Giao thông

Bộ trưởng Thể yêu cầu lắp camera giám sát hệ thống đường bộ

02/01/2018, 21:26

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu nghiên cứu lắp hệ thống camera giám sát hoạt động đường bộ.

IMG_0525

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết năm 2017 của Tổng cục Đường bộ VN

Phải báo cáo bức tranh tổng thể về bảo trì đường bộ

Chiều nay (2/1), chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tổng cục Đường bộ VN, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bảo trì đường bộ, lắp đặt hệ thống camera để giám sát và phát hiện sự cố trên hệ thống đường bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá năm 2017, Tổng cục Đường bộ VN đã hoàn thành tốt nhiều lĩnh vực quản lý ngành như tháo gỡ về thể chế, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Hàng triệu tỷ tài sản của Nhà nước đang giao cho Tổng cục Đường bộ VN quản lý, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, báo cáo của Tổng cục chưa làm rõ vấn đề: vốn dành cho bảo trì mới đáp ứng được một phần, không duy trì được chất lượng.

“Nếu nhìn vào số liệu báo cáo thì duy tu bảo dưỡng đang bình thường nhưng thực sự rất thiếu vốn, ngoài bảo trì thì 5 năm phải trung tu, 10 năm phải đại tu đường, mỗi năm phải đại tu 2.300km, cần vốn rất lớn. Vì không có tiền, nên hệ thống giao thông ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Thiếu tiền nhưng không kêu thì làm sao cấp trên biết được để bổ sung cho duy tu bảo dưỡng?,” Bộ trưởng đặt câu hỏi.

"Năm 2017 lập một dự án trung đại tu đường cần 23.000 tỷ đồng nhưng cả Quỹ bảo trì đường bộ mới có 10.000 tỷ đồng, chưa kể, Quỹ này phân chia về cho địa phương 35%, Tổng cục còn rất ít tiền để thực hiện để bảo trì, sửa chữa Quốc lộ" - Bộ trưởng nói và đề nghị Tổng cục Đường bộ tham mưu Bộ GTVT hoàn thành báo cáo gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư một bức tranh toàn cảnh có bao nhiêu km Quốc lộ trong vòng 5-10 năm tới bảo trì, cần nguồn vốn ra sao.

“Xã hội không biết đang duy tu bảo dưỡng như thế nào trong khi người dân thì hay kêu về chất lượng đường", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Thể yêu cầu, đường nào xuống cấp phải sửa chữa ngay. “Tôi là Bộ trưởng, nhưng hầu như chưa có con đường nào tôi đi mà thấy hài lòng,” Bộ trưởng chia sẻ.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, bảo trì là công tác đặc thù, duy tu phải kịp thời, nếu không từ một “ổ gà” sẽ biến thành “ổ voi”, từ một con đường bình thường thành con đường hư hỏng nhanh, tài sản mất mát sẽ rất lớn. Bộ trưởng chỉ đạo nghiên cứu lại quy trình bảo trì đường bộ, ban hành một quy trình bảo trì mới, trong đó nêu rõ ứng dụng công nghệ, vật liệu mới, hình thành nên bộ khung để lập kế hoạch bảo trì đảm bảo chất lượng. Ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm, tiền bảo trì phải được đưa kịp thời vào con đường. Khi nào chúng ta dư tiền mới đầu tư công nối dài hệ thống quốc lộ. Trong điều kiện hiện nay phải tập trung bảo trì kịp thời những con đường, cây cầu đang xuống cấp.

Về ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo trì đường bộ, Bộ trưởng yêu cầu  nghiên cứu ứng dụng công nghệ cào bóc tái chế để tránh mỗi lần duy tu, sửa chữa lại “chồng” thêm mấy phân, khiến đường cao hơn nhà dân, làm người dân bức xúc.

“Cần nghiên cứu đổi mới công nghệ, đường hiện nay đang làm dày 70-80 cm trong khi ứng dụng công nghệ cào bóc tái chế có thể giảm xuống 40-50 cm. Cần đột phá bằng việc nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn, định mức mà nước ngoài họ đã áp dụng để áp dụng vật liệu, công nghệ mới trong bảo trì đường bộ”, Bộ trưởng giao nhiệm vụ.

Quản lý Uber, Grab bình đẳng với taxi truyền thống

1

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu nghiên cứu quản lý Uber, Grab đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình vận tải. (Ảnh minh họa)

Trong vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng việc quản lý phương tiện, hoạt động của doanh nghiệp vận tải chưa tốt, còn "xe dù, bến cóc", tranh giành khách. Nguyên nhân do việc thiết kế hệ thống, vận hành quy trình, quy phạm chưa tốt. Cần thiết kế quy trình, thể chế, phần mềm, công nghệ chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ được tình hình, ở bất kỳ đâu chúng ta có thể biết được bến xe, phương tiện hoạt động ra sao.

