Hồ sơ tài liệu

Bối rối xử lý tài sản thu giữ của tỷ phú Nga

09/04/2022, 07:26

Để kiềm chế chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, Mỹ và nhiều nước châu Âu đã thu giữ bất động sản và du thuyền nghi của các tỷ phú Nga.

Xử lý các tài sản nghi của tỷ phú Nga không đơn giản

Hãng tin CNBC dẫn lời nhiều chuyên gia cho biết, việc thu giữ tài sản của các tỷ phú Nga có phần đơn giản, song làm gì với số tài sản đó và ai sẽ xử lý mới là vấn đề đầy thách thức. Thậm chí điều này có thể dẫn tới tranh cãi, kiện tụng lâu dài.

Ông Benjamin Maltby, đối tác của Công ty luật Keystone Law tại Anh và là chuyên gia luật tài sản xa xỉ và du thuyền nhận định: “Đây là tình huống chưa từng có tiền lệ”.

Giới luật gia cho rằng, chỉ riêng các lệnh trừng phạt là không đủ căn cứ để các nước tước quyền sở hữu du thuyền, máy bay hay bất động sản của các tỷ phú Nga.

img

Du thuyền Lady M thuộc sở hữu của tỷ phú Alexey Mordashov tại cảng Imperia, Italy ngày 7/3/2022. Ảnh: Bloomberg

Theo các lệnh trừng phạt hiện hành của Mỹ và nhiều nước châu Âu, những tỷ phú Nga thân tín với Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ bị đóng băng và không thể sử dụng tài sản. Tuy nhiên, tài sản bị đóng băng vẫn thuộc quyền sở hữu của giới tỷ phú mà không thể chuyển giao hay bán lại.

Đơn cử như du thuyền của tỷ phú Alexei Mordashov mới bị giữ tại Imperia, Italy hay du thuyền của ông Igor Sechin bị giữ tại cảng La Ciotat ở Pháp. Hai đại gia này vẫn sở hữu du thuyền nhưng sẽ bị giới chức sở tại niêm phong tài sản và không thể đưa du thuyền ra khơi.

Để giới chức Pháp và Italy tước quyền sở hữu của một tài phiệt, công tố viên của nước đó phải chứng minh được đây là tài sản từ hành vi vi phạm pháp luật và mối liên quan giữa tài sản đó với tỷ phú. Trong khi, có vô số những mạng lưới vỏ bọc mà các doanh nhân lập ra để che đậy tài sản.

Hơn nữa, nếu một quốc gia quyết định bán tài sản của tỷ phú nước khác, họ cần khung pháp lý vững chắc.

Hiện tại, Anh và Mỹ đang xây dựng đạo luật để phục vụ mục đích này. Trong đó, các nghị sĩ lưỡng đảng tại Mỹ đã phác thảo một dự luật cho phép thu giữ tài sản thuộc sở hữu của các tài phiệt Nga có giá trị từ 5 triệu USD trở lên tại Mỹ. Sau đó cho phép chính phủ bán, chuyển số tiền thu được để hỗ trợ Ukraine.

Tại Anh, nhiều nghị sĩ cũng đang xây dựng ý tưởng về một lộ trình phong tỏa nhanh tài sản của những tỷ phú chưa bị áp lệnh trừng phạt nhưng đang trong diện xem xét.

Ai sẽ thanh toán các loại phí?

Trong lúc khung pháp lý còn chưa rõ ràng, thêm một câu hỏi được đặt ra: Ai sẽ thanh toán chi phí bảo trì, phí lưu cảng hoặc bồi thường tổn hại… của những tài sản bị thu giữ?

Tại Italy, dù các cơ quan liên quan đều từ chối bình luận nhưng theo hãng tin Reuters, các tài sản bị đóng băng ở nước này sẽ do một đơn vị quản lý được chỉ định công khai. Còn chi phí bảo trì sẽ do cơ quan tài sản Nhà nước thanh toán. Sau đó, họ sẽ được chủ sở hữu bồi thường hoặc nước này sẽ bán tài sản để bù chi phí.

