Giao thông

Bộ trưởng Thăng: Làm hời hợt thì tai nạn chết người sẽ xảy ra

03/09/2014, 17:00

Đi thực tế trên cung đường xảy ra tai nạn tại Lào Cai, Bộ trưởng Thăng nói "Tôi đi xe con còn thấy lo ngại. Dứt khoát phải quy định xe khách giường nằm 2 tầng không được đi đường miền núi".

Trong cuộc họp sáng nay (3/9) về công tác xây dựng các đề án trình Chính phủ, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu xây dựng văn bản QPPL phải giải quyết được những vấn đề cuộc sống, đặc biệt phải quy định chặt hơn để ngăn chặn các vụ TNGT như trường hợp xe khách tối 1/9 trên đường Sapa-Lào Cai. Nếu chúng ta làm hời hợt, thì tai nạn chết người sẽ tiếp tục xảy ra, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng yêu cầu phải xây dựng quy định pháp luật cho chặt chẽ để giảm tối đa TNGT
Bộ trưởng yêu cầu phải xây dựng quy định pháp luật cho chặt chẽ để giảm tối đa TNGT

Văn bản QPPL phải hướng được tới không còn người chết oan chết ức nữa

Mở đầu cuộc họp sáng 3/9 của Bộ GTVT, Bộ trưởng thẳng thắn nói: "Vụ tai nạn xe khách tối 1/9 ở Lào Cai nếu làm chặt chẽ, làm nghiêm thì không thể xảy ra được. Sáng nay, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi điện chỉ đạo phải làm rõ nguyên nhân, xem có lỗi kỹ thuật gì không? Xe mới đăng kiểm tháng 5 vừa rồi, xem có phải lỗi mất phanh không? Có lỗi đăng kiểm không?".

"Theo tôi dứt khoát là phải quy định xe khách giường nằm không được đi đường đèo dốc đường miền núi quanh co nữa. Xe này rất dễ đổ, nên phải quy định rất chặt, vấn đề là tiêu chuẩn kỹ thuật không thể đi được đường đó, đến xe con tôi đi còn rất ngại nữa là xe lớn như vậy" - Bộ trưởng nói.

"Anh Huyện (Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN) cho kiểm tra ngay việc thi công hộ lan QL4B do ai thi công, ai thiết kế, đồng thời chuyển hồ sơ cho Công an. Cần thì yêu cầu xử lý hình sự, chứ hộ lan mà nông choèn. Cho kiểm tra lại toàn bộ hộ lan trên khắp đường đèo, tôi thấy nơi không cần thì hộ lan làm mấy tầng, nơi đèo dốc hiểm trở thì hộ làn lại thấp tè là không chấp nhận được" - Bộ trưởng chỉ đạo.

Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta cứ xử hời hợt thì TNGT chết người vẫn tiếp tục xảy ra. Làm quản lý Nhà nước phải xây dựng được những văn bản QPPL, quy định cho chặt chẽ, giám sát thực hiện cho nghiêm, phải hướng được tới không còn người chết oan ức nữa.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, đã kiểm tra được 650 xe giường nằm, đánh giá chất lượng Cục Đăng kiểm vẫn khẳng định là ổn. Mấu chốt là quy hoạch luồng tuyến, phải khảo sát làm rõ là xe giường nằm chỉ được phép chạy những luồng tuyến nào, cấp đường nào thì không được phép chạy giường nằm. Chúng ta đang sửa Nghị định 91, 93 trình Thủ tướng trong tháng 9 này sẽ quy định rõ nội dung này. Cũng phải quy định rõ xe khách không được phép chở theo hàng hóa, ngoại trừ hàng đi theo khách tối đa 20kg/người. Ngay trong chiều nay sửa lần cuối Thông tư 18 sẽ đưa vào, trình Bộ trưởng ký ban hành ngay đầu tháng 9.      

Bộ trưởng yêu cầu không cho phép xe khách giường nằm chạy đường miền núi quanh co do không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật
Bộ trưởng yêu cầu không cho phép xe khách giường nằm chạy đường miền núi quanh co do không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật

Để xe chở quá tải: Phạt chủ xe tới 80 triệu đồng

Mức phạt tới 80 triệu đồng, thu giấy phép kinh doanh đối với chủ xe chở quá tải được nhất trí chính thức trình Thủ tướng chính phủ cho áp dụng qua việc sửa Nghị định 171 về xử phạt hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt lần này.

Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN nêu ý kiến: "Nghị định 171, chúng tôi rất quan tâm và nhiều cuộc họp đã có ý kiến. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất tán thành ý kiến chúng tôi nêu là phải phạt thật mạnh để vận tải đường bộ không dám chở quá tải nữa. Vấn đề này để giải quyết tận gốc phải đánh thằng vào các ông chủ: Chủ xe, chủ hàng, chủ bốc xếp, chứ không chỉ lái xe là người làm thuê".

Cũng theo ông Thanh, mức phạt đề nghị theo lũy tiến, theo quãng đường vi phạm, số tấn hàng vi phạm, số lần vi phạm. "Quan trọng nữa là lực lượng thanh tra kiểm tra vi phạm, bao che vi phạm, tiêu cực thì phạt kiểu gì? Có thể chưa xử phạt tiền song phải xử vi phạm hành chính. Phải quyết liệt đối với lực lượng thanh kiểm tra do thiếu tinh thần trách nhiệm, bảo kê cho các đoàn xe vua đi qua, thì chắc chắn sẽ được việc" - ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN đề nghị bỏ phạt tải trọng trục luôn, nếu phạt trục chỉ phạt khi tải trọng quá 50%. Xe có thùng cơi nới, nếu vi phạm từ lần 2 trở lên, không cho đăng kiểm nữa.

Ông Khuất Việt Hùng đề nghị, sửa 171 lần này, mức phạt đối với lái xe giữ nguyên như hiện hành. Còn với chủ xe, chủ DN, có thể giao cho Chủ tịch tỉnh, Tổng cục trưởng có thể phạt tối đa lên đến 80 triệu.

Đại diện Cục CSGT Đường Bộ - Đường Sắt, Đại tá Nguyễn Hữu Dánh cũng tán thành đề xuất mức phạt cao nhất đến 80 triệu và tước Giấy phép kinh doanh.

Xử lý từ gốc, sẽ áp dụng mức phạt cao nhất tới 80 triệu và thu hồi GPKD đối với chủ xe
Xử lý từ gốc, sẽ áp dụng mức phạt cao nhất tới 80 triệu và thu hồi GPKD đối với chủ xe

Bộ Trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo vấn đề này, cho rằng: Siết chặt tải trọng đang là cuộc đấu tranh rất cam go, được sự đồng tình của người dân và nhiều DN song cũng vấp phải sự chống đối của không ít người. Nghị định 171 sửa phải xử được đúng người đúng tội. Chủ hàng, bến cảng, nhà ga mức phạt đề nghị phải cao nhất. Xe vi phạm chở quá tải không chỉ là phá đường mà còn gây TNGT. Tôi nhắc lại vụ TNGT hôm 1/9 là có phần do chở quá tải. Các trạm cân, người thực thi công vụ để lọt, bao che vi phạm, xử  thật nghiêm khắc. Nếu thuộc thẩm quyền của Bộ thì cho cách chức ngay, thậm chí cho truy tố trách nhiệm hình sự. Phạt lũy tiến tôi cũng đồng tình, chứ vượt mấy trăm phần trăm cũng như nhau là không được.

Phương Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.