Giao thông

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Phải tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn" thể chế

28/11/2018, 14:45

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu nâng cao chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

22222

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì Hội nghị giao ban Bộ GTVT tháng 11

Tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn" thể chế

Tại cuộc họp giao ban tháng 11 được Bộ GTVT tổ chức vào sáng nay (28/11), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Đánh giá về công tác này thời gian qua, Bộ trưởng Thể cho rằng, Bộ GTVT cơ bản hoàn thành chương trình, đề án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2018. Tuy nhiên, một số đề án, thông tư còn chậm so với yêu cầu, chất lượng chưa đảm bảo.

Theo Bộ trưởng, các nghị định về quản lý kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng để cụ thể hoá luật nên cần khẩn trương hoàn thành với chất lượng tốt nhất. Riêng đối với Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương có báo cáo cụ thể về các ý kiến, quan điểm khác nhau trong dự thảo nghị định với Thường trực Chính phủ trước khi Thủ tướng ký ban hành.

“Muốn làm được điều này, lãnh đạo các đơn vị phải trực tiếp “xắn tay” vào việc, rà soát từng nội dung trong Nghị định, tránh tình trạng ban hành còn thiếu sót. Trong đó, cần đặc biệt chú ý hai lĩnh vực là đường sắt và hàng không vì có nhiều tài sản nhà nước. Đối với đường sắt cần phân định rõ trách nhiệm giữa Cục Đường sắt và Tổng công ty Đường sắt. Đối với hàng không, khu bay là tài sản của nhà nước cũng cần có chính sách quản lý phù hợp”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Cũng theo Bộ trưởng, một số nghị định liên quan đến việc lấy ý kiến các bộ, ngành nên tiến độ hoàn thiện khá chậm. Lãnh đạo các đơn vị liên quan phải tích cực, khẩn trương rà soát, đốc thúc đẩy nhanh tiến độ. Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2019 cũng cần chủ động làm sớm nhưng phải đảm bảo chất lượng. "Thông tư, nghị định nếu chất lượng tốt, khi đi vào cuộc sống sẽ tạo sức bật lớn. Cần phải tập trung để tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế để tạo điều kiện cho phát triển của ngành", Bộ trưởng nói.

Đối với xây dựng đề án, Bộ trưởng cho rằng, trước mắt nên xây dựng đề án cấp Bộ. Trong quá trình thực hiện, nếu hiệu quả cao sẽ đăng ký xây dựng đề án cấp Chính phủ phê duyệt. Đề án liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng giao thông địa phương, vùng miền thì cần lấy ý kiến đóng góp từ chính địa phương, vùng miền đó để đầu tư phù hợp. 

Khẩn trương sửa đổi Thông tư 35 về mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo khẩn trương sửa đổi Thông tư 35 về mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để ban hành trong tháng 12 này; trước mắt là để tháo gỡ khó, khăn cho BOT hầm Đèo Cả. Khi Nghị định 149 được sửa đổi sẽ áp dụng theo cơ chế mới.

Bên cạnh đó cũng cần khẩn trương sửa đổi Nghị định 149 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, theo hướng, đối với những dự án thu phí có đường song song, người dân có sự lựa chọn, sẽ không quy định giá trần mà để doanh nghiệp tự quyết định mức giá. Khi đó nếu doanh nghiệp sẽ phải tự biết cân đối nguồn thu, giá vé hợp lý thì xe nhiều, ngược lại, giá cao xe sẽ ít đi hơn.

DEo Ca

Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương báo cáo Chính phủ những nội dung chính liên quan đến tháo gỡ khó khăn và thu hút đầu tư để sửa đổi Nghị định  149 - Ảnh hầm Đèo Cả

“Đường cao tốc và BOT trên quốc lộ hiện hữu có sự khác nhau về bản chất, cao tốc hay hầm Đèo Cả là những công trình mới song hành với quốc lộ. Việc này cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ cho mức giá đường cao tốc và công trình hầm. Cao tốc hay công trình hầm mà quản lý mức giá như hiện nay là không ổn vì những công trình này có suất đầu tư lớn và người tham gia giao thông có quyền lựa chọn”, Bộ trưởng nói và chỉ đạo: “Phải khẩn trương báo cáo Chính phủ những nội dung chính liên quan đến tháo gỡ khó khăn và thu hút đầu tư để sửa đổi Nghị định  149”.

Sẽ quy định lộ trình nâng cao tiêu chuẩn khí thải với ô tô đang lưu hành

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2018, Bộ GTVT trình Chính phủ 12 nghị định theo chương trình công tác năm 2018. Chính phủ đã ban hành 13 văn bản do Bộ GTVT trình. Đối với thông tư của Bộ, đã có 2 thông tư được ký ban hành. Như vậy, trong 11 tháng đầu năm, Bộ trưởng đã ký ban hành 55 thông tư. Bên cạnh đó, cũng trong khoảng thời gian này, các cơ quan, đơn vị đã trình Bộ trưởng 46/46 đề cương văn bản và 74/74 dự thảo văn bản, với 2 dự thảo đề cương và 1 dự thảo thông tư được trình Bộ trong tháng 11/2018. 

"Trong tháng 12, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện 7 dự thảo nghị định của Chính phủ để các văn bản sớm được ban hành. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định quy định về lộ trình nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô đang lưu hành, xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụngTrình Bộ trưởng, Thứ trưởng ký ban hành 14 thông tư và 3 thông tư gửi Bộ Tài chính đề nghị ký ban hành", bà Nga cho biết.

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ và lãnh đạo Bộ GTVT giao, ông Nguyễn Trí Đức, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT nhận được tổng số 558 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đến nay, các đơn vị thuộc Bộ đã hoàn thành 400 nhiệm vụ, đạt 72%; chưa hoàn thành 158 nhiệm vụ, chiếm 28%; 4 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn, đều có hạn hoàn thành từ các tháng trước, hiện nay đang được các Vụ tham mưu giải quyết.

 "Trong 11 tháng, lãnh đạo Bộ đã giao các cơ quan, đơn vị trên 1.300 nhiệm vụ. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã hoàn thành 1.276 nhiệm vụ, đạt 94% và đang tiếp tục thực hiện 84 nhiệm vụ trong hạn, chiếm 6%; không có nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn", ông Đức cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.