Thế giới

Bốn kịch bản cho sắc lệnh tị nạn của ông Trump

14/02/2017, 07:57
image

Có 4 kịch bản sẽ thực hiện để khẳng định quyền lực của sắc lệnh tị nạn, nhập cư của Tổng thống Mỹ Trump.

Cố vấn cấp cao Stephen Miller thứ 3 từ trái sang t

Cố vấn cấp cao Stephen Miller (thứ 3 từ trái sang) tham dự một cuộc họp với Tổng thống Donald Trump.

Tranh cãi xung quanh sắc lệnh tị nạn lại trở thành đề tài nóng khi cố vấn cấp cao về chính sách của Nhà Trắng Stephen Miller tuyên bố sẽ chứng minh cho toàn thế giới thấy các sắc lệnh của Tổng thống “không có gì phải bàn cãi”.

“Không có gì phải bàn cãi”

Ông Stephen Miller chỉ trích các thẩm phán liên quan tới tranh cãi pháp lý về sắc lệnh tị nạn của Tổng thống là “vượt quyền tư pháp”. Nhận định trên được cố vấn Miller đưa ra khi xuất hiện trong chương trình Face the Nation của Đài CBS.

Cố vấn Miller cảnh báo: “Các đối thủ, truyền thông và toàn thế giới sẽ thấy, khi chúng tôi hành động mạnh mẽ hơn, quyền lực của Tổng thống để bảo vệ đất nước sẽ rất giá trị và “không có gì phải bàn cãi”. Đồng thời, ông Miller cũng bỏ ngỏ khả năng Nhà Trắng xúc tiến đưa ra một sắc lệnh tị nạn mới, hẹp hơn nhằm vào người tị nạn và các công dân đến từ 7 nước Hồi giáo (Syria, Lybia, Sudan, Yemen, Iran, Iraq, Somalia).

Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn đã tiết lộ thông tin trên với báo giới trước đó vài ngày và cho biết, sắc lệnh mới sẽ được đưa ra trong tuần này. Vị cố vấn 31 tuổi Stephen Miller kết luận, “từng hành động mà chúng tôi đang theo đuổi nhằm đảm bảo an toàn đất nước khỏi khủng bố”. Sau những tuyên bố này, ông Donald Trump hết lời khen ngợi vị cố vấn trẻ trên Twitter “đã thay mặt ông” và “làm rất tốt”.

Như vậy, Chính phủ Tổng thống Trump vẫn kiên quyết theo đuổi chính sách tị nạn, nhập cư mạnh tay và khắc nghiệt dù biết chắc sẽ đối mặt với phản ứng mạnh mẽ từ dư luận trong nước và quốc tế. Có lẽ vì, 100 ngày đầu tiên kể từ khi nhậm chức là khoảng thời gian Tổng thống được thể hiện sức mạnh và quyết sách của mình rõ nhất qua các sắc lệnh. Việc chùn bước, tỏ ra yếu thế trong xử lý sắc lệnh là trung tâm dư luận sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh chính trị của Tổng thống về lâu dài.

Tuy nhiên, nhận định về sự cứng rắn của chính quyền Tổng thống Mỹ, các chuyên gia luật cho biết, những động thái đó cho thấy ông Donald Trump cùng chính quyền thiếu tôn trọng Tam quyền phân lập được quy định trong Hiến pháp Mỹ. Giáo sư luật Đại học Cornell Jens David Ohlin cho biết: “Cáo buộc thẩm phán vượt quyền của Tổng thống chứng minh chính quyền ông Trump thiếu công nhận sự phân tách quyền lực trong chính quyền Mỹ”. “Trong hệ thống chính trị Mỹ, Tổng thống thực thi luật pháp còn Bộ Tư pháp có trách nhiệm làm sáng tỏ luật và các đạo luật đã được Quốc hội thông qua, phù hợp với Hiến pháp. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng của họ”, ông Ohlin nói.

Bên cạnh đó, nghiên cứu sinh cấp cao về Hiến pháp tại Học viện Cato cho rằng, những bình luận của ông Trump khiến người dân thiếu tôn trọng luật pháp và mệnh lệnh. Nó khiến người Mỹ nghĩ rằng, “Chính phủ là trò đùa và không phải tuân theo những gì thẩm phán phán quyết”. Luật Nhập cư của Mỹ trao cho Tổng thống quyền hành lớn, được phép hạn chế những đối tượng vào đất nước để đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, các luật này không cho phép phân biệt đối xử về chủng tộc, giới tính, quốc tịch, nơi sinh và cư trú. Trong khi sắc lệnh tị nạn, nhập cư mà Tổng thống Trump ký vào cuối tháng 1 vừa qua bị chỉ trích là nhắm vào người Hồi giáo đến từ 7 nước Trung Đông.

Bốn kịch bản

Theo Lawnewz, có 4 kịch bản mà chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ thực hiện để khẳng định quyền lực của sắc lệnh tị nạn, nhập cư. Thứ nhất, chính quyền ông Trump có thể yêu cầu Tòa Phúc thẩm vùng thứ 9 tái cân nhắc phán quyết đình chỉ sắc lệnh tị nạn của Tổng thống. Tuy nhiên, chuyên gia luật tại Đại học Michigan Margo Schlanger cho rằng, tỉ lệ thành công rất thấp vì cả 3 thẩm phán trong hội đồng đã đồng nhất khi đưa ra quyết định đó.

Kịch bản thứ 2, chính quyền Tổng thống Trump có thể nộp đơn kháng cáo khẩn cấp lên Tòa án Tối cao, yêu cầu khôi phục sắc lệnh. Để khôi phục cần ít nhất 5 thẩm phán của Tòa án này đồng ý bác phán quyết của Tòa Phúc thẩm nhưng hiện nay, Tòa án Tối cao đang trống 1 thành viên. Trong 8 thành viên còn lại, có 4 Thẩm phán bảo thủ, 4 Thẩm phán tự do. Nhận định về khả năng chiến thắng, Giáo sư luật tại Đại học Temple Peter Spiro cho biết: “Chắc chắn sẽ có 4 phiếu bác bỏ đề nghị khôi phục khẩn cấp sắc lệnh” nên phần trăm thắng cũng không cao.

Với kịch bản thứ 3, nếu Tòa án Tối cao từ chối can thiệp ngay lập tức, vụ tranh tụng này tiếp tục lưu tại Tòa Phúc thẩm thứ 9, cuối cùng sẽ được xem xét dựa trên lập luận phải - trái về pháp lý (legal merit). Qua đó, Chính phủ ông Trump có thể tiếp tục kéo dài thời gian, chờ ứng viên Chánh án Tòa án Tối cao Neil Gorsuch mà ông Trump đề xuất được Thượng viện thông qua và nhậm chức. Khi đó, cơ hội bật lại phán quyết của Tòa Phúc thẩm tại Tòa án Tối cao sẽ cao hơn.

Kịch bản cuối cùng và nhiều người dự đoán sẽ xảy ra là Nhà Trắng sẽ sửa đổi và ra một sắc lệnh mới về tị nạn và nhập cư nhưng miễn trừ đối với những người có thẻ xanh và những người vốn đã có quan hệ với Mỹ so với sắc lệnh cũ để hạn chế kiện tụng.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.