Chính trị

Việt Nam đã có kịch bản tăng trưởng trong bối cảnh dịch Corona

05/02/2020, 18:38

Đây là lần đầu tiên Việt Nam công bố dịch, huy động cả hệ thống chính trị, các nguồn lực đối phó với dịch Corona.

img
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo

Chiều nay (5/2), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cùng đại diện các Bộ, ngành Trung ương dự cuộc họp báo.

WHO và UNICEF đánh giá cao giải pháp chống dịch của Việt Nam

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: Ngay sau khi dịch do virus Corona xảy ra, Đảng, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm phòng, chống. Đây là lần đầu tiên Việt Nam công bố dịch.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong thời gian qua, Việt Nam xảy ra nhiều dịch bệnh nhưng Chính phủ không tiến hành công bố dịch. Nhiều nước đã nhiều lần tiến hành công bố dịch nhưng đây là lần đầu tiên Việt Nam công bố dịch. Điều này chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với tình hình dịch bệnh Corona.

Theo Bộ trưởng Dũng, WHO và UNICEF đánh giá cao các giải pháp chống dịch của Việt Nam. Nếu làm không tốt, Việt Nam sẽ là nước có nguy cơ lây nhiễm dịch lớn vì chúng ta có nhiều đường mòn lối mở, nhiều hoạt động giao thương với Trung Quốc.

“Nếu chủ quan, khinh suất thì ta sẽ phải gánh hậu quả khôn lường”, ông lưu ý.

Tuy nhiên, ông Dũng truyền đạt rằng Thủ tướng nhấn mạnh diễn biến của dịch đang rất phức tạp nên không được chủ quan, không để ảnh hưởng đến tăng trưởng, du lịch, đầu tư. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không chủ quan, lơ là nhưng không được hoang mang, dao động.

“Phải đánh giá đúng, xác định đúng để xử lý đúng vấn đề”, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.

"Việt Nam có trên 1400 km đường biên giới, có nhiều lối mở, đường mòn, hoạt động giao thương với Trung Quốc, nếu không kiểm soát tốt, sẽ gánh hậu quả rất khó lường. Tinh thần Thủ tướng là sẵn sàng chấp nhận thiệt hại về kinh tế để dập tắt dịch Corona, bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Mai Tiến Dũng, diễn biến dịch trong thời điểm hiện nay là phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực tới đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt là thương mại, đầu tư. Tinh thần của Chính phủ là không chủ quan nhưng không hoang mang. Thủ tướng đã yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, đề xuất các giải pháp vừa phòng ngừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Đã có kịch bản về tăng trưởng trong hoàn cảnh dịch

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hiện Bộ Kế hoạch và đầu tư đã báo cáo các kịch bản tăng trưởng kinh tế trong đó có tính tới ảnh hưởng của dịch bệnh Corona. Theo đó, nếu khống chế dịch trong quý I/2020 thì tăng trưởng năm 2020 sẽ là 6,27%. Nếu khống chế dịch trong quý II, tăng trưởng kinh tế dự báo là 6,09%.

“Như vậy, so với 6,8% Quốc hội giao, chỉ tiêu này bị thấp hơn rất nhiều”, ông Dũng nói và cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo tính toán giải pháp để bù đắp những vấn đề về tăng trưởng.

Chia sẻ thêm về kịch bản tăng trưởng này, Thứ trưởng Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị trước mắt cần tập trung ưu tiên phòng chống dịch. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, sẽ khắc phục thiệt hại và có giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ông Phương cho biết Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng tính đến xây dựng gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, gói hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào nguồn lực và hỗ trợ đối tượng nào.

“Chúng ta sẽ xem xét một số đối tượng chịu thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Gói hỗ trợ nếu có sẽ tính đến đối tượng nào, bao nhiêu, phương thức nào”, ông nói. Thứ trưởng Phương cho biết có thể có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng bằng tăng tiến độ giải ngân đầu tư công.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, khi chống dịch có thể phát sinh những vấn đề liên quan về đối ngoại nên Thủ tướng quán triệt chúng ta phải thực hiện theo các cam kết quốc tế, phối hợp với các nước liên quan trong một số vấn đề, cần thảo luận, trao đổi đầy đủ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.