Xã hội

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Tôi ở quê ra Hà Nội nên hiểu nỗi khổ dân nghèo"

06/02/2019, 16:01

"Tôi ở nhà quê ra Hà Nội nên tôi rất hiểu nỗi khổ của dân nghèo", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chia sẻ.

img
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với báo chí về những thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ trong năm mới.

Trong nhiều cuộc trò chuyện với báo chí, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đều nhiều lần nhấn mạnh rằng ông là người “nhà quê”, từ địa phương ra T.Ư giống như từ sông ra biển lớn, nên có thể gặp những khó khăn nhất định trong công việc, song cũng vì thế mà ông thấu hiểu hơn những tâm tư của những người dân, doanh nghiệp ở địa phương.

“Thực tế đúng là tôi ở nhà quê ra Hà Nội. Đi từ quê nghèo, tôi hiểu được nỗi khổ của dân nghèo cũng như niềm vui, hạnh phúc của họ” – Bộ trưởng chia sẻ.

Theo ông, người dân quê chất phác và trong sáng, nhưng họ luôn sống có lý tưởng, có niềm tin vào Đảng, Nhà nước, bởi họ là những người cảm nhận được sớm nhất, rõ nhất về mỗi chuyển biến của đất nước. Không phải là những điều gì quá to tát, bữa cơm mỗi ngày no hơn, ngon hơn; thiên tai, bão lũ được quan tâm nhiều hơn; ốm đau bệnh tật được chăm sóc tốt hơn; tết đến xuân về bình an hơn, nhà có thêm con lợn, vịt, con trâu, con bò, thêm cái tivi mới hiện đại hơn… cũng đều mang lại cho người dân quê cảm giác hạnh phúc.

Nhưng xét ở góc độ khác, họ cũng là những người phải gánh chịu nặng nề nhất một khi có sự hoành hành của lợi ích nhóm tham nhũng, tàn phá đất nước, bởi vì đây là những người yếu thế nhất.

“Đương đầu với các lợi ích nhóm mà bảo không áp lực, thì là nói dối. Nhưng dù phải chịu áp lực hơn nữa, thì tôi cũng vẫn sẵn sàng. Người dân, doanh nghiệp đang mong mỏi lắm Chính phủ thực thi cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nếu chúng ta sợ lợi ích nhóm, là có tội với nước, với dân” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Ông nhấn mạnh rằng, cuộc chiến với các lợi ích nhóm cũng như tham nhũng còn rất dài và rất gian khổ, kết quả không thể đến ngay trong một sớm một chiều. Nhưng nếu thực sự muốn quan tâm đến đời sống của nhân dân thì lúc nào cũng có thể làm được, đó là cái tâm của những người làm lãnh đạo.

Sau khoảng 3 năm giữ cương vị Bộ trưởng, VPCP và nhiều lần nêu thông điệp “tuyên chiến” với lợi ích nhóm, ông nhận định đã có những kết quả bước đầu.

Theo đó, việc phá được tầng lớp các lợi ích nhóm trong bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương cho thấy tiếng nói của người dân đã lên được tới những người lãnh đạo cao nhất của đất nước.

Và cũng nhờ thế, khách đến Văn phòng Chính phủ từ “cửa chính” ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là khách quốc tế, có lẽ chưa có thời kỳ nào mà khách quốc tế đến Văn phòng Chính phủ làm việc nhiều như bây giờ. “Điều đó thể hiện niềm tin của người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, họ tìm đến làm việc vì bước đầu yên tâm vào sự trong sạch của bộ máy và công việc của họ được giải quyết đường đường chính chính, không còn phải đi bằng cửa sau và hành xử theo văn hóa “gầm bàn”” – Bộ trưởng Dũng nhận định.

Ông cũng dẫn chứng thực tế, nếu như năm đầu của nhiệm kỳ, năm 2016, những vụ việc xảy ra như với quán cà phê “Xin chào” nhiều không thể kể hết, thì đến nay cũng đã giảm hẳn. Một không khí mới về thượng tôn pháp luật, kỷ luật kỷ cương đã ngày càng lan rộng.

“Ít nhất, điều mà tôi tin là người dân nào cũng có thể cảm thấy là lực lượng thực thi công vụ không còn dám ngang nhiên làm càn như ngày trước, không còn dám ngang nhiên vòi vĩnh, ăn chặn tiền của người dân, doanh nghiệp như cướp ngày. Bò dành cho người nghèo cũng không còn đi lạc vào nhà chủ tịch xã…” – ông Dũng nói.

Nhắc về công cuộc phòng chống tham nhũng, người phát ngôn Chính phủ nêu bật khí thế cải cách mạnh mẽ, không “chùn bước” trước tham nhũng.

Trong đó, vấn đề đặc biệt quan trọng được ông Dũng nhấn mạnh chính là phải tạo được sự đồng thuận trong Chính phủ và các bộ, ngành. Mà muốn đạt được sự đồng thuận thì tất cả các thành viên Chính phủ phải gạt đi tư tưởng lợi ích nhóm, chỉ theo một mục tiêu duy nhất là phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.