Xã hội

Bộ trưởng Tài chính: Nhà nước quy định, khống chế giá tối đa nhà ở xã hội

05/06/2023, 11:32

Sáng 5/6, thảo luận ở tổ, Bộ trưởng Tài chính cho rằng Nhà nước cần quy định, khống chế giá tối đa nhà ở xã hội để thuận lợi cho người dân.

Cần phải quản lý, duyệt giá nhà ở xã hội

Sáng 5/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tham gia thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị điều chỉnh lại khoản 3, Điều 80 dự thảo quy định dành 1 tỷ lệ nhất định tiền sử dụng đất thu từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư nhà ở xã hội.

Theo ông Phớc, quy định như vậy không đúng theo Luật Ngân sách nhà nước. Các khoản thu ngân sách không quy định về nhiệm vụ chi của những việc cụ thể và cần làm rõ, các khoản này có được đưa vào ngân sách không, nếu để ngoài sẽ không có cơ chế thực hiện.

img

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên thảo luận

Từ đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất nên thiết kế lại quy định theo hướng: Nhà nước có trách nhiệm đền bù GPMB để giao đất sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính phân tích, nhà ở cho công nhân có 2 loại: Loại nằm trong khu công nghiệp, thì chỉ dành cho công nhân của khu công nghiệp thuê để phục vụ cho hoạt động của các nhà máy trong khu công nghiệp.

Đối với loại nằm ngoài khu công nghiệp, nếu là đất do doanh nghiệp đấu giá được để xây nhà ở cho công nhân, doanh nghiệp sẽ quyết định giá cho thuê. Nhưng nếu đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất để xây nhà ở cho công nhân, thì Nhà nước quyết định giá để tạo điều kiện cho công nhân hưởng mức giá thấp nhất.

"Khi có hạ tầng, có đất sạch, chủ đầu tư tham gia làm nhà ở xã hội theo đúng quy hoạch phê duyệt sẽ hợp lý hơn", Bộ trưởng Bộ Tài chính nhìn nhận.

Theo ông Phớc, có 2 loại nhà ở xã hội: Do Nhà nước đầu tư hoặc từ nguồn vốn xã hội hóa (do doanh nghiệp ngoài Nhà nước đầu tư).

"Nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư, Nhà nước quy định giá bán và phải bán đúng giá. Đối với loại nhà ở thực hiện xây dựng từ nguồn xã hội hóa nhưng do doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước cũng phải duyệt giá, bởi doanh nghiệp đầu tư chỉ đầu tư vốn, còn đất lại do Nhà nước giao. Nhà nước không thu tiền sử dụng đất mà còn giao đất sạch, đương nhiên việc khống chế mức giá tối đa do Nhà nước thực hiện", ông Phớc nhấn mạnh.

Đồng thời, ông cũng cho rằng phải giao cho Chính phủ quy định UBND tỉnh ban hành phí bảo trì và quản lý nhà ở xã hội. Nếu không có phí này, mỗi khu chung cư lại tự đặt một mức phí khác nhau rất khó quản lý, trong khi, khoản phí này do chính đối tượng ở nhà ở xã hội chi.

"Đối tượng ở nhà ở xã hội là đối tượng yếu thế do đó cần phải quản lý, phải duyệt giá, không để chủ đầu tư tự nâng giá như thế nào cũng được", ông Phớc nói.

Xem xét cắt điện, nước các hộ dân không chịu di dời khỏi chung cư có nguy cơ sập đổ

Sáng 5/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm mới như: Ký kết các văn bản huy động vốn phục vụ cho phát triển nhà ở khi chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động hoặc tiền mua nhà ở trả trước cho phát triển nhà ở; một số hành vi trong quản lý, sử dụng nhà chung cư...

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, một trong những vướng mắc lớn hiện nay cần phải khắc phục khi sửa đổi Luật Nhà ở là tình trạng khó khăn trong phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, đã bị xuống cấp, hư hỏng.

Chính vì vậy, trong hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3, Chính phủ đã đề xuất bổ sung quy định cụ thể về xác lập và chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư trong trường hợp nhà chung cư không còn đủ điều kiện an toàn cho người sử dụng (quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư).

Tuy nhiên, nội dung này không nhận được sự đồng tình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật trình Quốc hội đã bỏ phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư, nhưng các nội dung bổ sung vẫn chưa đáp ứng yêu cầu mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra về tính cụ thể, khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn, cần phải được tiếp tục rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy định di dời, cưỡng chế các hộ dân khỏi nhà có nguy cơ tác động trực tiếp đến các quyền hiến định (quyền có nơi ở hợp pháp, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền sở hữu nhà ở…) nên cần phải quy định trong luật.

Tuy nhiên, dự thảo luật chưa quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời, biện pháp cưỡng chế, dẫn đến khó khăn trong công tác triển khai.

"Nếu chung cư cũ, hư hỏng, có nguy cơ sập đổ mà chưa di dời được người dân, hậu quả xảy ra ai sẽ chịu trách nhiệm?", báo cáo thẩm tra nêu.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định cụ thể và bổ sung giải pháp quyết liệt hơn, trong đó có các biện pháp cưỡng chế cần thiết, phù hợp để khắc phục tình trạng này.

Chẳng hạn, hiện nay chưa có quy định biện pháp cắt điện, nước để buộc thực hiện nghĩa vụ di dời, vì nhiều quan điểm cho rằng cung cấp điện, nước là giao dịch dân sự độc lập với yêu cầu thực hiện nghĩa vụ.

"Tuy nhiên, nếu xác định việc cung cấp điện, nước cho các căn hộ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, buộc phải di dời là giao dịch bị cấm thì có thể bổ sung quy định này vào Luật Nhà ở để tạo áp lực cho các chủ sở hữu căn hộ phải di dời theo tiến độ, bảo đảm sự an toàn về tính mạng, tài sản cho chính các cư dân sống tại chung cư nguy hiểm đó", cơ quan thẩm tra đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.