Xã hội

Tuyển công chức, viên chức sẽ không cần chứng chỉ tin học, ngoại ngữ

07/11/2019, 13:52

Ngày 7/11, Bộ trưởng Nội Vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn tại Quốc hội, khẳng định sẽ sửa quy định tuyển, nâng ngạch công chức, viên chức.

img
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 7/11

Nhóm nội dung Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân sẽ trả lời chất vấn là về việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; việc sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Có nhất thiết cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi xét tuyển công chức, viên chức?

Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ, ĐB Nguyễn Thị Phúc đặt câu hỏi về vấn đề chứng chỉ, bằng cấp khi thi xét nâng ngạch công chức, viên chức.

“Hiện nay việc tổ chức thi xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa được rõ ràng, minh bạch và còn tồn tại nhiều bất cập. Yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức.

Thứ nhất nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục nên đã đăng ký lớp học ngoại ngữ, tin học với thời gian học rất ngắn nên chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không thực chất. Thứ hai, nhiều ngành nghề lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này nên sau khi thi học chứng chỉ thì không sử dụng đến”, ĐB Phúc nói và đặt câu hỏi: "Có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ tin học khi tiến hành thi xét nâng ngạch công chức, viên chức hay không?"

Về vấn đề thi tuyển, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ công chức, Bộ trưởng Tân xác nhận, có sự phiền hà lớn về việc văn bằng chứng chỉ. Bộ trưởng thanh minh, do quy định áp dụng từ năm 1993 đến nay, hơn 20 năm rồi, phải sửa.

“Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này vì một quyết định để 20 năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà. Chúng tôi cam kết với Quốc hội, sau khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay nội dung này. Chúng tôi sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào. Còn vấn đề kiểm soát trình độ ngoại ngữ, tin học thì thi trên máy luôn, không cần yêu cầu bằng cấp, chứng nhận”, Bộ trưởng Tân nói.

Lo “giản những người tinh”

Cho biết cử tri băn khoăn, lo lắng về tình trạng “giản những người tinh", ĐB Châu Quỳnh Dao chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân giải pháp tối ưu nào để khi chúng ta sắp xếp lại bộ máy không loại bỏ nhầm người giỏi, giữ lại những người kém đức, kém tài .

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói: Tôi thống nhất quan điểm không giảm biên chế kiểu cào bằng. Bộ Nội vụ vừa rồi giao biên chế năm 2019, trong đó tăng biên chế cho 3 đơn vị, giảm 6 đơn vị. Tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ công việc hàng năm mà điều chỉnh. Thủ trưởng, người đứng đầu sẽ tự quyết định chứ không phải đơn vị nào, Vụ nào, Sở nào cũng đều giảm hết 2%.

Báo cáo thêm về tăng giảm biên chế, Bộ trưởng Nội vụ thông tin: Đến năm 2021, khả năng thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp trong các cơ quan hành chính là khả thi. 2 năm vừa qua, Bộ Nội vụ đã cắt giảm biên chế ngay 2% mỗi năm. Riêng với viên chức hiện mới giảm được 4,26%.

Không giảm được viên chức, không cải cách được tiền lương

Tr li ĐB Quc hi v vn đ xây dng v trí vic làm, B trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, vấn đề này liên quan đến phục vụ cho việc trả lương theo chính sách cải cách tiền lương năm 2021. Bởi đề án vị trí việc làm phải xây dựng theo hướng biên chế không tăng, mới có thể cải cách được tiền lương.

Nói thêm về Đề án chính sách cải cách tiền lương mới, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan chủ trì thực hiện xây dựng Đề án vị trí việc làm, xây dựng chức danh tương đương để thực hiện theo cơ chế tiền lương, trả lương theo vị trí việc làm và trả lương theo chức vụ lãnh đạo quản lý.

Hiện nay, Bộ Nội vụ được phân công là thực hiện việc hướng dẫn cho các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch nước để xây dựng Đề án vị trí việc làm các cơ quan hành chính. Ban Tổ chức Trung ương sẽ hướng dẫn xây dựng Đề án vị trí việc làm của các cơ quan khối Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị, xã hội.

Đối với các bộ, ngành thì sẽ tiến hành xây dựng Đề án vị trí việc làm và thang bảng lương cơ cấu từng vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị mình. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp vị trí việc làm, tổng hợp chức danh tương đương và tổng hợp thang bảng lương của các bộ, ngành để trình với Bộ Chính trị. Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến và làm cơ sở cho năm 2020 sẽ tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương năm 2021.

“Đề án vị trí việc làm lần này chỉ chia làm 4 nhóm: Nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý; Nhóm chuyên môn nghiệp vụ; Nhóm chuyên môn nghiệp vụ dùng chung, ví dụ Văn phòng, Thanh tra, Kế toán; Nhóm phục vụ.

“Chúng ta chia làm bốn nhóm để dễ xếp lương, trước đây chia quá nhiều như thế thì cơ cấu tiền lương phải chi tiết. Các vị trí việc làm này phải tương ứng với cơ cấu tiền lương để bảo đảm hài hòa với các ngành khác trong hệ thống chính trị của chúng ta”, Bộ trưởng Nội vụ nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.