Văn hóa - Giải Trí

Bốn đạo diễn gạo cội hợp sức đưa Kiều lên sân khấu

25/07/2019, 06:47

Lần đầu tiên, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được đưa lên sân khấu với những góc nhìn mới của 4 đạo diễn gạo cội.

img
Các nghệ sĩ trong buổi ra mắt dự án "Nàng Kiều"

Sau hơn hai năm ấp ủ và chuẩn bị, dự án Nàng Kiều đã bắt đầu được đưa lên sàn diễn. Dự án dự kiến ra mắt vào tháng 10.

Đạo diễn tây - ta “đọ kiếm” vì Kiều

Vốn là tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam, Truyện Kiều đã tạo nên những nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ trong nghệ thuật, từ thơ, ca, nhạc, họa. Sức sống của tác phẩm trường tồn bởi những giá trị tư tưởng sâu sắc đã được Nguyễn Du lồng ghép trong từng câu chuyện, nhân vật. Và dự án Nàng Kiều của Nhà hát Tuổi Trẻ kết hợp với Viện Goethe ra đời, mang tới những góc nhìn tư tưởng mới trong tác phẩm. Trong dự án này, Nàng Kiều được thử nghiệm những góc nhìn mới về thân phận và vai trò của người phụ nữ. Qua đó đi tìm lời giải cho câu hỏi: Những chất liệu kinh điển nào của tác phẩm có thể đưa lên sân khấu đương đại?

Sân khấu sẽ nhường cho 4 vị đạo diễn Trần Lực (với Lực Team), Lê Quốc Nam (sân khấu kịch Hồng Vân), Như Lai (Nhà hát Tuổi trẻ) và Amélie Niermeyer - nữ đạo diễn nổi tiếng của Đức để dàn dựng những tác phẩm riêng để cùng trình diễn. Mỗi đạo diễn sẽ dựng một tác phẩm về Kiều có thời lượng 20 phút, để thể hiện những góc nhìn của mình về nhân vật này dưới tinh thần hiện đại.

Đây là lần đầu tiên, một đêm diễn sẽ có 4 tác phẩm cùng lấy đề tài về Kiều. Mỗi tác phẩm sẽ mang một phong cách sân khấu riêng, góc nhìn riêng thông qua những lát cắt về cuộc đời người phụ nữ của Nguyễn Du. Trong đó, đạo diễn Trần Lực chọn phân khúc Kiều và Từ Hải trả thù sở khanh Mã Giám Sinh. Với anh, đây là phân đoạn bộc lộ rõ sự mạnh mẽ của Kiều, cũng có thể là điểm xấu của nàng. Đạo diễn Lê Quốc Nam sẽ thể hiện phân đoạn Kiều và Từ Hải trả thù Hoạn Thư. Trong đó, vở sẽ được lồng vào nhân vật Đạm Tiên. Đạm Tiên hiện về báo mộng, chỉ cho Kiều những điều nên và không nên làm. Đặc biệt, tác phẩm này xây dựng hình ảnh Hoạn Thư thật đẹp. Với đạo diễn Nam, anh cho rằng: Kiều hay những người đàn bà khác trong xã hội đều có một nét xấu, đó là khi cuộc sống viên mãn lại nghĩ tới chuyện trả thù.

Trong khi đó, đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer sẽ mang tới góc nhìn riêng của mình trong phân khúc Kiều gặp Thúc Sinh. Riêng đạo diễn Như Lai mô tả đầy đủ quá trình của Kiều theo bốn giai đoạn: Định mệnh, tình yêu, chìm nổi, tự do. Đạo diễn Như Lai cho rằng, Kiều là người phụ nữ chủ động và cái đích của cô là luôn tìm kiếm tự do. Điều này rất giống với những người phụ nữ trong xã hội hiện nay, với tinh thần nữ quyền tự do, bình đẳng. Và chỉ thể hiện toàn bộ cuộc đời Kiều, tác phẩm mới muốn lột tả được hết vai trò của Kiều trong xã hội.

