Xã hội

Bộ trưởng Tô Lâm xúc động vì cử tri muốn dựng tượng chiến sỹ PCCC hy sinh

13/11/2019, 20:02

Bộ trưởng Công an Tô Lâm rất xúc động khi có nhiều cử tri, nhiều đồng bào đề nghị dựng tượng những chiến sĩ PCCC hi sinh khi cứu giúp người dân

img
Hình ảnh chiến sỹ Cảnh sát PCCC mặt đen nhẻm vì khói, cõng người bị nạn lao ra khỏi đám cháy tại phố Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội) khiến cộng đồng xúc động, cảm phục

"Thực hiện nhiệm vụ có thể hy sinh tính mạng, nhưng chúng tôi đã làm được"

Tại phiên giải trình một số thắc mắc liên quan của đại biểu Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 – 2018 chiều 13/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã nhắc lại vụ cháy tàu Hải Hà 18 tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng ngày 10/3/2018, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, nơi xảy ra vụ cháy là khu vực tập kết xăng dầu, lại nằm phía trong cảng nên phương tiện tàu, thuyền qua lại với lưu lượng rất lớn.

“Hôm đó, lãnh đạo Bộ Công an, trực tiếp là Bộ trưởng phối hợp với đồng chí Bí thư Thành uỷ chỉ huy chữa cháy. Nếu vụ cháy này không kịp thời khống chế được ngọn lửa, thì có thể xảy ra thảm hoạ vì các kho xăng dầu rất gần nhau, trong khi 1 tàu đang bơm dầu thì xảy ra cháy nên hậu quả vô cùng lớn không chỉ về con người, vật chất mà còn là thảm họa về môi trường do tràn dầu”, Tư lệnh ngành Công an cho biết.

Vào thời điểm đám cháy xảy ra, lực lượng PCCC tại Hải Phòng không có đủ trang thiết bị lẫn bọt hoá học để dập lửa xăng nên Bộ Công an đã điều động thêm thiết bị, lực lượng của Bộ tới xử lý tình huống. “Khi phát hiện cháy là lúc 5h chiều đến lúc dập tắt đám cháy là 12h đêm. Trong khi đó, cháy xăng dầu không thể dập tắt bằng nước mà phải xử lý bằng hóa chất, bọt. Hải Phòng chỉ có 2 tấn hoá chất, Bộ Công an phải tăng cường 10 tấn hoá chất xuống để hỗ trợ. Nhờ nỗ lực hết sức, đến 12h đêm đã kéo được chiếc tàu cháy sang bên kia bờ, ngăn thảm hoạ cháy nổ lan sang 3 kho xăng dầu, trở thành thảm hoạ quốc gia. Chúng tôi đã tính đến phương án di dời dân ra khỏi khu vực trên”, Bộ trưởng Tô Lâmcho biết và chia sẻ thêm, việc kéo tàu ra khỏi khu vực cháy cũng gặp vô cùng khó khăn và nguy hiểm vì không có tàu kéo, cáp kéo nặng 4 tấn.

“Ai là người sẽ móc cáp kéo vào tàu đang cháy?, dùng phương tiện, công cụ gì để móc cáp kéo vào tàu?. Việc này đòi hỏi sự dũng cảm và mưu trí của cán bộ Cảnh sát PCCC mới có thể thực hiện được bởi khi thực hiện nhiệm vụ này có thể hi sinh tính mạng. Nhưng chúng tôi đã làm được”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Cử tri, đồng bào đề nghị dựng tượng chiến sĩ PCCC hi sinh khi cứu giúp người dân

“Nhiều chiến sĩ Cảnh sát PCCC xả thân quên mình, cứu người cứu tài sản”, Bộ trưởng Tô Lâm nói và cho biết, thời gian qua, công tác thường trực, sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ được thực hiện nghiêm túc, do đó số vụ cháy được dập tắt kịp thời chiếm tỷ lệ cao; chỉ 1% số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 99% số vụ cháy còn lại là cháy vừa và nhỏ do được dập tắt kịp thời, bảo vệ được hàng nghìn tỷ đồng tài sản, cứu được hàng nghìn người khỏi các vụ cháy.

Công tác cứu nạn, cứu hộ đã được tổ chức kịp thời, cứu hàng trăm người khỏi các tai nạn, sự cố. Nhiều chiến sỹ Cảnh sát PCCC đã xả thân, quên mình, không ngại nguy hiểm để cứu người, cứu tài sản.

"Hình ảnh chiến sỹ Cảnh sát PCCC dũng cảm quên mình đã được người dân ghi nhận; từ 2014 đến nay đã có 05 chiến sỹ anh dũng hi sinh, hàng chục chiến sỹ bị thương trong khi làm nhiệm vụ", Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu và cho biết rất xúc động khi có nhiều cử tri, nhiều đồng bào đề nghị dựng tượng những chiến sĩ PCCC hi sinh khi cứu giúp người dân.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, từ năm 2014 đến nay có 5 chiến sĩ cảnh sát PCCC anh dũng hi sinh, hàng chục chiến sĩ bị thương khi làm nhiệm vụ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.