Chính trị

Bốn lý do ra đời Nghị quyết xây dựng Đảng

20/02/2015, 13:03

Trong lịch sử ra đời và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác xây dựng, tự chỉnh đốn mình.

101
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Bộ trưởng Đinh La Thăng khi cây cầu Đông Trù được thực hiện 100% bởi chính những kỹ sư, thợ cầu Việt Nam đã được khánh thành vào dịp 60 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/2014) - Ảnh: Tiến Mạnh

Trong lịch sử ra đời và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác xây dựng, tự chỉnh đốn mình. Nhờ thế mà 85 năm qua, Đảng luôn được nhân dân tin tưởng, giao trọng trách lãnh đạo toàn diện đất nước.

Năm 2015, Đảng ta tròn 85 tuổi. Nhân sự kiện này, Báo Giao thông Xuân lược trích bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về bốn lý do ra đời Nghị quyết xây dựng Đảng.

Từ trước đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Đã có nhiều Nghị quyết về xây dựng Đảng như vậy, tại sao lần này T.Ư lại phải bàn và ra Nghị quyết về xây dựng Đảng nữa? Theo tôi có bốn lý do:

Một là, vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng luôn luôn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Đây là bài học lớn, là kết luận sâu sắc được rút ra qua suốt quá trình hơn 80 năm hoạt động của Đảng ta, đồng thời cũng là lý luận khoa học và kinh nghiệm thực tiễn của nhiều đảng, nhiều nước trên thế giới. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta đã khẳng định: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam”. Trước kia đã như vậy, hiện nay đang như vậy, và sau này cũng sẽ vẫn như vậy...

Hai là, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của nước ta hiện nay rất to lớn, nặng nề, khó khăn, đòi hỏi Đảng phải nâng tầm lãnh đạo lên cao hơn nữa, nâng sức chiến đấu mạnh hơn nữa. Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng vừa thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 nhằm mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây thật sự là một cuộc vận động cách mạng toàn diện, sâu sắc và cao cả.

Ba là, bản thân Đảng, bên cạnh mặt tích cực, bản chất và truyền thống tốt đẹp được phát huy cũng đang đứng trước nhiều yêu cầu mới và có những hiện tượng tiêu cực, phức tạp mới. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhiều đảng viên có chức, có quyền, có điều kiện nắm giữ tài sản, tiền bạc, cán bộ... đất nước lại phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, nhiều người lo lắng về Đảng, về bản chất Đảng, lo lắng mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế tác động vào Đảng. Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; Liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không? Nhà triết học cổ điển Đức L.Foiơ Băc đã từng nói rằng, người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở trong nhà tranh. Mai kia Đảng này sẽ là Đảng của ai? Có giữ được bản chất là Đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không? Thực tế đã có bộ phận suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Đây là điều đáng lo ngại nhất và cũng là nguy cơ lớn nhất đối với một Đảng cầm quyền, như Lênin và Bác Hồ đã từng cảnh báo.

Bốn là, sự chống phá điên cuồng và quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động. Âm mưu cơ bản, lâu dài của chúng là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Để thực hiện được âm mưu cơ bản đó, các thế lực thù địch đã áp dụng lần lượt hết chiến lược này đến chiến lược khác, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, rất kiên trì, kiên quyết, xảo quyệt...

Trong bối cảnh tình hình nêu trên, nếu Đảng ta không giữ được bản chất cách mạng của mình, không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; Không thống nhất cao về ý chí, hành động; Không trong sạch về đạo đức, lối sống; Không chặt chẽ về tổ chức; Không được nhân dân ủng hộ thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Chính vì vậy mà Đảng ta luôn luôn nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.

Nội dung bài phát biểu của Tổng Bí thư đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

(Lược trích bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng khai mạc ngày 27/2/2012)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.