Thời sự

Bồi thường tiền tỷ chưa chắc thỏa đáng với người chịu án oan

14/03/2015, 08:39

Án oan gây thiệt hại đến tinh thần, kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm người bị oan.

nguyen than chan tu oan 10 nam

Vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang gây chấn động dư luận

Nhận định trên được ông Nguyễn Tiến Đạo, nguyên cán bộ Phòng Giám đốc thẩm, TAND TP Hà Nội đưa ra khi trao đổi với Báo Giao thông xung quanh vấn đề hạn chế án oan sai. Đây cũng là nội dung mà Ủy ban TVQH chất vấn Chánh án TAND Tối cao tại Phiên họp thứ 36 vừa diễn ra hôm qua (13/3).

Ông đánh giá thế nào về án oan sai thời gian qua? Hệ lụy của oan sai lớn đến mức nào và ảnh hưởng của nó ra sao đối với bản thân người chịu án oan cũng như gia đình họ?

Tôi cho rằng, hậu quả của án oan sai để lại rất nặng nề, không chỉ gây thiệt hại đến tinh thần, kinh tế, hạnh phúc gia đình mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người phải chịu án oan. Ngoài người bị oan, gia đình, vợ con họ cũng phải chịu vạ lây chừng nào người thân của họ còn chưa được giải oan. Đặc biệt, đối với những tội phạm như: Hiếp dâm, giết người, giết người trong gia đình để cướp của... còn để lại hệ lụy rất ghê gớm như con cái bỏ học, mất việc làm, chán đời vì bố mẹ đi tù. Rồi sau đó, chính những đứa trẻ ấy vì thế mà sa chân vào con đường tội lỗi.


Nguyen Tien Dao
Ông Nguyễn Tiến Đạo

 

Hệ lụy của người chịu án oan mà có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đã thấy là trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Trong suốt 10 năm trời, gia đình ông Chấn đã phải chịu muôn vàn cơ cực, giờ bồi thường tiền tỷ cũng chưa chắc đã thỏa đáng so với những gì mà ông Chấn và gia đình phải gánh chịu.

Theo ông, khi đưa ra xét xử, nếu chứng cứ buộc tội không chắc chắn, cơ quan điều tra không chứng minh được phạm tội thì tòa phải tuyên vô tội và khi đó các cơ quan tố tụng phải nhận trách nhiệm?

Đó là điều đương nhiên. Bởi chứng cứ buộc tội yếu mà lại cứ “gò” người ta vào việc phạm tội là vi phạm pháp luật. Theo đó, các cơ quan tố tụng cần phải mạnh dạn, nếu không có chứng cứ buộc tội một cách chắc chắn thì phải tuyên vô tội. Nếu tuyên vô tội mà bị tạm giam, tạm giữ hoặc bị khởi tố, truy tố rồi thì đương nhiên phải bồi thường danh dự, nhân phẩm, tổn thất về tinh thần cho người ta.

Cũng có ý kiến cho rằng, khi tòa xử rồi mà xử sai thì tòa phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây phải là thẩm phán - chủ tọa của phiên tòa. Quan điểm của ông thế nào?

Theo đúng với tinh thần của Luật Bồi thường Nhà nước, nếu trong giai đoạn điều tra, vụ án bị đình chỉ điều tra thì không vấn đề gì. Nhưng trường hợp chuyển sang Viện Kiểm sát, Viện Kiểm sát không ra cáo trạng, tức là Viện Kiểm sát không đồng ý với quan điểm có tội thì cơ quan điều tra phải bồi thường. Ngược lại, vụ án đã ra đến Tòa án mà Tòa án tuyên không có tội thì Viện Kiểm sát lại phải chịu trách nhiệm. Trường hợp Tòa án tuyên có tội mà sau này Tòa cấp trên xử không có tội thì đương nhiên Tòa cấp trên chịu trách nhiệm cuối cùng.

Ông có cho rằng, đối với những trường hợp để xảy ra oan sai, kiểm sát viên được phân công phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo pháp luật? 

Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm soát các hoạt động tư pháp, những thiếu sót của CQĐT và cơ quan xét xử trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử mà để xảy ra oan sai, suy cho cùng, điều có trách nhiệm của các kiểm sát viên được giao nhiệm vụ thụ lý vụ án. Bởi Viện Kiểm sát là cơ quan giám sát việc tuân thủ pháp luật và trong quá trình điều tra, Viện Kiểm sát cũng tham gia, kể cả việc phê chuẩn lệnh tạm giam, tạm giữ. Nếu như giai đoạn này xảy ra sai phạm thì sẽ bị liên đới chịu trách nhiệm, cả về hình thức kỷ luật cũng như trách nhiệm bồi thường.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.