông đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết

img

Cầu Thăng Long chính thức thông xe sáng 7/1 sau gần 5 tháng sửa chữa, nâng cấp, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên đường Vành đai 3 (Hà Nội) và cầu Nhật Tân. Ảnh: Tạ Hải

Trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay, chúng ta vẫn đang có 3 điểm nghẽn là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Thời gian tới, Chính phủ sẽ có những giải pháp nào để tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông?

Đối với điểm nghẽn hạ tầng thì hạ tầng giao thông là vấn đề đặc biệt quan trọng cần phải tiếp tục quyết liệt tháo gỡ.

Nếu không đảm bảo việc lưu thông tốt sẽ gia tăng chi phí, đặc biệt khi chúng ta đang đẩy mạnh các dịch vụ logistics, đi sâu vào chuỗi cung - cầu khép kín toàn cầu.

Chính vì vậy việc thúc đẩy hạ tầng giao thông với nhiều loại hình đường bộ, đường biển, hàng không, đường sắt, đường thủy là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Trên cơ sở Luật Quy hoạch, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan Trung ương, địa phương hoàn thiện các quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia, quy hoạch vùng, địa phương. Hiện chúng ta đang triển khai quyết liệt quy hoạch tổng thể giao thông quốc gia, sân bay quốc gia, cảng biển quốc gia.

Từ những quy hoạch đó cần phải sắp xếp ưu tiên, xem xét đánh giá, báo cáo Quốc hội để thực hiện đầu tư công. Những dự án có thể huy động nguồn lực bên ngoài sẽ tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư.

Với những biện pháp cụ thể mang tính đột phá, chắc chắn nhiệm kỳ tới hạ tầng giao thông Việt Nam sẽ hoàn thiện, đi trước một bước, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Vẫn kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”

Năm 2021 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Chính phủ có những chủ trương gì để vừa phòng, chống Covid-19 vừa phát triển kinh tế?

Năm 2020, Thủ tướng đưa ra quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phòng chống dịch chặt chẽ, không để dịch hoành hành trong cuộc sống.

Suốt quá trình như vậy, Chính phủ đã tạo điều kiện rất thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Khi họ vào, thủ tục được giải quyết rất nhanh. Văn phòng Chính phủ nhận hồ sơ và chỉ giải quyết trong 1 - 2 ngày là có thông báo cho nhập cảnh.

Các cơ quan cấp visa, giấy phép lao động, quản lý cách ly... phối hợp rất nhanh. Chủ trương này đã mang lại thành công trong năm 2020.

Vì vậy, năm 2021, Chính phủ vẫn chủ trương thực hiện mục tiêu kép một cách quyết liệt, đó là vừa phòng chống dịch nghiêm ngặt, nhất là trên các tuyến biên giới đường bộ, quản lý người nhập cảnh... vừa phát triển sản xuất, kinh doanh.

Việt Nam không thể đóng cửa hoàn toàn để không có ca Covid-19 mà vẫn phải phòng chống. Nhưng vẫn phải phát triển kinh tế - xã hội.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.