Xã hội

Bộ trưởng Nội vụ: Sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định kỷ luật cán bộ về hưu

10/06/2019, 19:23

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu quy định xử lý kỷ luật cán bộ sai phạm khi đương chức, hiện đã nghỉ hưu.

img
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ

Chiều 10/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Thảo luận về hình thức kỷ luật cán bộ, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Thái Nguyên) đồng tình với việc bỏ quy định về "giáng chức" và thay bằng hình thức "cách chức" để phù hợp với các quy định về kỷ luật cán bộ, tránh tình trạng nể nang, né tránh. Bởi lẽ, việc chỉ dùng hình thức giáng chức và tiếp tục làm việc cũng gây khó khăn cho cơ quan cũ trong bổ nhiệm cán bộ và phân công công tác.

ĐB Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) lại cho rằng, việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức chưa có lý do thuyết phục, vì nếu do nể nang mà giáng chức thì chưa đúng thẩm quyền; còn nếu giáng chức là chuyên viên thì khó bố trí công việc. Do đó, ĐB đề nghị giữ lại hình thức giáng chức, phù hợp với nguyên tắc có thăng có giáng.

Trao đổi bên hành lang kỳ họp, ĐB Nguyễn Mai Bộ cho biết, hiện nay tình trạng lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm lộ bí mật công tác, trục lợi chính sách xảy ra rất phổ biến nhưng lại chưa được quy định trong Luật sửa đổi. “Cả Luật 2008 lẫn dự thảo sửa đổi lần này mới chỉ quy định nội dung những việc cán bộ công chức không được làm liên quan tới bảo vệ bí mật nhà nước. Còn việc tuồn thông tin bí mật công tác ra ngoài để cho anh em, doanh nghiệp làm thì tuyệt nhiên không thấy quy định. Trong khi đó Bộ Luật Hình sự có hẳn một điều xử lý tội cố ý làm lộ bí mật công tác”, ĐB phân tích.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) góp ý, quy định kỷ luật cán bộ công chức đang được thiết kế ngược trong dự thảo luật sửa đổi. “Thay vì phải căn cứ vi phạm pháp luật rồi mới xử lý về mặt Đảng thì dự thảo lại lấy căn cứ vi phạm điều lệ Đảng để làm chuẩn. Rõ ràng kỹ thuật lập pháp ở đây không ổn”, ông Bộ nhận định.

Đồng tình với việc xử lý kỷ luật cán bộ đã về hưu, song ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng với hình thức “xóa tư cách” thì chưa phù hợp. Ngoài ra, ĐB cho rằng, phạm vi, đối tượng xử lý như dự thảo luật đưa ra là quá rộng. “Luật chỉ nên hướng vào việc “xóa tư cách” là người có chức vụ. Còn với cán bộ công chức bình thường thì không có gì để xóa”, ĐB Trần Thị Hằng nói.

Tương tự, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng việc bổ sung quy định xử lý cán bộ đã nghỉ hưu là cách để phòng ngừa, răn đe đối với các bộ công chức khi làm việc, đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân để không được sai phạm; phòng ngừa tư duy nhiệm kỳ; phòng ngừa cán bộ công chức sắp nghỉ hưu kiếm lợi ích cục bộ, rồi “hạ cánh an toàn”.

“Tuy nhiên, vấn đề này luật cần quy định rõ ràng hơn, đồng thời có giải thích các trường hợp người nghỉ hưu bị thi hành kỷ luật cách chức lúc đương chức vi phạm thì các văn bản do người đó ký lúc đương chức nay có giá trị không?”, ông Hòa nêu quan điểm .

Giải trình về các vấn đề được ĐB nêu ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết sau phiên thảo luận này, bộ sẽ phối hợp các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình để sớm trình Quốc hội thông qua dự thảo luật tại kỳ họp sau.

Liên quan đến những ý kiến khác nhau xung quanh quy định về giáng chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết từ những báo cáo về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức được các cơ quan gửi lên thì từ trước đến nay Bộ Nội vụ chưa ghi nhận trường hợp nào bị giáng chức. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị các ĐB tìm hiểu thêm về quy định này.

Với các ý kiến về quy định xử lý sai phạm của cán bộ, công chức khi đương chức nhưng hiện đã nghỉ hưu, Bộ trưởng Nội vụ cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy định trong dự thảo, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.