Thời sự

Bộ Y tế nói không đủ sức "quản" giá thuốc

17/05/2014, 08:40

"Bộ Y tế chỉ quản lý về chuyên môn, còn quản lý giá thì phải để Bộ Tài chính quản lý, chứ Bộ Y tế không đủ sức quản lý hết được.

"Bộ Y tế chỉ quản lý về chuyên môn, còn quản lý giá thì phải để Bộ Tài chính quản lý, chứ Bộ Y tế không đủ sức quản lý hết được.

Chiều 16/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nói như vậy tại phiên thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược trong khuôn khổ phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH).

Tại phiên thảo luận, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Bởi qua 8 năm thực hiện (Luật Dược được QH khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua), một số quy định của Luật đã không còn phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế, cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ QH nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật phải góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp dược Việt Nam, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật dược, tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực dược. 

Đối với nguyên tắc quản lý giá thuốc, một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, quy định quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường để bảo đảm quyền lợi các bên, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp dược và thị trường dược, tạo điều kiện cho người Việt Nam được hưởng các loại thuốc tiên tiến, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe. 

Minh bạch hóa trong giá thuốc chữa bệnh là một trong những yêu cầu của người dân
Minh bạch hóa trong giá thuốc chữa bệnh là một trong những yêu cầu của người dân

Cũng có ý kiến cho rằng cần quy định rõ quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, nhưng có sự điều tiết của Nhà nước để bảo đảm quyền lợi của người dân cũng như quyền lợi của các bên liên quan, nhất là với các loại thuốc thiết yếu, phù hợp với nguyên tắc của Luật Giá. 

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế chỉ kiểm soát an toàn hiệu quả, danh mục thuốc, cấp phép, đăng ký lưu hành, cho phép nhập khẩu,  đánh giá thuốc giả thuốc chất lượng, phân phối, đấu thầu, kê toa… "Bộ Y tế chỉ quản lý về chuyên môn thôi, còn về vấn đề quản lý giá thì phải để Bộ Tài chính quản lý, chứ Bộ Y tế không đủ sức quản lý hết được. Chúng tôi muốn đổi mới công khai minh bạch để người dân có quyền lựa chọn các loại thuốc”, Bộ trưởng Tiến nói.

Đề cập đến những bất cập trong quá trình thực hiện Luật dược thời gian qua, Bộ trưởng Tiến cho rằng, Luật này chỉ giao cho Bộ Y tế làm đầu mối mà không phân công nhiệm vụ giữa các bộ, ngành trong quản lý giá thuốc hoặc thành lập một Hội đồng/Ủy ban liên ngành về quản lý giá thuốc làm cho quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, chưa bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động quản lý vì quản lý giá thuốc cần phối hợp đa ngành.

“Tại Trung Quốc, cơ quan quản lý giá thuốc là Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia (Vụ Quản lý giá), tại Thái Lan, Bộ Y tế quy định giá cụ thể một số loại thuốc, vắc xin chống dịch, còn Bộ Thương mại tiếp nhận báo cáo giá kê khai của các doanh nghiệp và giám sát giá thuốc chữa bệnh lưu hành trên thị trường. Tại một số nước phát triển như Pháp và Ba Lan, chỉ quản lý giá thuốc trong danh mục bảo hiểm, bồi hoàn chi trả. Các thuốc ngoài danh mục này không quản lý giá”, Bộ trưởng Tiến ví dụ.

Tuy nhiên, do mặt hàng thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, nên yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước. Cụ thể, Nhà nước sẽ tham gia điều tiết để bình ổn giá thuốc khi có biến động về giá đối với thuốc phòng bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục thuốc thiết yếu; định giá đối với hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước; có chính sách hỗ trợ đối với thuốc y học cổ truyền dân tộc, thuốc cung ứng cho các vùng khó khăn, thuốc chữa trị một số bệnh xã hội; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý giá thuốc. 

Các thành viên Ủy ban Thường vụ QH đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu, xác định các nội dung quy định của dự án luật sao cho phù hợp với các dự án Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Trên cơ sở này, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị rút dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII để Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra có thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nội dung trình QH trong các kỳ họp sau. 

Bình Minh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.