Hệ thống camera giám sát sẽ giúp cho chúng ta quản lý tốt, nhiều nơi đã nhận ra vai trò quan trọng của công nghệ bằng việc bỏ ra hàng trăm tỷ lắp camera tại các nơi công cộng, bến xe, các điểm nhạy cảm về an ninh trật tự để quản lý. Chúng ta có thể bỏ ra hàng trăm ngàn tỷ để làm đường, tại sao không dám bỏ ra 10 ngàn tỷ trang bị hệ thống camera để giám sát toàn bộ hoạt động, tình trạng của hệ thống đường bộ. Việc này tốn không nhiều tiền nhưng toàn bộ hệ thống cầu đường sẽ được giám sát, khi có sự cố sẽ xử lý kịp thời, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Ông nói, hệ thống giám sát hành trình đã có nhưng nhiều năm giám sát không hiệu quả. Nếu phát huy hết các tính năng của thiết bị này, việc quản lý vận tải sẽ tốt hơn.

Liên quan đến việc Toà án châu Âu phán quyết Uber là dịch vụ taxi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị phải tham mưu cho Bộ ra chính sách quản lý Uber, Grabquản lý đối tượng này đúng quy định, đảm bảo cạnh tranh sòng phẳng giữa các doanh nghiệp, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình vận tải, chống thất thu thuế, đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng loại hình này. “Một năm Uber, Grab báo lỗ cả nghìn tỷ đồng, tại sao lỗ? Do trốn thuế, hay để cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống, giảm giá tối đa để ‘giết’ các ông taxi truyền thống? Cạnh tranh thế có bình đẳng không?,” Bộ trưởng Thể đặt câu hỏi.

4

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo sẽ dừng thu phí đối với dự án BOT không quyết toán - (Ảnh minh họa)

Dừng thu phí đối với dự án BOT không quyết toán

Đối với các dự án BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng đây là vấn đề đang “nóng” trong thời gian qua. Bộ trưởng nhấn mạnh, Tổng cục Đường bộ hiện có 2 nhiệm vụ quan trọng: Thứ nhất phối hợp với các đơn vị liên quan quyết toán các dự án BOT, đối với các dự án cũ cần quy định mốc thời gian cụ thể để hoàn thành quyết toán, nếu dự án nào chậm phải dừng thu phí. Quyết toán là căn cứ điều chỉnh thời gian hợp đồng, xác định thời điểm hoàn vốn của dự án, thời điểm giải quyết chế độ chính sách cho nhà đầu tư. Đây là việc không thể chậm trễ.

Nhiệm vụ quan trọng thứ hai là đẩy nhanh tiến độ thu phí không dừng, theo Bộ trưởng thu phí tự động sẽ đảm bảo sự công bằng, muốn làm được điều này phải có hệ thiết bị giám sát. Khi chúng ta giám sát được thì người dân cũng giám sát được hoạt động thu phí đảm bảo tính công khai, minh bạch. Thu phí thủ công tốn nhiều công sức, mất nhiều thời gian, dư luận xã hội nghi ngờ có sự gian lận. "Cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thu phí tự động không dừng theo đúng lộ trình Quyết định 07 của Thủ tướng. Trách nhiệm này thuộc về Tổng cục Đường bộ VN. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện sớm có thêm nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng để tăng tính cạnh tranh về giá, có sự chọn lựa cho các nhà đầu tư", Bộ trưởng chỉ đạo.

Vốn bảo trì không đáp ứng yêu cầu

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, trên hệ thống Quốc lộ đã xử lý 418 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (kinh phí 395 tỷ đồng); đã thay thế điều chỉnh 4.200 biển báo; sơn kẻ 2.250km vạch sơn đường; sửa chữa bổ sung 825km hộ lan tôn sóng. Trong thời gian chưa xử lý triệt để các điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông, Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ sử dụng các biện pháp tạm thời để phòng ngừa, giảm tai nạn giao thông như sơn kẻ vạch, gờ giảm tốc, đèn, biển cảnh báo hạn chế tốc độ…

Theo ông Cường, năm 2017, phát sinh thêm 400 điểm đen tai nạn giao thông. Hiện tại, theo thống kê đến tháng 11/2017, trên hệ thống Quốc lộ còn 780 điểm đen (gồm 230 điểm đen và 550 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông).

"Năm 2018 sẽ xử lý khoảng 500 điểm (kinh phí khoảng 400 tỷ đồng, tập trung vào các điểm đen và nguy hiểm cấp bách và các điểm có kinh phí nhỏ, thực hiện ngay bằng nguồn Quỹ bảo trì đường bộ). Các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông còn lại cần kinh phí lớn, trước mắt sẽ xử lý tạm và xử lý dần trong kế hoạch bảo trì hàng năm hoặc bằng các dự án xây dựng cơ bản,” ông Cường cho hay.

Theo báo cáo, hệ thống Quốc lộ còn khoảng 7.678km đã quá thời hạn khai thác nhưng chưa được sửa chữa định kỳ do nguồn vốn còn thiếu; 856 cầu xây dựng trước năm 1975 cần kiểm định, sửa chữa, đánh giá lại năng lực chịu tải; đồng thời còn khoảng 380 cầu yếu hoặc hẹp.  Tổng cục Đường bộ VN đề nghị mức tăng 15-20% vốn bảo trì hàng năm để công tác quản lý, bảo trì ngày càng tốt hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.