Thế giới giao thông

Boeing, Airbus chao đảo vì dịch Covid-19

25/03/2020, 06:56

Hai hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Airbus và Boeing không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

img
Một nhà máy của Airbus tại Toulouse, Pháp

Giữa bối cảnh tình hình dịch bệnh tại Mỹ, châu Âu diễn biến khôn lường, cả hai hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Airbus và Boeing không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực.

Airbus giảm giao hàng, tạm nghỉ 4 ngày

Hãng sản xuất máy bay Airbus có các chi nhánh nằm rải rác ở khắp châu Âu, bao gồm các nhà máy lắp ráp lớn nhất và trụ sở của Airbus được đặt tại thủ đô hàng không vũ trụ của Pháp - Toulouse, phụ trách lắp ráp các dòng máy bay thân hẹp A320 và toàn bộ máy bay thân rộng như A330 và A350...

Một số nhà máy khác của Pháp cung cấp bộ phận buồng lái, hộp cánh trung tâm và tháp treo động cơ (kết nối giữa động cơ với cánh máy bay) cho tất cả máy bay Airbus.

Tại Tây Ban Nha, Airbus chế tạo một phần cánh cho máy bay của hãng, lắp ráp vận tải cơ quân sự A400M. Một số dây chuyền lắp ráp các máy bay khác của Airbus như A319, A312 và A320 được đặt tại Hamburg, Đức.

Ngoài ra, ở đây, Airbus còn có một vài nhà máy chế tạo thân máy bay, đặt cụm dây chuyền sản xuất lớn thứ 2. Không chỉ vậy, một phần cánh máy bay được Tập đoàn Châu Âu sản xuất tại Anh.

Chính vì vậy, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang lan tràn trên diện rộng tại nhiều nước châu Âu khiến nhiều quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha… phải đóng cửa biên giới, trường học, hạn chế đi lại… trong đó Italia phong toả toàn quốc, Airbus không tránh khỏi ảnh hưởng.

Nghiên cứu từ công ty dịch vụ tài chính Mỹ Jeffries Group dự đoán, tình hình giao hàng của Airbus sẽ giảm mạnh trong năm 2020 từ dự tính là 880 chiếc xuống chỉ còn 650 chiếc. Bên cạnh đó, Airbus phải ngừng hoạt động tại các nhà máy của họ ở Pháp và Tây Ban Nha trong 4 ngày khi đại dịch virus Covid-19 đang lan rộng.

Theo thông báo của Airbus, hãng dùng ít nhất 4 ngày tạm nghỉ “để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và sức khoẻ nghiêm ngặt về vệ sinh, sạch sẽ và tự giữ khoảng cách trong khi nâng cao hiệu quả vận hành dưới những điều kiện làm việc mới”.

4 ngày tạm đóng cửa đánh dấu sự gián đoạn hoạt động nghiêm trọng nhất trong dây chuyền sản xuất của Airbus kể từ cuộc biểu tình tại Công ty BAE Systems (đối tác của Airbus) vào năm 1989, đẩy giá cổ phiếu của Airbus giảm 7%.

Các nhà máy của Airbus tại Tây Ban Nha có khoảng 3.400 nhân công trong khi đó ở Pháp, Airbus có 28.000 công nhân làm việc tại trụ sở chính và 48.000 người khác làm việc tại các nhà máy khác trên khắp nước này. Hiện chưa rõ sau 4 ngày tạm ngừng làm việc, nhân công của Airbus có được trả lương hay không.

Thông báo tạm dừng hoạt động được đưa ra sau khi hãng tin Reuters có bài viết độc quyền tiết lộ, Airbus đã chuẩn bị kế hoạch dự phòng để giảm bớt hoặc ngừng sản xuất khi Pháp ra quyết định phong tỏa toàn đất nước vì dịch bệnh.

Hãng tin Reuters dẫn lời một số nguồn tin cho biết, tình hình hiện tại có thể kéo dài tới vài tháng. Thậm chí, có thông tin chỉ ra, Airbus đã có những cuộc đàm phán giải quyết khủng hoảng với Bộ Kinh tế Đức. Song chi tiết mức độ ủng hộ của Đức với Airbus chưa được hé lộ. Theo nhiều nhà phân tích, chủ yếu giải pháp ủng hộ xoay quanh đảm bảo tín dụng.

Boeing có thể nhận được hơn 50 tỷ USD

Đối thủ của Airbus là Boeing cũng đang cân nhắc kế hoạch ngừng hoặc giảm hoạt động sản xuất máy bay thân rộng, hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin thân cận cho biết. Tuy nhiên, tại thời điểm này, theo người phát ngôn Boeing, hoạt động sản xuất không có gì thay đổi và công ty đang theo dõi sát sao những hướng dẫn từ chính phủ và giới chức y tế. Cổ phiếu của Boeing đã giảm 8,4% đầu tuần trước.

Nắm bắt được khó khăn mà “công ty ruột” của Mỹ đang gặp phải, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính phủ nước này sẽ bảo vệ Boeing trước những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Lời cam đoan trên của ông Trump đồng nghĩa Boeing là một trong những công ty nằm trong danh sách kế hoạch cứu trợ của chính phủ Mỹ và vừa được Quốc hội thông qua.

Cách đây vài ngày, ông Donald Trump đã công bố khoản viện trợ riêng cho Boeing trị giá 50 tỷ USD. Tuy nhiên, đây chưa phải là những ưu tiên cuối cùng cho hãng chế tạo máy bay được xem là công ty xương sống của ngành công nghiệp hàng không, cỗ máy kiếm tiền, nhà thầu quan trọng của quân đội Mỹ, niềm tự hào của xứ cờ hoa... bởi số tiền hỗ trợ của Nhà Trắng còn có thể vượt qua mốc 50 tỷ USD nhiều lần nếu diễn biến dịch tiếp tục kéo dài và xấu hơn hiện tại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.