Kinh tế

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: APEC cần kiên định tự do hóa kinh tế

08/11/2017, 16:39

Có hay không xu hướng bảo hộ mậu dịch và rút ra khỏi toàn cầu hóa trong APEC?

tran tuan anh

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đồng chủ trì AMM 29 tại Đà Nẵng trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Ảnh: Mạnh Hùng

  

Phát biểu tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM) lần thứ 29 diễn ra sáng nay tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định tới năm 2020 APEC có thể đạt được mục tiêu Bogor.

Việc dự tính và nhìn trước được triển vọng phát triển và bình ổn của khu vực qua các mục tiêu mở rộng và tự do hoá thương mại và đầu tư đã khiến trong 2 thập kỷ qua, APEC đã khẳng định được vị trí và tầm quan trọng như một diễn đàn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập hoá thương mại tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, ông nói.

Tháng 5 vừa qua, tại Hội nghị các Bộ trưởng Thương mại APEC lần thứ 23 tại Hà Nội, các Bộ trưởng đã bày tỏ mong muốn đạt được những mục tiêu Bogor đã đề ra qua các hoạt động thương mại cụ thể và cấp bách. Kể từ đó, các quan chức APEC đã thảo luận và đạt được sự tiến triển rất rõ rệt trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực để tiến tới đạt được mục tiêu Bogor.

Với tư cách đồng chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các Bộ trưởng tận dụng tối đa cơ hội trước thềm hội nghị cấp cao APEC để thể hiện sự linh hoạt và mong muốn trong việc hội nhập kinh tế khu vực. Ông nói: “Chúng tôi mong muốn có thể hoàn thành những gì còn thiếu sót và đề ra được mục tiêu cần thiết nhất cho quá trình trên. Trong sự thay đổi nhanh chóng và bất ổn của kinh tế thế giới, những gì chúng ta đang thực hiện sẽ là thông điệp thể hiện sự kiên định rõ ràng của APEC trong việc tự do hoá và mở rộng kinh tế và đầu tư khu vực”.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng hội nghị sẽ đặt ra tiền đề cho các động lực phát triển mới trên cơ sở bền vững, sáng tạo và toàn diện. Ông nói, cần phát triển nhưng không được quên đảm bảo sự bình ổn cho người dân trong bối cảnh mới.

Có thể nói vấn đề mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu ra tại hội nghị AMM29 đã đánh trúng sự quan tâm của dư luận về hợp tác kinh tế trong APEC hiện nay. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích: “Đây là 1 kỳ họp APEC trong 1 thế giới đầy biến động. Bên cạnh xu thế tiếp tục hội nhập toàn cầu hoá cũng đã xuất hiện xu thế quay trở lại bảo hộ mậu dịch và thậm chí rút ra khỏi Toàn cầu hoá. Chúng ta cũng biết nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi TPP 12, giờ TPP chỉ còn 11 nước. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có thành viên nào của APEC hay ASEAN đề xuất rời APEC”.

Theo ông Lê Đăng Doanh, xu thế của thế giới bây giờ là xây dựng các chuỗi liên kết. Hiện nay, người ta không còn sản xuất các sản phẩm trong cùng một nước, mà sản xuất ở các nước và họ phối hợp với nhau để tạo thành một sản phẩm cuối cùng. Những nỗ lực của Việt Nam, của Bộ Công thương trong việc tiếp tục đề xuất các sáng kiến thúc đẩy xu thế hội nhập toàn cầu hoá liên kết và hợp tác này là phù hợp với xu hướng hợp tác giữa các nền kinh tế APEC.

Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ có thể rút ra khỏi TPP nhưng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tham gia vào chuỗi giá trị, quá trình thương mại. Điều đó cho thấy sáng kiến của Việt Nam là 1 sáng kiến phù hợp để cho tất các nước có thể chấp nhận, chuyên gia Lê Đăng Doanh đánh giá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.