Hạ tầng

Bộ trưởng Thăng gặp các nhà đầu tư đường sắt

20/04/2015, 09:35

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng lắng nghe ý kiến 7 nhà đầu tư quan tâm đến các dự án đường sắt.

IMG_20150420_090947
Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo quyết liệt hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng đường sắt

Phải tạo ra cạnh tranh lành mạnh

Sáng nay (20/4), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp về các dự án xã hội hóa lĩnh vực đường sắt. Ngoài sự tham dự của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, lãnh đạo các cục vụ của Bộ GTVT, cuộc họp còn có sự tham gia của 7 nhà đầu tư quan tâm đến các dự án.

Bộ trưởng cảm ơn các nhà đầu tư xã hội hóa đã quan tâm các dự án đường sắt, hoan nghênh Cục Đường sắt VN đã hoàn thành đề án xã hội hóa.

Theo Bộ trưởng, hạ tầng GTVT phải đi trước mở đường góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và ngành nghề khác... Vì thế phải hiện đại hóa đường sắt hiện có, nâng tốc độ tàu, chuẩn bị các điều kiện xây dựng tuyến đường sắt đôi, khổ 1435mm, ưu tiên một số tuyến trọng điểm như Hà Nội – Vinh... Chủ trương của Đảng, Chính phủ đã có, hệ thống văn bản pháp luật tương đối đủ là những điều kiện tốt để hướng tới xã hội hóa phát triển hạ tầng đồng bộ.

Đường sắt còn khó khăn, nhưng càng khó khăn càng phải quyết tâm. Giờ đã có chủ trương, luật cũng đã rất mở cho phép chuyển nhượng quyền khai thác hạ tầng đường sắt.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo tiếp tục rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật, tập trung đánh giá Luật đường sắt để đề xuất sửa đổi cho phù hợp, xây dựng ngành đường sắt phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Khẩn trương hoàn thành quy hoạch để phê duyệt, rà soát lại các nghị định, quyết định và thông tư liên quan. Đặc biệt là những văn bản liên quan đến xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng...

"Làm quyết liệt nhưng phải trên cơ sở đúng chủ trương và đúng pháp luật", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nếu cần thiết thì đề xuất thí điểm, trên tinh thần theo Hiến pháp 2013, người dân được quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm, không thể để một doanh nghiệp quản lý kinh doanh đường sắt. Phải tạo ra cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực vận tải đường sắt cũng như giữa đường sắt với các lĩnh vực đường bộ, hàng hải, hàng không.

Bên cạnh đó, Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) vẫn phải tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa; Xây dựng hoàn chỉnh các đề án để công khai minh bạch thông tin về các dự án kêu gọi nhà đầu tư. Nhà đầu tư được cái gì, đường sắt được cái gì, người dân và nhà nước được gì?... Phải rõ ràng. Quan trọng là người dân phải được hưởng dịch vụ tốt hơn, Bộ trưởng chỉ đạo.

Bộ trưởng nhấn mạnh, tập trung đến hết quý 2 thực hiện xã hội hóa một số dự án như ga Yên Viên, ga Đồng Đăng, ga Sóng Thần phục vụ Logistic. Hiện nay lĩnh vực này ta đang kém, cần đẩy mạnh.

"Ngoài ra, VNR phải nghiên cứu tuyến Đà Lạt – Trại Mát đang để không rất lãng phí. Mình mà làm tốt sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, chứ không phải thuần túy chỉ cho giao thông. VNR nghiên cứu đưa ra các phương án khai thác đường sắt hiện có, tập trung kết nối cảng biển và đường sắt. VNR cần khẩn trương ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và an toàn đường sắt", Bộ trưởng nói.

Cần cơ chế thu hút đầu tư

Tiếp thu những ý kiến của Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) đưa ra những căn cứ pháp lý để cho thuê đầu tư hệ thống kho, bãi hàng thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt; điều kiện hợp tác đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống nhà kho, bãi hàng tại các khu ga của VNR.

Các ga hạng 1 của VNR như Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Đăng, Lào Cai, Xuân Giao, Giáp Bát, Yên Viên, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Diêu Trì, Nha Trang, Sài Gòn và Sóng Thần có vị trí nằm tại các thành phố lớn. Do vậy hầu hết các ga này có liên quan đến quy hoạch chi tiết đường sắt và các dự án đường sắt đô thị của địa phương nên cơ chế thu hút đầu tư tư nhân cần phải tháo gỡ nhiều nội dung vượt ngoài thẩm quyền của VNR.

SAM_3574
Lãnh đạo công ty ITL phát biểu tại cuộc họp

VNR đã mời một số nhà đầu tư như Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Thương mại và dịch vụ khách sạn Bạch Đằng, Công ty CP giao nhận và vận chuyển Indo Tran Logistics (ITL), Công ty TNHH Express Trains ATH tiến hành khảo sát, đề xuất quy mô công năng của từng công trình, đề xuất quyền khai thác công trình. Từ đó tổng hợp và đề xuất cơ chế để triển khai.

Ông Thành cũng cho biết thêm đã rà soát toàn bộ công lệnh tốc độ trên các tuyến sao cho hợp lý để rút thời gian hành trình chạy tàu từng tuyến. Dự kiến tuyến Hà Nội – Lào Cai sẽ rút từ 7,5h xuống còn 5h. Tuyến  từ Sài Gòn  – Nha Trang đang chạy khoảng 4,5h xuống dưới 4h. Tuyến Đồng Đăng đang có hành trình 7h rút xuống 5h là khả thi, ông Thành nói.

Tại cuộc họp, đại diện Công ty CP Thương mại và dịch vụ khách sạn Bạch Đằng cho biết, dù chưa có kinh nghiệm đầu tư vào đường sắt, nhưng hôm nay được nghe sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng đã cảm thấy đang đi đúng hướng. Công ty mong muốn được đầu tư vào tuyến Đà Lạt - Trại Mát để khai thác chủ yếu thị trường khách du lịch.

Báo cáo Bộ trưởng, các nhà đầu tư đã thể hiện những mong muốn cũng như kiến nghị cơ chế để việc đầu tư xã hội hóa được thuận lợi nhất, đôi bên cùng có lợi và vẫn đảm bảo đúng theo khuôn khổ pháp luật.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, các ý kiến tại cuộc họp này trên số báo in ra ngày 22/4.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.