Quản lý

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể gỡ vướng các dự án giao thông tại Bình Định

16/04/2021, 14:01

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể gợi ý hàng loạt giải pháp giúp tỉnh Bình Định sớm gỡ được nút thắt kết nối hạ tầng giao thông...

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Lê Đình Thọ và lãnh đạo các cơ quan chức năng của Bộ GTVT tại buổi làm việc

Linh hoạt trong quản lý hạ tầng, huy động vốn

Sáng nay (16/4), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Bình Định liên quan công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực, sự chủ động đề xuất các phương án phát triển giao thông kết nối của tỉnh Bình Định, tạo động lực để KT-XH địa phương và các khu vực phụ cận phát triển.

“Để hỗ trợ tối đa địa phương phát triển kinh tế, Cục Hàng không VN cần định hướng sân bay Phù Cát trở thành sân bay quốc tế. Khi nào cảng đáp ứng đủ các điều kiện của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và tiêu chí riêng (Bộ GTVT đang chỉ đạo xây dựng, đề xuất) thì cho nâng cấp (có thể sau năm 2030) thành cảng hàng không quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.

Đối với đề xuất nâng cấp luồng hàng hải Quy Nhơn từ cao độ -11m xuống -13m, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng hải VN và UBND tỉnh phối hợp làm việc với doanh nghiệp khai thác cảng về hiện trạng đầu tư dự án, lộ trình xây dựng cầu cảng, gia tăng công suất, từ đó đề xuất nhu cầu nâng cấp luồng.

“Ước tính sơ bộ, việc nạo vét, nâng cấp luồng cần khoảng hơn 400 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này, tỉnh Bình Định có thể xem xét theo 3 hướng: phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ GTVT nghiên cứu, cân đối một số nguồn vốn các dự án lớn đầu tư cho giao thông trên địa bàn tỉnh ưu tiên cho công tác nạo vét.

Thứ hai là báo cáo Thủ tướng xem xét, cho đầu tư nâng cấp luồng bằng nguồn ngân sách của tỉnh. Và cuối cùng là xã hội hóa thông qua hình thức nạo vét tận thu sản phẩm để huy động một phần vốn tư nhân, một phần ngân sách địa phương và một phần ngân sách từ Trung ương để đẩy nhanh tiến độ huy động kinh phí”, Bộ trưởng gợi ý.

Về đề xuất bổ sung diện tích quy hoạch hệ thống ICD của Bình Định, Bộ trưởng thống nhất cao và yêu cầu Cục Hàng hải VN sớm bổ sung thông tin, đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển cảng cạn sắp tới nhằm tạo khu hậu cần cảng, san sẻ áp lực giải phóng hàng hóa qua cảng Quy Nhơn.

Liên quan đến “nút thắt” trong kết nối giao thông nội đô bởi sự tồn tại của đoạn tuyến đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn, người đứng đầu Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường sắt VN khẩn trương phối hợp với địa phương nghiên cứu có nên duy trì hoạt động đường sắt trong thời gian tới. Nếu việc vận hành đoạn tuyến này vẫn tiếp tục, cần đề xuất các cấp có thẩm quyền cho mở giao thông đồng mức để việc kết nối phía Đông - phía Tây của địa phương không bị cản trở.

“Trường hợp tần suất chạy ít, khả năng khai thác kém cần nghiên cứu phương án đóng chuyến tạm thời, giữ nguyên trạng từ hạ tầng ga đến tuyến đường sắt giao chính quyền địa phương giữ để vận hành vào một thời điểm hợp lý hơn”, Bộ trưởng nói.

Cho ý kiến về đề xuất nâng cấp QL19B và QL19C, Bộ trưởng cho rằng, tỉnh Bình Định cần báo cáo Thủ tướng theo hướng cho chủ trương Bộ GTVT sẽ đầu tư nâng cấp trên tuyến QL19. Riêng phần mở rộng mặt đường (từ 5,5m lên 7,5m), địa phương có thể kiến nghị đầu tư và giao tài sản về TƯ cho Bộ GTVT quản lý, đáp ứng quy định của pháp luật hiện hành.

