Chuyện dọc đường

Bốn nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19

Cuối năm, các hoạt động hội họp, đi lại, giao thương tăng cao… kéo theo nguy cơ xâm nhập cũng như bùng phát về dịch bệnh Covid-19 rất lớn.

img

Người dân cần nghiêm túc thực hiện đeo khẩu trang để phòng chống dịch Covid-19

Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 quốc tế diễn biến phức tạp, với số mắc và số tử vong đều tăng cao. Điều này cho thấy nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam rất lớn, nhất là khi chúng ta vẫn có chuyến bay với một số nước.

Và đặc biệt qua theo dõi, phần lớn các chuyến bay nhập cảnh Việt Nam đều có trường hợp dương tính, có những chuyến bay số người nhiễm lên đến hàng chục trường hợp.

Do vậy, nếu không ngăn chặn sớm thì rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, cần lưu ý có trường hợp người nhiễm không triệu chứng, hoặc nhẹ rất khó phát hiện nên nguy cơ lây lan cao.

Nhìn lại trường hợp bệnh nhân 1342 - tiếp viên hàng không, đây cũng là trường hợp lây lan từ đường nhập cảnh vào, do việc quản lý người cách ly còn lỏng lẻo nên đã làm lây nhiễm sang trường hợp khác.

Do được phát hiện sớm nên đối với những trường hợp F0, F1, F2 có thể khoanh vùng và khống chế sớm. Tuy nhiên, dù như vậy thì chúng ta cũng không được chủ quan.

Bên cạnh hoạt động cách ly tập trung tại các cơ sở do quân đội quản lý được đánh giá nghiêm túc, hiệu quả, việc cách ly dân sự (cách ly tại nơi lưu trú, cách ly tại các khách sạn…) đã để xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc cách ly tại các nơi lưu trú, tại nhà, nhưng thời gian qua vẫn ghi nhận một số vụ việc do không thực hiện nghiêm các quy định.

Ngoài bệnh nhân 1342, tại Hà Nội đã từng có trường hợp nhân viên khu lưu trú cách ly tiếp xúc trực tiếp (cầm điện thoại) với người nhập cảnh nghi nhiễm Covid-19.

Ở đây là vấn đề ý thức, cần nâng cao ý thức cơ quan quản lý cách ly và đặc biệt ý thức của người cách ly. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cơ quan chính quyền địa phương có cơ sở cách ly đóng trên địa bàn trong việc kiểm tra, giám sát.

Về nguy cơ dịch bùng phát dịch hiện nay, có 4 nguồn lây đáng ngại. Thứ nhất là theo đường nhập cảnh trái phép, có trường hợp lây nhiễm sẽ rất khó kiểm soát.

Bộ Y tế cũng đã đề nghị các bộ ngành chức năng tổ chức giám sát chặt chẽ tại các khu vực biên giới để phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Thứ hai là theo đường nhập cảnh hợp pháp nhưng không quản lý, cách ly đúng quy định, giám sát chưa chặt chẽ, điển hình là ca bệnh 1342 ở TP HCM vừa qua.

Thứ ba là nguy cơ ổ dịch “ẩn nấp” trong cộng đồng mà ta chưa phát hiện được, vì tính chất của virus SARS-CoV-2 có nhiều ca bệnh không triệu chứng nhưng vẫn lây lan.

Nguy cơ thứ tư là dù chưa có bằng chứng lây lan, nhưng tại Trung Quốc đã có xét nghiệm phát hiện có virus SARS-CoV-2 trên bề mặt thực phẩm đông lạnh, Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo làm xét nghiệm để loại trừ hết khả năng nguồn bệnh lây lan Covid-19 trong cộng đồng.

Hiện đang thời gian cuối năm, các hoạt động hội họp, đi lại, giao thương tăng cao… kéo theo nguy cơ xâm nhập cũng như bùng phát về dịch bệnh Covid-19 rất lớn.

Mùa đông là thời tiết thuận lợi lây lan bệnh đường hô hấp trong đó có virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, chúng ta vẫn duy trì thực hiện mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch”.

Do vậy, các tỉnh, thành phố, trước hết là các thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế.

Về phía người dân, không nên quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan, đồng thời thực hiện nghiêm mọi yêu cầu, khuyến cáo từ cơ quan chức năng về các biện pháp phòng chống dịch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.