Chính trị

Bộ trưởng Thăng đề xuất dùng vốn dư QL1,đường HCM làm cầu treo

13/03/2015, 22:34

2 dự án sẽ về đích sớm 1 năm, tiết kiệm số tiền không nhỏ, đủ làm cầu treo, Bộ trưởng Thăng đề xuất.

BT Thang tai phien chat van (da cat cup)
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tại phiên trả lời chất vấn của UB Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Dân Trí

Chiều 13/3, Thường vụ Quốc hội đã có phiên chất vấn Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc của Quốc hội Giàng Seo Phử về chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa. Tại phiên chất vấn, bên cạnh phần trả lời của Bộ trưởng Giàng Seo Phử, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã yêu cầu Bộ trưởng Đinh La Thăng báo cáo thêm về đầu tư hạ tầng giao thông cho các tỉnh miền núi, bao giờ người dân hết phải mạo hiểm qua đò, qua phà đi học, đi làm?

Trả lời trực tiếp câu hỏi của 2 Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) và Võ Thị Dung (TP HCM, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đề nghị Quốc hội đồng ý cho sử dụng vốn dư làm QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên để xây dựng cầu dân sinh cho đồng bào.

“Đường QL1 qua Tây Nguyên sẽ hoàn thành sớm một năm so với kế hoạch. Việc này tiết kiệm thêm một số tiền không nhỏ. Nếu Quốc hội cho sử dụng số vốn dư này làm cầu dân sinh, thì toàn bộ tiền làm 4.145 cây cầu cho bà con sẽ được giải quyết”, Bộ trưởng Thăng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Thăng, vừa qua Bộ GTVT đã rà soát, kết quả cho thấy còn cần xây mới 4.145 cây cầu dân sinh trên cả nước, trong đó có 3.500 cầu bê tông và 481 cầu treo. Bộ đã xây dựng kế hoạch phân làm 3 kỳ đầu tư: Giai đoạn 1 sẽ làm 168 cầu treo ở phía Bắc và Tây Nguyên là những vị trí cấp thiết nhất, dự kiến chương trình sẽ hoàn thành trong năm nay; Giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào tháng 3/2016 và số cầu còn lại sẽ xong vào 2017.

Hiện nguồn vốn cho giai đoạn 1 khoảng 800 tỷ đồng đã đủ, trong đó có 400 tỷ từ ngân sách, số còn lại từ xã hội hoá.

Theo Bộ trưởng Thăng, trách nhiệm làm cầu thuộc về các địa phương. Tuy nhiên những địa phương có nhu cầu xây cầu treo phần lớn đều cần Trung ương cân đối ngân sách. Do vậy, Bộ GTVT chủ động xây dựng đề án này.

“Cũng mong các địa phương không ỉ lại, cần chủ động bố trí các nguồn vốn tham gia xây dựng. Đồng thời quy hoạch ổn định khu dân cư, nếu không sẽ dẫn đến chuyện chạy theo làm cầu cho một vài hộ dân thì không biết chương trình khi nào mới xong”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

"Chính sách nhiều như lông bò, không thể nhớ nổi"

NLgcbNrp
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử

Trước đó, trả lời câu hỏi của các Đại biểu về hiệu quả, tiến độ và giải pháp trong thời gian tới của chương trình 135 (phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết các chính sách dành cho đồng bào dân tộc, miền núi cơ bản kết thúc vào năm 2015. Hiện các chính sách này còn mang tính chất nhiệm kỳ, chưa có hệ thống.

"Chính sách mất 3 năm để làm, 1 năm để thực hiện nên đồng bào chỉ có 1 năm thụ hưởng. Vì vậy, cần có kế hoạch ngắn, trung và dài hạn", ông Phử đề xuất.

Bộ trưởng đề nghị, các chương trình cho đồng bào vùng sâu vùng xa chỉ cần một đầu mối ở Trung ương chủ trì, còn thực hiện chính thì giao cho Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm. 

Chất vấn Bộ trưởng Giàng Seo Phử, Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội) thẳng thắn: “Tôi về bản nói chuyện với bà con, họ bảo chính sách của chúng ta nhiều như lông bò, không thể nhớ nổi. Nó vừa làm triệt tiêu sự chủ động phấn đấu thoát nghèo của người dân, vừa nhiều đầu mối quản lý, gây lãng phí, khó chỉ đạo. Bộ trưởng đánh giá thế nào về vấn đề này?"

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) cũng đặt câu hỏi: "Tại sao nhiều chính sách ban hành rồi không thực hiện được”?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Giàng Seo Phử thừa nhận trách nhiệm tham mưu còn nhiều lúng túng, chưa chuyên sâu nên đề xuất chính sách chưa đồng bộ. "Chúng tôi xin nhận trách nhiệm với đồng bào cử tri cả nước, đặc biệt là vùng khó khăn. Tới đây, chúng tôi sẽ thực hiện rà soát, đánh giá, xây dựng chính sách hiệu quả, loại bỏ tình trạng chồng chéo, phân tán để đồng bào được thụ hưởng nhiều hơn", ông Phử khẳng định.  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.