Showbiz

Bộ Văn hóa đề xuất gói hỗ trợ nghệ sĩ, người trong cuộc lên tiếng

23/06/2021, 13:23

Đối với các nghệ sĩ biểu diễn, không phải ai cũng có thu nhập cao. Nhiều người phải bỏ nghề ra ngoài kiếm sống.

img

Các nghệ sĩ ở các bộ môn nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn vì không thể biểu diễn

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội, đề xuất hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, đội ngũ nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật biểu diễn gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Cụ thể, Bộ VH, TT&DL đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ, trong đó hỗ trợ khoảng 2.000 viên chức là các đạo diễn, diễn viên, họa sĩ tại 100 đơn vị công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang hưởng lương hạng bốn (mức lương thấp nhất hiện nay). Mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng và được chi trả một lần.

Theo Bộ VH, TT&DL là vì lao động nghệ thuật biểu diễn là loại lao động đặc thù, đội ngũ nghệ sĩ phải có năng khiếu, tài năng và phải được đào tạo bằng nhiều hình thức, phải đào tạo từ lúc nhỏ (từ 7-8 tuổi), thời gian đào tạo kéo dài và chỉ đạt đến trình độ đào tạo trung cấp, cao đẳng là ra nghề. Trong khi đó, tuổi nghề của nghệ sĩ ngắn.

img

Để đào tạo một nghệ sĩ múa rối rất khó. Nghệ sĩ bỏ nghề vì cơm áo gạo tiền gây nhiều tổn thất và khó khăn cho ngành múa rối

NSND Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam chia sẻ, các nghệ sĩ là đối tượng bị ảnh hưởng rất lớn khi hoạt động biểu diễn phải ngừng lại. Nghệ sĩ vào biên chế giờ chỉ còn lương nhà nước, còn người hợp đồng không có lương. Ông Dũng cho rằng, Bộ Văn hóa có đề xuất gói hỗ trợ nghệ sĩ cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo và khiến các nghệ sĩ thấy ấm lòng, có niềm tin với các lãnh đạo. Sự quan tâm này là đúng lúc và thiết thực.

“Nếu Chính phủ tạo điều kiện quan tâm hỗ trợ thì quả thực thực sự rất mừng. Các nghệ sĩ còn làm nghề, gắn bó tới ngày hôm nay là nhờ sự yêu nghề mãnh liệt. Thời gian qua. có nghệ sĩ “đứt gánh giữa đường” khi xin rời nhà hát, có người chuẩn bị làm danh hiệu cũng bỏ để đi làm việc khác. Không phải họ không yêu nghề, mà cơm áo gạo tiền khiến họ không trụ nổi”, NSND Nguyễn Tiến Dũng tâm sự.

Ông cũng cho biết, việc các nghệ sĩ bỏ nghề, bỏ nhà hát là điều đáng lo vì để đào tạo được một nghệ sĩ biểu diễn rất khó. Đối với nghệ thuật múa rối, cần nhiều năm để nghệ sĩ có thể vững vàng. Nếu có gói hỗ trợ, nghệ sĩ sẽ an lòng, tiếp tục ở lại đơn vị và cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà.

Trước câu hỏi làm thế nào để phân chia gói hỗ trợ cho hợp lý, đúng đối tượng, Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam cho rằng, nếu được hỗ trợ, chắc chắn Nhà nước sẽ có sự tính toán hợp lý và có hướng dẫn cụ thể.

“Nếu là tiêu chuẩn của nghệ sĩ thì nhà hát cứ tuân theo quy định, xác định từng trường hợp cụ thể, áp theo tiêu chuẩn và quy định để hỗ trợ. Thực ra, các nghệ sĩ đều khó khăn cả chứ không riêng nghệ sĩ có hạng lương thấp. Những nghệ sĩ lâu năm lương không cao hơn là bao, họ còn gánh nặng gia đình… nên nếu được động viên tất cả các nghệ sĩ thì thật tốt”, ông Dũng thổ lộ.

img

Nhiều nghệ sĩ ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam phải về quê làm thợ mộc, làm nghề tự do... mưu sinh

Trong khi đó, NSND Tống Toàn Thắng – Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam thừa nhận, liên đoàn đã thực sự tê liệt. Diễn viên không còn nguồn thu nhập dựa vào biểu diễn. Đội ngũ diễn viên trẻ chỉ có hợp đồng và tiền lương không nằm trong ngân sách, phải từ nguồn thu của cơ quan. Thế nhưng, dịch bệnh khiến liên đoàn không thể tổ chức biểu diễn, dẫn tới không có nguồn thu trả cho diễn viên. Từ đầu năm 2021, Liên đoàn đã phải đi vay mượn để chi trả.

“Hiện tại, Bộ mới đề xuất, còn có được hay không còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác. Thực ra, gói hỗ trợ mà Bộ đề xuất là cũng hỗ trợ về mặt tinh thần cho các nghệ sĩ, để họ thấy được sự quan tâm của Nhà nước, họ bớt chạnh lòng, chứ diễn viên nào cũng khó khăn. Việc hỗ trợ, tháo gỡ cho các nghệ sĩ là điều rất đáng quý”, ông Thắng nói.

Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ thêm, nghề xiếc có đặc thù là diễn viên phải trẻ mới có thể chất và sức khỏe biểu diễn nên tuổi nghề ngắn. Hiện, Liên đoàn đang có khoảng 60 diễn viên trẻ, lúc họ cống hiến mạnh mẽ nhất lại chưa được vào biên chế nên có nhiều thiệt thòi. Ngoài ra, nghệ sĩ thuần lao động nghệ thuật ở các đơn vị bộ môn nghệ thuật truyền thống, không phải ai cũng được lăng xê để nổi tiếng để có thu nhập cao. Do đó, không thể vơ hết vào, gọi “giới nghệ sĩ” là giàu có.

“Nhiều diễn viên của xiếc cũng phải đi ship hàng, bán đồ online để thêm bữa cơm, bữa rau. Có người bỏ ra ngoài làm, hay về quê làm thợ mộc… Chúng tôi rất đau xót nhưng trong bối cảnh khó khăn cũng không biết làm thế nào, diễn viên cũng phải tìm cuộc sống, bươn chải cho bữa ăn của họ. Trong khi, nhân lực của nghề xiếc giờ không nhiều và cũng rất khó tìm kiếm nhân lực”, ông Thắng bộc bạch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.