Thời sự

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: "Mức phạt thấp sẽ không đảm bảo tính răn đe"

10/06/2020, 14:09

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình tăng mức xử phạt vi phạm hành chính để tăng tính răn đe, đảm bảo hiệu lực pháp luật.

img
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

Sáng 10/6, thảo luận tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình tăng mức xử phạt vi phạm hành chính để tăng tính răn đe, đảm bảo hiệu lực pháp luật.

Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, Luật Xử lý vi phạm hành chính ảnh hưởng đến toàn dân và mang tính chất lập lại trật tự, kỷ cương xã hội. Việc điều chỉnh, bổ sung những điều khoản giúp quản lý xã hội tốt hơn thì sẽ có tác động răn đe rất lớn với toàn xã hội.

Dẫn ví dụ Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ khi ban hành có đột phá rất lớn, Bộ trưởng GTVT đồng tình với đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính.

"Nghị định 100 người dân rất ủng hộ. Tinh thần xây dựng Nghị định là phạt thật cao với mong muốn không ai vi phạm, nếu ai vi phạm thì phải chịu hình phạt cao. Nếu muốn quản lý xã hội mà phạt thấp thì không đảm bảo tính răn đe", Bộ trưởng Thể nói

Đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) cũng đồng tình với những đề xuất mới của Dự thảo Luật về tăng mức phạt hành chính tối đa của 10 lĩnh vực như GTĐB, thủy lợi, kinh doanh bất động sản… Đại biểu Chiến đề xuất bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định như về vấn đề tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn an ninh mạng.

img
Đại biểu Nguyễn Chiến cho rằng cần thiết quy định mức xử phạt tối đa

“Thực tiễn cho thấy quy định về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và mức xử phạt cao được quy định tại Nghị định 100 đã góp phần thay đổi thói quen của người dân khi tham gia giao thông. Người dân cũng đã tự ý thức phải tránh xa những hành vi vi phạm mà Luật đã quy định. Như vậy, rõ ràng cần phải mạnh dạn quy định mức phạt nặng nếu những vi phạm đó gây tác hại, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kĩ lưỡng hơn về việc tăng mức phạt cho từng lĩnh vực để bảo đảm cho việc tăng phạt tối đa, làm cơ sở đánh giá tác động cụ thể đối với phản hồi xã hội như thế nào”, đại biểu Chiến đề xuất.

Phản đối cắt điện, nước để cưỡng chế hành chính

Tại phiên thảo luận tổ sáng nay, nhiều đại biểu cũng cho ý kiến về quy định "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm".

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc bổ sung quy định cắt điện nước "là giải pháp không cần thiết và suy cho cùng chỉ về kinh tế thôi".

"Ngừng cung cấp điện nước thì hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng. Một xí nghiệp có hàng nghìn công nhân mà dừng cung cấp nước sẽ ảnh hưởng đến cả nghìn người này, tác động ghê gớm", Bộ trưởng Thể nói và đề xuất tăng khung hình phạt vi phạm hành chính gấp 10 - 50 lần hiện nay để răn đe.

"Đây cũng là biện pháp tác động vào kinh tế người vi phạm, nhưng không gây ảnh hưởng đến xã hội và người vi phạm phải chấp hành. Ai không chấp hành thì xử phạt cao hơn", Bộ trưởng Thể đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, cũng cho rằng quy định cắt điện, nước "thể hiện sự bất lực của cơ quan Nhà nước".

Lấy ví dụ chủ nhà vi phạm việc xây dựng, nhưng trong nhà còn bà già, trẻ con, đại biểu Cương cho rằng giải pháp cắt điện, nước có thể đem lại hiệu quả nào đó để không tiếp tục vi phạm nhưng những người khác vô tình trở thành nạn nhân.

"Nhất là vào mùa nắng nóng thế này, chỉ vì chủ nhà vi phạm mà cắt điện, nước thì là hành vi dã man", ông Cương nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nhiều trường hợp hoàn toàn có thể cắt điện, nước được như xử phạt cá nhân, tổ chức xây nhà trái phép trên núi, trong rừng. Nhưng với các khu dân cư, hộ sản xuất bánh mỳ, nước đá... thì địa phương phải cân nhắc kỹ lưỡng khi áp dụng.

"Hoặc trong gia đình, chỉ vì người chồng vi phạm mà cắt điện, nước thì vợ con họ sống, học hành, làm việc sao được", ông Nghĩa đặt câu hỏi,

Về quan điểm cho rằng, nếu tăng mức phạt vi phạm hành chính tối đa, phải chăng sẽ tạo ra các vấn đề tiêu cực xã hội, bắt tay chung chia, đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) phân tích: “Ở đâu đó có hiện tượng phong bì, bắt tay chung chia, thì đó là vấn đề của tổ chức thực hiện, vấn đề quản lý Nhà nước, vấn đề con người, chúng ta phải khắc phục. Không vì một vài tiêu cực mà luật pháp lại nương nhẹ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.