Liên quan đến các tuyến tránh QL1 qua địa bàn Bình Định, Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ VN nghiên cứu đề án tổng thể các tuyến tránh trên hệ thống quốc lộ Bắc - Nam. Từ đó, lấy cơ sở xây dựng kế hoạch nâng cấp sau thời gian cao điểm tập trung vốn cho cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Về một số vị trí mất ATGT cần đầu tư cấp bách như đoạn từ nút giao cầu Gành đến QL1, Tổng cục Đường bộ VN được giao phối hợp với địa phương khảo sát, xây dựng phương án xử lý điểm đen, sớm khắc phục bất cập cho người dân lưu thông an toàn.

img

Lãnh đạo tỉnh Bình Định phát biểu trong buổi làm việc với Bộ GTVT

Nhiều bất cập giao thông cản trở địa phương phát triển

Trước đó, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh này nằm trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Những năm qua, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn từng bước được triển khai, nhất là trong giai đoạn 2015 - 2020. Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch GTVT trên địa bàn tỉnh vẫn còn bất cập.

Từ những tồn tại trên, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ GTVT hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng các tuyến QL19B và QL19C đạt quy mô 2 làn xe; Đồng thời, đầu tư xây dựng và mở rộng các đoạn tuyến tránh QL1 qua thị trấn Bồng Sơn, TX Hoài Nhơn và thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát) đảm bảo quy mô đủ 4 làn xe cơ giới, đồng bộ số làn xe trên toàn tuyến QL1 thay vì chỉ có 2 làn xe như hiện nay để đảm bảo ATGT.

“Tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ GTVT sớm bố trí vốn triển khai ở rộng QL1 đoạn qua phường Bình Định, TX An Nhơn; Mở rộng mặt đường đoạn từ nút giao thông cầu Gành đến QL1.

Tỉnh cũng mong muốn Bộ GTVT sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư báo cáo Chính phủ thực hiện xây dựng các đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh; sớm đầu tư xây dựng dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku trong giai đoạn 2021 - 2025 tạo trục Đông - Tây kết nối biển Đông với khu vực Tây Nguyên thông qua cảng Quy Nhơn, tạo động lực phát triển cho hành lang kinh tế Đông - Tây”, ông Long nói.

img

5 năm qua, tỉnh Bình Định đã có nhiều đột phá trong xây dựng hạ tầng giao thông, song vẫn còn nhiều điểm nghẽn kết nối cần phải khắc phục - Ảnh minh họa

Đối với hạ tầng kết nối cảng biển, UBND tỉnh Bình Định đề xuất đưa vào kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 thực hiện đầu tư nâng cấp hạ tầng mở rộng cảng Quy Nhơn theo các quy hoạch liên quan đã được phê duyệt; Sớm triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến luồng hàng hải Quy Nhơn đáp ứng cho tàu 50.000 DWT đầy tải.

“Tỉnh Bình Định cũng bố trí gần 86ha dọc tuyến QL19 xây dựng cảng cạn để phục vụ cảng biển Quy Nhơn, để tạo điều kiện cho địa phương tổ chức đầu tư xây dựng và kêu gọi nhà đầu tư, đề nghị Bộ GTVT trình Chính phủ, cập nhật, điều chỉnh bổ sung diện tích quy hoạch cảng cạn vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, ông Long đề xuất.

Với lĩnh vực hàng không, ông Long cho biết, theo tính toán, tốc độ tăng trưởng về lượng hành khách về hàng hóa qua cảng hàng không Phù Cát giai đoạn 2016 - 2019 tăng trung bình đến hơn 25%/năm. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, đề nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh nội dung quy hoạch cảng hàng không Phù Cát từ cảng nội địa thành cảng hàng không quốc tế thời kỳ 2021 - 2030.

Riêng tuyến đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn chiều dài hơn 10km, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, 3 tháng nay, tuyến này không có tàu chạy.

“Trong khi đó, tuyến đường sắt này đang sắt chia đôi TP Quy Nhơn. Phương tiện muốn đi từ Tây sang phía Đông bắt buộc phải đi vòng. Trước bất cập đó, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng xem xét, chuyển đoạn tuyến này thành đường sắt đô thị hoặc một phương án khả thi khác để địa phương có thể xây dựng các phương án đấu nối hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển KT-XH”, ông Dũng nói.

Để cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định có thể sớm triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, các cơ quan chức năng địa phương cần hỗ trợ nghiên cứu thủ tục về trữ lượng vật liệu, có một số hệ thống mỏ nhà nước quản lý cung cấp cho dự án giao thông trọng điểm và đề ra biện pháp tránh tình trạng tăng giá vật tư.

Ngoài ra, tỉnh Bình Định cũng cần chủ động quy hoạch, đầu tư các khu tái định cư để sớm bàn giao được mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.