Xã hội

Bộ trưởng Nông nghiệp lý giải nguyên nhân khủng hoảng thừa thịt lợn

13/06/2017, 11:01

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lý giải 2 nguyên nhân khiến thịt lợn dư thừa, giá thấp thảm hại.

BT Nguyen Xuan Cuong tra loi chat van

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn sáng 13/6

Sáng 13/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là tư lệnh ngành đầu tiên mở màn phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV.

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Tôn Ngọc Hạnh, Bình Phước quan tâm đến gói tín dụng 100.000 tỷ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao – một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng để cơ cấu lại nền nông nghiệp.

Tuy nhiên ĐB nêu thực tế việc triển khai gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, hợp tác xã khó tiếp cận vốn do các quy định bất cập như: Phải có 3 năm hoạt động liên tục được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phải được công nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn.

“Vậy Bộ trưởng sẽ tham mưu giải quyết những bất cập này như thế nào để doanh nghiệp, người dân sớm tiếp cận được nguồn vốn?”, ĐB hỏi.

ĐB Nguyễn Sơn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: “Bộ căn cứ vào đâu để Bộ quy hoạch dự báo phát triển sản phẩm ngành chăn nuôi? Vì theo Quyết định 124 của Thủ tướng phê duyệt tổng đàn lợn đến 2015 là trên 32,2 triệu con, 2020 là 34,4 triệu con nhưng theo số liệu thống kê thì tháng 10/2015 mới đạt hơn 27,7 triệu con, tháng 10/2016 mới đạt 29 triệu con, thấp hơn nhiều so với quy hoạch nhưng thị trường đã dư thừa đến hàng chục triệu con, giá cả giảm sút thảm hại người chăn nuôi thua lỗ nặng, lúng túng trong giải pháp giải cứu. Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm của bộ trong vấn đề này?”

Tiếp tục quan tâm đến ngành chăn nuôi, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Lan, Bắc Ninh cho biết, tình hình ngành chăn nuôi lợn và thức ăn chăn nuôi đang đặc biệt khó khăn do cung vượt cầu, lượng thị dư thừa quá lớn khiến giá thịt lợn lao dốc không phanh. “Đến thời điểm này, ngành chăn nuôi đã lỗ đến 50% giá thành, gây thiệt hại quá lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Bộ đã có những giải pháp trước mắt khá tích cực nhưng xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ, lâu dài giải quyết vấn đề này như thế nào?”, bà Lan đặt câu hỏi.

Trả lời chất vấn về vấn đề nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định quan điểm xoá cơ chế xin – cho trong nông nghiệp công nghệ cao. “Cái này tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng không phải xin ai hết. Bất kỳ khu nào có điều kiện ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là chúng ta thực hiện trên cơ sở tiêu chí đưa. Trước đây dự án đưa vào quy hoạch thành khu nông nghiệp công nghệ cao để có chính sách đầu tư, giờ chúng ta muốn mở bung cái này ra, không có rào cản. Còn cần gì xúc tiến đầu tư, cần gì phối hợp thì các Bộ sẽ sẵn sàng vào cuộc” – Bộ trưởng nói.

Trả lời chất vấn về tình hình chăn nuôi lợn, Bộ trưởng trước hết chia sẻ với bà con nông dân chăn nuôi lợn.

Đề cập đến nguyên nhân, Bộ trưởng cho rằng có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là do sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh. Trong hơn 10 năm qua, riêng thực phẩm thịt lợn nói chung chúng ta tăng trên 3,6 lần, từ 3,4 triệu tấn lên 5,6 triệu tấn; sữa từ 511 nghìn tấn lên 800 nghìn tấn, cùng với đó là hàng chục triệu quả trứng.

Nguyên nhân thứ nhất là khối lượng khổng lồ của sản phẩm nông nghiệp trong một thời gian ngắn, riêng lợn tăng trưởng còn nhanh hơn. Cách đây 10 năm Việt Nam chúng ta thấp nhất trong ASEAN thì sau 10 năm, riêng ngành cá lên 23 triệu tấn, lợn nái từ 2 triệu con lên 4,2 triệu con. Chúng ta có một bước cải tiến về quy mô nông hộ từ 7 triệu hộ đến nay gom lại vẫn còn hơn 3 triệu hộ. 3 năm gần đây sức tăng trưởng thực phẩm tăng quá nhu cầu tại một thời điểm.

“Trước bữa cơm có 75% là thịt lợn thì bây giờ có nhiều thực phẩm khác để người dân lựa chọn như sữa, trứng, thịt gà, thịt bò… làm cho dư thừa tạm thời, gây mất cân đối, sức cung lớn hơn sức cầu rất nhiều” – Bộ trưởng Cường giải thích.

Bên cạnh đó, khâu tổ chức thị trường cũng được đánh giá là khâu yếu nhất, đặc biệt là đối với thịt lợn. “Tóm lại 3 khâu: sản xuất, chế biến, mở cửa thị trường, chúng ta mới làm tốt khâu đầu, còn 2 khâu sau yếu dẫn đến tình trạng dư thừa như vừa qua”- ông Cường khẳng định.

Giơ biển xin tranh luận, ĐB Nguyễn Thanh Hồng, Bình Dương cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về căn cứ lập quy hoạch phát triển đàn lợn chưa thuyết phục. Xuyên suốt câu trả lời của Bộ trưởng vắng bóng vai trò quản lý.

“Ta cho rằng người sản xuất tự phát. Trả lời như thế chư thấy vai trò quy hoạch, điều chỉnh, cảnh báo, có chính sách phù hợp túc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Cử tri nói rằng ta có khẩu hiệu người tiêu dùng thông minh, cử tri nói nhà quản lý thông minh. Nói thế này cử tri không hài lòng vì có rất nhiều “quyết tâm”, “quyết liệt”” – ĐB nhấn mạnh.

Làm rõ thêm các chất vấn của cử tri về thị trường cho nông sản, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng khâu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp là phải căn cứ vào nhu cầu và tín hiệu của thị trường, kể cả trong và ngoài nước, để xây dựng các quy hoạch và tổ chức các quy hoạch đó cho tốt.

Theo Bộ trưởng, việc đàn lợn có tốc độ tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực, tiềm năng của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn có thể phát triển tốt nếu làm tốt công tác thị trường.

Liên quan đến công tác thị trường phải giải quyết được 2 vấn đề, đó là mở cửa thị trường về mặt thương mại, tức là các vấn đề liên quan thuế suất, thuế nhập khẩu. Hai là phải mở cửa về mặt thủ tục hành chính và các hàng rào kỹ thuật.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chúng ta đã làm tốt khâu đầu, tức là mở cửa thị trường, nhiều thuế suất thậm chí về 0%. Chúng ta có dư địa để sản xuất rất nhiều sản phẩm, trong đó có thịt lợn. Nhưng còn hàng rào kỹ thuật là vấn đề cơ bản thì lại chưa bảo đảm theo quy chuẩn của các nước nhập khẩu, cụ thể như Trung Quốc. 

“Từ năm 2016, hai Bộ đã liên tục phối hợp với nhau triển khai các hoạt động với phía Trung Quốc. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là để thông qua được hàng rào kỹ thuật với Trung Quốc thì việc đầu tiên phải được công nhận vùng chăn nuôi của Việt Nam không có dịch bệnh lở mồm long móng. Đây là yêu cầu tối thiểu cần có thông qua hàng rào kỹ thuật. Do đó, công tác quy hoạch phải tính toán lại và tổ chức sản xuất phải bảo đảm chất lượng, giá thành”, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.