Thời sự

Bộ Y tế yêu cầu kê thêm giường để giãn bệnh nhân sởi

21/04/2014, 14:24

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến cho biết ngoài áp dụng các phác đồ điều trị… bệnh viện cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng với các bệnh nhân sởi (nhất là bệnh nhân nhi) nhằm tăng sức đề kháng.

Sáng 21/4, đoàn kiểm tra công tác phòng chống và điều trị sởi của Bộ Y tế, dẫn đầu là Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến đã đến kiểm tra tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và các bệnh viện vệ tinh Đống Đa, Thanh Nhàn.

Kê cả giường bệnh ra hành lang , anh chụp tại bện viện Nhiệt đới Trung ương
Giường bệnh được kê ra cả hành lang (ảnh chụp tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương)

Ghi nhận tại các bệnh viện, PV Báo Giao thông nhận thấy hầu hết các bệnh viện đều đã phân vùng khám chữa bệnh cách ly đối với các bệnh nhân sởi, giãn phòng và giường bệnh; đồng thời phân tuyến ngay từ đầu khi tiếp nhận khám bệnh nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng lây nhiễm chéo bệnh sởi trong bệnh viện.

Theo GS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, hiện tại Viện tiếp nhận hơn 300 trường hợp bệnh nhân sởi; trong đó, có 60% là bệnh nhân người lớn còn lại là bệnh nhân nhi. Ông Kính cũng nhấn mạnh, ngoài việc phân luồng ngay từ khoa khám theo hướng 1 chiều, đồng thời giải quyết triệt để không để tồn động bệnh nhân khám hô hấp (đối tượng rất dễ bị lây nhiễm sởi). Bệnh viện cũng có sự phân tuyến ngay từ đầu khi bệnh nhân đến khám. Với những trường hợp chớm sởi, sởi nhẹ, bệnh viện gửi về tuyến dưới (bệnh viện vệ tinh Đống Đa, Thanh Nhàn);  hoặc cho về điều trị ngoại trú và được dặn dò kỹ lưỡng các chăm sóc bệnh nhân và các lưu ý để phát hiện bệnh trở nặng để nhập viện kịp thời. Với các trường hợp điều trị ngoại trú, sẽ thường xuyên được bệnh viện tư vấn qua điện thoại.

* Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số bệnh nhân mắc sởi có xu hướng giảm. Trong ngày 20/4, cả nước ghi nhận thêm 70 trường hợp mới mắc sởi trong tổng số 235 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 25 tỉnh, thành phố. Không ghi nhận trường hợp tử vong do sởi.

* Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 3.430 trường hợp mắc sởi trong tổng số 9.243 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 116 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi. Có 12 tỉnh, thành phố trên 21 ngày qua không ghi nhận bệnh nhân mắc sởi. Số bệnh nhân sởi mới ghi nhận trong ngày tại một số bệnh viện tuyến Trung ương giảm, ghi nhận 30 bệnh nhân so với 36 bệnh nhân ngày 19/4/2014.

Tại cuộc làm việc tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến cho biết ngoài tiếp tục phân tuyến bệnh nhân, áp dụng các phác đồ điều trị… bệnh viện cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng với các bệnh nhân sởi (nhất là đối với bệnh nhân nhi) nhằm tăng sức đề kháng. “Nếu chỉ mải mê truyền thuốc, truyền dịch mà quên không chú ý đến dinh dưỡng thì điều trị không hiệu quả. Đây cũng là cách để rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả điều trị” – Bà Tiến nhấn mạnh. Đồng thời, bà Tiến cũng lưu ý các bệnh viện nên tiếp tục thu xếp, tận dụng phòng, kê thêm giường để giãn bệnh nhân, tạo không gian thông thoáng trong các phòng bệnh. Đặc biết đối với trường hợp bệnh nhân nhi nặng, phải thở oxy cần dành cho mỗi bệnh nhân một giường để tăng cơ hội phục hồi.

Tại BV Nhi Trung ương, trong ngày 20/4, có 212 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, trong đó chỉ có 5 bệnh nhân mới. Tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện vẫn xảy ra. Trước đó, ngày 17/4, có đến 33 bệnh nhân lây sởi từ khoa khác chuyển xuống, đến ngày 20/4 chỉ còn 3 trường hợp. Tuy nhiên, vẫn có 18 trường hợp bệnh nhân nặng phải thở máy.

Tương tự tại khoa Nhi BV Bạch Mai, chỉ tính riêng số bệnh nhân sởi nhập viện đã bằng số giường điều trị thực tế tại khoa (60 giường bệnh). Còn lại một nửa là các bệnh nhân mắc các bệnh lý khác nên vẫn xảy ra tình trạng nằm ghép giường. Khoa Nhi đã sắp xếp kê thêm 10 giường bệnh tại sảnh, hành lang để giãn bệnh nhân nằm ghép. Ngày 20/4, con số bệnh nhi sởi điều trị tại khoa là 61 trường hợp, trong đó 7 trường hợp nhập viện mới và số bệnh nhân nặng lên đến 11 trường hợp, 5 bệnh nhân phải thở máy.

Đến nay, chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi đạt tỉ lệ 59,0%. Đáng nói, chỉ có 9 tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi đạt trên 80% (tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, kết quả tiêm chiến dịch vắc xin phòng chống dịch sởi đạt kết quả lần lượt là 83,1% và 61,7%), còn nhiều tỉnh tỷ lệ tiêm đạt rất thấp. Có đến 11 tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi đạt tỷ lệ tiêm thấp đạt dưới 50% như Trà Vinh, Hòa Bình, Tiền Giang, Lai Châu, Nghệ An, Đồng Nai...

Bộ Y tế cũng chính thức nâng mức độ đáp ứng với dịch ở mức độ cao hơn từ ngày 18/4. Theo đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch sẽ họp hàng ngày để cập nhật thông tin tình hình dịch sởi, kịp thời có những điều chỉnh trong chỉ đạo phòng dịch.

Vũ Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.