Xã hội

Bộ trưởng Y tế: "Nói ung thư do ăn uống là không căn cứ"

21/04/2017, 06:55

Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng không có căn cứ để nói "chết nhiều vì ung thư là do an toàn thực phẩm".

nguyen-thi-kim-tien-1492683693

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh điều này khi giải trình một số vấn đề về an toàn thực phẩm tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 20/4.

Theo báo cáo của đoàn giám sát, giai đoạn 2011-2016, đoàn giám sát đã làm việc với 21 tỉnh đại diện cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam với 210 cơ sở sản xuất. Đoàn cũng làm việc với ba bộ gồm Y tế, Nông nghiệp&Phát triển nông thôn, Công thương và nghe Chính phủ báo cáo.

Kết quả giám sát cho thấy tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Cụ thể, cả nước có hơn 1.000 vụ ngộ độc với khoảng 30.400 người mắc, hơn 25.600 người phải nhập viện trong đó 164 người chết.

Đặc biệt, bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có nguyên nhân thực phẩm không an toàn và còn 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc (chiếm 26,6%).

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá những năm qua, các Bộ, ngành và chính quyền các cấp đã quyết liệt hơn trong xử lý vi phạm và trong cả quá trình thanh tra, kiểm tra. Nhưng hạn chế lớn nhất là do xử phạt không nghiêm minh để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong sản xuất, chế biến. Kèm theo đó là việc chấp hành quy định của các nhà sản xuất, kinh doanh còn kém, coi thường sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng. "Việc này có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương", bà Tiến nói.

Về con số người chết do ung thư và các ca phát hiện mới lên tới hàng trăm nghìn trường hợp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, nếu nói con số này vì ung thư do một phần thực phẩm thì thông tin này Bộ Y tế đã mời chuyên gia trong và ngoài nước kiểm chứng và thông báo là hiện nay nguyên nhân gây ung thư hàng đầu là do các bệnh nhiễm trùng cấp tính và mãn tính. Ví dụ viêm gan B, viên gan C gây viêm gan mãn tính, ung thư gan. “Như vậy là không có căn cứ nói chết nhiều vì ung thư là do an toàn thực phẩm. Nói vậy dân lại hoang mang nghĩ rằng ăn gì cũng sợ”, bà Tiến khẳng định.

Báo cáo thêm, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, trong 5 năm qua đã xử lý gần 13.300 vụ việc liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, riêng công an trực tiếp xử lý hơn 8.000 vụ, với số tiền phạt 64.492 tỷ đồng.

Trong đó có 1 vụ truy tố giám đốc và 2 nhân viên của một công ty sản xuất rượu gây ngộ độc làm chết 4 người; khởi tố 90 vụ liên quan an toàn thực phẩm, trong đó có sản xuất buôn bán hàng giả, tội buôn lậu... với 148 bị can.

Theo tướng Lê Quý Vương, quy định trong BLHS năm 1999 về xử lý vi phạm an toàn thực phẩm không phải chế tài nhẹ, nhưng cái khó nhất là làm sao thực hiện được. 

“Cái khó nữa là hành vi vi phạm an toàn thực phẩm gây hậu quả nhưng phải giám định chất đó thế nào, nếu hậu quả dẫn đến chết người thì phải xem nguyên nhân có phải do thức ăn, đồ uống không, việc này rất khó khăn”, tương Lê Quý Vương cho biết.

Xem thêm Video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.