Thách thức trong 20 phút thật khó nhằn

Cũng vì chọn thể hiện toàn bộ cuộc đời của nàng Kiều nên hầu hết các đạo diễn thừa nhận, thời lượng 20 phút là quá khó, bởi phải làm sao để trong khoảng thời gian ngắn đó có thể lột tả được hết ý đồ mình mong muốn. Để đáp ứng điều ấy, mỗi người đã chọn cho mình những cách thể hiện riêng. Khán giả có thể xem tác phẩm của nữ đạo diễn Amélie Niermeyer gồm kịch kết hợp trình diễn video nghệ thuật. Họ sẽ mãn nhãn vở diễn mang hơi thở tâm linh và kinh dị đặc trưng của sân khấu kịch Hồng Vân. Tác phẩm của Lê Quốc Nam vẫn giữ bối cảnh thời gian, không gian theo bản gốc của Nguyễn Du, kết nối với hiện tại thông qua sử dụng nhạc giao hưởng. Áp lực của đạo diễn Lê Quốc Nam là phải tìm ra hình thức trình diễn, để khán giả thấy mối liên hệ của Kiều ngày nay.

Chọn thể hiện toàn bộ cuộc đời Kiều nên tác phẩm của đạo diễn Như Lai có nhiều loại hình nghệ thuật, từ hình thể, múa, kịch đọc… Thiết kế sân khấu sử dụng dây thừng như một cách diễn tả cho sự trói buộc. Về nội dung tác phẩm, nam đạo diễn bật mí, nhân vật Kiều sẽ chỉ xuất hiện trong 3 phút đầu với xiêm y chỉnh tề nhưng sau đó, lớp áo ấy sẽ bị xé tung để hiện ra một cô Kiều hiện đại. Theo Như Lai, anh chỉ muốn lấy sự ảnh hưởng của Kiều để miêu tả tinh thần của phụ nữ Việt nói chung hiện nay. Vở cũng sẽ cài cắm tư tưởng, mỗi cá nhân luôn phải đối chọi với dư luận, bất kể xưa hay nay.

Riêng đạo diễn Trần Lực tiếp tục theo đuổi phong cách sân khấu ước lệ biểu hiện, pha trộn giữa nghệ thuật truyền thống và đương đại. Vở này anh dựng tối giản trên sân khấu, dùng thủ pháp ước lệ không gian, thời gian, đưa câu chuyện cách đây 500 năm về thời hiện tại. Theo Trần Lực, để làm một vở Kiều, ít nhất phải 60 phút. 20 phút chỉ là cuộc chơi, để mỗi đạo diễn đưa ra quan điểm và cái nhìn riêng về Kiều. Tất nhiên, thời gian càng ngắn càng khó làm vì việc cô đọng vốn không đơn giản.

Rõ ràng, cả bốn vở diễn đều là lát cắt của nàng Kiều nhưng không trình tự, người xem chưa hiểu về Kiều sẽ phần nào thấy lúng túng theo khi theo dõi câu chuyện. Tuy nhiên, để tránh 1 đêm xem 4 vở giống “nồi lẩu thập cẩm” thì nghệ sĩ Sĩ Tiến - Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đã khẳng định: Không có chuyện này! “Vấn đề của chúng tôi là cách làm và sắp xếp thứ tự như thế nào để câu chuyện mạch lạc, dễ hiểu cho khán giả chia sẻ và đón nhận được những giá trị đương đại trong tác phẩm”. Bí mật về kinh phí để hoàn thiện dự án, đạo diễn Sĩ Tiến cho biết, những người làm dự án chỉ mong muốn đưa ra những sự khác biệt về quan điểm, cái nhìn của mỗi người về thân phận người phụ nữ dựa trên cơ sở cốt truyện tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du, cũng như tôn vinh những giá trị nhân văn trong Truyện Kiều.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.