Quản lý

Bộ trưởng Thăng: Cổ phần hóa doanh nghiệp phải như đánh trận

10/03/2015, 14:55

Theo Bộ trưởng, thực hiện cổ phần hóa phải như đánh trận, khi thời cơ đến phải thần tốc, chỉ tiến, không lùi.

DSC_0146666666666666666
Theo Bộ trưởng, cổ phần hóa không chỉ giúp doanh nghiệp tốt lên mà đời sống người lao động cũng được cải thiện

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp, kiểm điểm công tác tái cơ cấu và cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp sáng nay (10/3), Bộ trưởng Đinh La Thăng liên tưởng đến ngày mở màn chiến dịch giải phóng Buôn Mê Thuột (10/3).

“Hôm nay chúng ta họp vào đúng ngày mở màn chiến dịch giải phóng Buôn Mê Thuột. Sau khi tổng kết, đánh giá về chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh thì nhận thấy, nguyên nhân thắng lợi đầu tiên là chúng ta đã chọn được đúng thời cơ, thời điểm để bắt đầu chiến dịch. Chúng ta làm công tác CPH doanh nghiệp cũng phải trên tinh thần, quyết liệt, thần tốc như chiến dịch giải phóng miền Nam”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, tất cả những khó khăn, trở ngại đều phải tháo gỡ kịp thời. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ nên chúng ta phải thực hiện, không có bàn lùi, chỉ có tiến.

Khi đã làm phải với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ hơn và hoàn thành bằng được. Chúng ta đang xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân thì tài sản này chỉ được quản lý tốt, hiệu quả, không tham nhũng, thất thoát, lãng phí khi chính người dân quản lý và sử dụng.

Nhà nước chỉ quản lý những gì thuộc về an ninh, quốc phòng hay lĩnh vực buộc phải nắm giữ, còn lại đều phải điều chuyển cho nhân dân làm chủ sỡ hữu và quản lý. Nhà nước chỉ quản lý bằng thể chế, chính sách, hiến pháp, pháp luật, chiến lược, qui hoạch, tiêu chuẩn, qui chuẩn, kiểm tra giám sát. CPH là xu thế tất yếu và đem lại hiệu quả rất lớn.

Vinawaco (Tổng công ty Xây dựng đường thủy - PV) là một ví dụ. Một doanh nghiệp suốt ngày kiện cáo, nợ lương cán bộ công nhân viên. Sau CPH, doanh nghiệp về tay tư nhân đã khác hẳn, không còn đơn kiện, lương chỉ nửa tháng sau đã trả dứt điểm tháng trước. Hiệu quả của doanh nghiệp thể hiện trực tiếp đối với người lao động. Hiệu quả đem lại cho ngành GTVT và trên hết là hiệu quả kinh tế cho đất nước được thể hiện rõ.

Sau này hình thành thị trường chuyển nhượng doanh nghiệp, dự án hạ tầng giao thông là bình thường. Chúng ta không cần phải lo họ bán cho người này người khác. Tất yếu phải hình thành thị trường đó. Quan trọng là chúng ta có cơ chế, chính sách để hình thành thị trường chuyển nhượng này một cách lành mạnh, đúng hướng, công khai, minh bạch và thúc đẩy các ngành nghề phát triển. Chúng ta phải quản lý bằng thể chế, chính sách chứ không thể quản lý bằng các văn bản cấm đoán, đưa ra các rào cản kỹ thuật.

“Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ cơ chế thị trường vận hành theo định hướng XHCN là Nhà nước nằm trên thị trường để điều hành. Nhưng không phải vậy, Nhà nước như là một bộ phận nằm trong nền kinh tế thị trường đó. Nhà nước XHCN phải tạo được các cơ chế, thể chế chính sách để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh theo hướng thị trường. Việc tái cơ cấu, CPH doanh nghiệp cũng phải theo hướng như vậy”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng yêu cầu cần phải thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc tái cơ cấu và CPH doanh nghiệp theo đúng lộ trình. Đối với các đơn vị khó khăn như: Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC), Vinalines… phải tập trung tái cơ cấu thành công để thực hiện CPH theo đúng mục tiêu đề ra. Đối với nguồn vốn sau CPH, Bộ trưởng cho biết sẽ đề nghị Chính phủ cho giữ lại để phát triển hạ tầng giao thông.

Trước đó báo cáo tại cuộc họp, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp cho biết, kế hoạch trong năm 2015 sẽ hoàn thành việc bàn giao vốn nhà nước sang công ty cổ phần đối với các doanh nghiệp đã thực hiện IPO trong năm 2014, thực hiện CPH 15 doanh nghiệp đã triển khai trong năm 2014 và tiếp tục triển khai CPH 29 doanh nghiệp khác…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.