Giao thông

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thúc tiến độ dự án cầu Bình Lợi

13/07/2017, 07:08

Ngày 12/7, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa trực tiếp thị sát dự án cầu đường sắt Bình Lợi.

1

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nghe ông Phan Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam báo cáo về tiến độ dự án cầu Bình Lợi.

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc được đầu tư theo hợp đồng BOT, có tổng chiều dài 71km, tổng mức đầu tư trên 1.302 tỷ đồng. Trong đó, cầu đường sắt Bình Lợi được xây dựng mới về phía hạ lưu, cách tim cầu cũ 12m, chiều dài 1,3km. Ông Phan Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam cho biết, tổng diện tích mặt bằng phải giải phóng lên đến hơn 17.358m2. Hiện, quận Thủ Đức đã hoàn thành 100%. Nhà thầu đã thi công hoàn thành đúc bệ, thân trụ P1, P7, P8, P9. Các trụ P11, 12, 13 và đường dẫn phía Bình Thạnh hiện vẫn còn vướng mặt bằng.

Đối với các trụ giữa sông P2, 3, 4, 5, 6 thời gian qua vướng đường dây điện 110KV, phía điện lực vừa mới di dời. Nhà thầu Công ty CP Nam Tân đã tập trung máy khoan cọc nhồi, sà lan và đang thi công mố cầu phía bờ Bình Thạnh. Ông Nguyễn Hồng Nội, Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Tân, cho biết trong tuần tới sẽ huy động thêm thiết bị, sà lan để thi công hai mũi từ hai bờ ra. Nếu không có trở ngại, trong vòng 5,5 tháng sẽ hoàn thành các trụ giữa sông.

Tại công trường, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo nhà đầu tư, nhà thầu thời gian tới phải tập trung nhân lực, phương tiện để “chạy đua” với tiến độ dự án. Đây là công trình đặc biệt quan trọng, không chỉ phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường thủy mà còn góp phần quan trọng giảm tải cho đường bộ khi lượng hàng hóa từ Bình Dương, Bình Phước được lưu chuyển bằng sà lan để về các cảng. Bộ trưởng chỉ đạo, những gói thầu nào đủ điều kiện phê duyệt kế hoạch thi công, các cơ quan chức năng của Bộ phải phê duyệt sớm để ký hợp đồng thực hiện. Khi đã có hợp đồng, việc giải ngân, tạm ứng, thanh toán mới có cơ sở. Ban QLDA đường thủy phải giám sát chặt dự án và kịp thời báo cáo Bộ các vướng mắc để điều chỉnh, không ảnh hưởng đến tiến độ.

“Quá trình thi công phải đảm bảo an toàn lao động, ATGT đường thủy, vì đây là tuyến luồng quan trọng, nhiều phương tiện lưu thông. Tuyệt đối an toàn là yêu cầu số 1 trong quá trình thi công dự án”, Bộ trưởng nói và yêu cầu, đối với hai bên bờ, khu vực nào không vướng mặt bằng, phải triển khai thi công nhanh, không chờ đợi. Cục ĐTNĐ Việt Nam, Ban QLDA đường thủy, nhà đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với địa phương để đẩy nhanh công tác GPMB ở phía Bình Thạnh. Bàn giao mặt bằng chỗ nào, tập kết phương tiện để thi công ngay. Đây là dự án BOT nên quá trình quản lý hồ sơ phải chặt chẽ, xong đến đâu thanh toán, quyết toán đến đó. Bộ trưởng cũng giao Vụ Đối tác công tư hỗ trợ nhà đầu tư làm việc với ngân hàng tài trợ vốn. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông giám sát chặt chẽ về chất lượng, tiến độ và an toàn trong quá trình thi công, vận chuyển và lao lắp dầm thép hơn 101m giữa sông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.