Xã hội

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Không hợp thức hoá sai phạm đất đai

28/10/2022, 14:34

Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết, hiện còn khoảng 18.000 ha đất bị lãng phí đất đai do dự án chậm tiến độ, dự án treo.

Còn 18.000ha đất lãng phí do dự án chậm tiến độ, dự án treo

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 28/10, Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội phản ánh liên quan quản lý đất đai.

Ông Trần Hồng Hà cho biết, khi tổng kết Nghị quyết 19 và thông qua Nghị quyết 18, cũng như trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai sửa đổi, các tồn tại, yếu kém, nguyên nhân đã được chỉ ra.

Về vấn đề lãng phí đất đai do dự án chậm tiến độ, dự án treo hiện đã giải quyết được 10 nghìn ha, còn trên 18.000 ha.

img

Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như chậm giải phóng mặt bằng, quy hoạch thay đổi, các nhà đầu tư kém năng lực và pháp luật đất đai, pháp luật liên quan có sự chồng chéo. Ngoài ra còn có dự án vi phạm pháp luật do cơ quan quản lý, người quản lý, do có kết luận của thanh tra, bản án có hiệu lực của tòa, ý kiến của ủy ban kiểm tra…", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Với những dự án có tồn tại, khó khăn do lịch sử để lại, Chính phủ đã lập đề án, trước mắt tập trung xử lý ở 4 thành phố lớn với hơn 2.000 dự án vướng mắc để đề xuất cấp thẩm quyền. "Thời gian tới với những vấn đề lớn, sẽ xin Bộ Chính trị giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý", ông Hà cho biết.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu, trong đó, từ nay đến năm 2024 nên ban hành các nghị quyết của Quốc hội, hoặc nghị định của Chính phủ và các vấn đề liên quan tại địa phương, theo thẩm quyền đưa ra cơ chế giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc phổ biến hiện nay đối với 4 tỉnh, thành phố và sau đó tính toán triển khai đối với các địa phương khác trong cả nước.

Chủ trương nhất quán là bám sát nguyên tắc không làm thất thoát tài sản của nhà nước, không để lợi dụng hợp thức hóa những sai phạm, không làm ảnh hưởng đến bên thứ 3 ngay tình.

Để tránh lợi ích nhóm, Bộ trưởng cũng cho biết, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ tập trung vào các công cụ như quy hoạch, kế hoạch, định giá và hầu hết các phương thức giao đất sẽ là đấu thầu và đấu giá để đảm bảo công khai, minh bạch…

Lãng phí đất đai là một thực trạng đang nhức nhối

Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) nêu chuyện tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn còn nhiều khó khăn.

Các cơn sốt đất tràn về nông thôn khiến giá đất tăng cao, tâm lý lâu đời người nông dân giữ đất dù đã "ly hương", coi đất đai như "cuốn sổ bảo hiểm", dẫn đến cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai ngày càng khó khăn.

Hệ quả là thực trạng người nông dân giữ đất bỏ hoang trong khi doanh nghiệp thiếu đất để sản xuất kinh doanh.

"Câu hỏi đặt ra là tại sao quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra chậm chạp như vậy. Tại sao người nông dân không tự nguyện dồn điền đổi thửa để tổ chức lại sản xuất", ông Huy đặt vấn đề và cho rằng nguyên nhân là từ thể chế còn những nút thắt, lực cản.

Vì vậy, ông mong việc xem xét, sửa đổi Luật Đất đai sẽ đưa ra được giải pháp mang tính chiến lược, thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất đất.

img

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội)

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách) thì phân tích, khác với nhiều nước sở hữu tư nhân, Việt Nam quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý. Vì vậy, quyền lực được trao gửi cho bộ máy nhà nước rất lớn.

Dù đạt một số kết quả, công tác quản lý đất đai đang đối mặt nhiều thách thức, hiệu quả sử dụng không cao. Thu ngân sách về đất liên tục tăng, nhưng chủ yếu là thị trường sơ cấp, trong đó 67% từ tiền sử dụng đất, 12% từ tiền thuê đất. Số thu tăng thêm từ đầu tư trên đất không cao.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay, toàn quốc có 743 triệu m2 đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích, tiền thu được rất thấp, chỉ 286 tỷ đồng. Giám sát 7 địa phương cho thấy có hơn 1.700 dự án treo, tương đương 12.000 ha đất hoang. Sự thật "rất đau lòng và gây bức xúc với người dân".

Nữ đại biểu cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có hệ thống pháp luật và trách nhiệm quản lý nhà nước. "Tư duy nhiệm kỳ là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất rất lớn. Qua giám sát, bên cạnh địa phương tích cực thu hồi đất hoang hóa, còn những nơi sau mỗi nhiệm kỳ số dự án treo lại tăng thêm", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nói.

Khẳng định đất đai là vấn đề phức tạp, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, bà Mai mong chính quyền xử lý quyết liệt vướng mắc, đưa ra lộ trình, thời hạn cụ thể, được nghị quyết hóa vì đó là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan công quyền.

"Các cơ quan cần đề cao trách nhiệm, cơ chế minh bạch, ranh giới đúng sai rõ ràng để bảo vệ người trong bộ máy công quyền, khơi thông tâm lý e dè, lo lắng. Trách nhiệm giám sát cũng cần được tăng cường để tránh trục lợi cá nhân", bà Mai nói.

Đại biểu Phan Viết Lượng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục) cho biết, qua tiếp xúc cử tri, người dân mong muốn Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục quyết liệt chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém kéo dài, gây bức xúc dư luận. Đơn cử xử lý các công trình, dự án treo, thua lỗ, di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội.

Còn theo đại biểu Phạm Hùng Thắng (Phó đoàn đại biểu tỉnh Hà Nam), sửa đổi các Luật Đất đai, Đấu thầu, giá và một số luật khác sẽ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển. Nhưng việc sửa luật cần gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.