Chi phí vận hành hàng năm của những chiếc siêu du thuyền bao gồm tiền lương thủy thủ đoàn, tiền sửa chữa, nhiên liệu, thực phẩm, bảo hiểm và phí neo đậu, dịch vụ trên bờ… có thể bằng tới 10% giá trị phương tiện.
Đối với một du thuyền như chiếc Sailing Yacht A, trị giá 540 triệu USD do tỷ phú kinh doanh phân bón, than của Nga - Andrei Melnichenko - sở hữu và mới bị cảng Trieste của Italy thu giữ, các chi phí kể trên có thể lên tới hàng triệu USD/tháng.

Ông Pascal Flot, luật sư hàng hải


Ở Pháp và Tây Ban Nha, chi phí vận hành của một tài sản bị đóng băng hoặc bị thu giữ vẫn là trách nhiệm của chủ sở hữu. “Vấn đề nằm ở chỗ, giới chức không thể chứng minh được chủ tài sản và nếu có, những người chủ này cũng bị đóng băng tài khoản ngân hàng nên không thể thanh toán”, bà Rachel Lynch, người đứng đầu Hiệp hội tàu biển Nautilus International chỉ ra.

Câu chuyện tìm người thanh toán chi phí liên quan tới du thuyền trắng Amore Vero, mới bị Pháp bắt giữ mà công ty chuyên sửa chữa, tân trang du thuyền La Ciotat Shipyards đang phải đối mặt là một ví dụ.

Chiếc du thuyền Amore Vero dài 86m sang trọng đã bị nhân viên hải quan Pháp thu giữ ngay khi thủy thủ đoàn trên thuyền chuẩn bị đưa tàu rời cảng trong đêm 2/3 - hai ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) đưa tên ông Igor Sechin - người đứng đầu công ty dầu khí quốc gia Nga Rosneft vào danh sách trừng phạt.

Bộ Tài chính Pháp cho biết, du thuyền này thuộc một công ty do ông Sechin - người được cho là đồng minh thân cận lâu năm nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin làm chủ. Song Bộ này không nêu rõ tên công ty và bản thân ông Sechin cũng bác bỏ thông tin.

Theo hãng tin Reuters, giới chức Pháp chưa thông báo cho các công ty như La Ciotat Shipyards về tình trạng phương tiện nên không rõ ai là người chịu trách nhiệm cho chi phí bảo dưỡng tàu. Hóa đơn thanh toán ngày càng dày lên, còn ban quản lý công ty La Ciotat Shipyards không biết tìm ai để thanh toán.

Cơ quan Hải quan Pháp cũng từ chối làm rõ vì sao họ không thông tin cho xưởng sửa chữa, tân trang tàu về tình trạng du thuyền.

Những rủi ro có thể gặp

img

Du thuyền Amore Vero tại cảng La Ciotat, thành phố Marseille, Pháp

Những câu hỏi còn “lơ lửng” về du thuyền Amore Vero cho thấy mức độ phức tạp mà giới chức Pháp cùng nhiều quốc gia phương Tây khác đang phải đối mặt khi nhắm đến trừng phạt tài sản của những người thân cận với ông Putin.

Ông Pascal Flot, một luật sư hàng hải cho rằng, giới siêu giàu thường kiểm soát tài sản thông qua một mạng lưới các công ty vỏ bọc ở các thiên đường thuế nước ngoài khiến giới chức Pháp gặp khó khăn trong quá trình xác định chủ sở hữu.

Đó có lẽ là lý do giới chức Pháp chưa thể cung cấp cụ thể thông tin về tình trạng Amore Vero cho bên thứ 3. Hải quan Pháp chưa bình luận về thông tin này.

Theo ông Giannis Markogiannis, luật sư người Hy Lạp chuyên về luật du thuyền, bảo hiểm và thuế quốc tế cũng nhận định, một rủi ro khác mà chính quyền phương Tây có thể gặp phải đó là giữ nhầm tàu thuyền.

Nếu một phương tiện bị tạm giữ mà chủ sở hữu lại không nằm trong danh sách bị trừng phạt thì giới chức buộc phải thả phương tiện và sẽ phải chịu mọi trách nhiệm nếu có hư hại trong quá trình di chuyển tàu. Chủ sở hữu cũng có thể kiện nếu họ bị thất thu hoặc vô cớ không được sử dụng tàu.

“Các quốc gia thu giữ tàu thuyền phải xử lý cẩn trọng tất cả những vấn đề đó nếu không muốn vướng vào những tình huống rắc rối không đáng có”, ông Markogiannis cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.