Quản lý

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm trưởng ban soạn thảo sửa đổi Luật GTĐB

05/05/2020, 17:25

Ban soạn thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp làm trưởng ban.

img
Bộ GTVT sẽ sửa đổi để giải quyết những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện Luật GTĐB năm 2008 - Ảnh minh họa

Bộ GTVT vừa ban hành quyết định thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập dự án Luật GTĐB (sửa đổi). Theo đó, Ban soạn thảo dự án Luật GTĐB (sửa đổi) gồm 52 thành viên do Bộ trưởng Bộ GTVT trực tiếp làm trưởng ban. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ làm phó trưởng ban.

Thành viên Ban soạn thảo Luật GTĐB (sửa đổi) đến từ nhiều bộ, ngành. Trong đó, Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại Giao, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia là thành viên.

Bên cạnh đó, các thành viên khác là các vụ trưởng, tổng cục trưởng, vụ phó các vụ chức năng của các bộ như: GTVT, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Tài Nguyên và Môi trường, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra Chính phủ, Công thương, Quốc phòng, Y tế, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN...

Tổ biên tập dự án Luật GTĐB (sửa đổi) bao gồm 76 thành viên do Thứ trưởng Bộ GTVT làm tổ trưởng. Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) là tổ phó. Các thành viên khác của tổ biên tập đến từ Cục CSGT; Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an); Tổng cục Đường bộ VN; đại diện các vụ của Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại Giao, Bộ Tư pháp...

Ban soạn thảo, trưởng ban, phó trưởng ban và các thành viên thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 54 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; điều 26 Nghị định 34/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tổ biên tập, tổ trưởng và các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 27 Nghị định 34/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trước đó, Bộ GTVT cho biết, thực hiện Nghị quyết số 12/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2019 - 2021, Bộ GTVT đã chủ trì, xây dựng dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Theo Bộ GTVT, qua 12 năm thực hiện, Luật GTĐB năm 2008 đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ, góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, đảm bảo ATGT, góp phần quan trọng trong việc phát triển GTVT và kinh tế - xã hội đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, sau nhiều năm triển khai vào thực tiễn, Luật GTĐB năm 2008 đã xuất hiện một số tồn tại, bất cập phát sinh cần được sửa đổi, bổ sung như: tỉ lệ % diện tích đất dành cho đường bộ chưa đảm bảo; hạn chế về hạ tầng giao thông thông minh khiến cho việc xử phạt không minh bạch; phương tiện cá nhân phát triển nhanh với nhiều loại hình công nghệ tiên tiến; hệ thống quốc lộ, đường nông thôn, đường cao tốc phát triển mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải; tai nạn giao thông đường bộ giảm liên tục trong các năm qua, nhưng kết chưa bền vững, số người chết, bị thương vẫn ở mức cao.

Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Luật GTĐB năm 2008 của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố, cùng với thực tiễn công tác quản lý, sự chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 12/2019, Bộ GTVT xây dựng Luật GTĐB (sửa đổi) thay thế Luật GTĐB năm 2008 với mục tiêu giải quyết những bất cập trong Luật GTĐB năm 2008.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.