Cụm Nhiệt điện Ô Môn thuộc quy hoạch Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, xét đến 2030 (quy hoạch điện VII điều chỉnh) với 4 Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I, II, III, và IV, sử dụng nhiên liệu từ mỏ khí lô B.
Bốn nhà máy được xây trên 165ha đất ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Hiện, các nhà máy đã hoàn tất GPMB cho 414 hộ với số tiền 216 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng dự án này gần như đã hoàn chỉnh, có hàng rào bao quanh.
Tháng 5/2023, theo quyết định của Thủ tướng về Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (quy hoạch điện VIII), các Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn được ưu tiên đầu tư.
Mới 1 nhà máy đi vào hoạt động
Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I đi vào hoạt động 2 tổ máy từ năm 2015, công suất 660MW, vốn đầu tư khoảng 750 triệu USD.
Hiện, mới có Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I đi vào hoạt động
Còn Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II được phê duyệt chủ trương cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư từ cuối năm 2021, công suất 1.050MW, tổng đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD.
Tháng 2/2023, Sở KH&ĐT Cần Thơ cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập Công ty TNHH Điện Ô Môn II để triển khai dự án.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Liên danh Marubeni, WTO cũng đã ký kết các điều khoản chính của hợp đồng cung cấp khí.
Nhà đầu tư dự kiến nhận kết quả thẩm định nghiên cứu khả thi từ Bộ Công thương vào tháng 6/2023.
Nhà đầu tư cũng đang triển khai các thủ tục về đấu nối lưới điện, phạm vi chiếm đất và các hạng mục dùng chung của dự án, hợp đồng mua bán điện.
Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III công suất dự kiến 1.050MW, vào tháng 8/2022 đã được Cần Thơ chấp thuận chủ trương để EVN đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD.
Nhưng đến thời điểm này, đề xuất dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III vay vốn ODA từ Nhật Bản vẫn chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn IV được phê duyệt chủ trương đầu tư hồi tháng 2/2019, tổng vốn khoảng 1,2 tỷ USD.
Hiện, EVN đã hoàn thiện hồ sơ mời thầu EPC của dự án và sẵn sàng phát hành sau khi EVN và PVN thống nhất các điều khoản mua bán khí.
Tháng 5/2023, vì một số khó khăn của EVN, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III, IV được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý chủ trương chuyển sang cho PVN đầu tư để thuận lợi về huy động vốn, năng lực thực hiện.
Dù vậy, việc thỏa thuận một số hợp đồng mua bán khí vẫn chưa đi đến thống nhất nên chưa có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Bốn nhà máy nhiệt điện nói trên là 1 trong 3 dự án thành phần thuộc Chuỗi dự án Điện - Khí lô B, nên các nhà đầu tư chỉ triển khai khi xác định chắc chắn tiến độ 2 dự án còn lại.
Theo Quy hoạch Điện VIII của Thủ tướng phê duyệt, 4 nhà máy trên nằm trong danh mục các nhà máy điện khí quan trọng và ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2030.
4 Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2030
Hồi tháng 11/2022, Bộ Công thương thống nhất với EVN và PVN, các nhà máy trên được gián tiếp tham gia thị trường điện theo quy định và đặt ra mục tiêu khi có dòng diện khí đầu tiên từ mỏ khí lô B kéo về cung cấp cho các nhà máy này vào cuối năm 2026.
Dù vậy, theo các nhà đầu tư, đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đối với Nhà máy Nhiệt diện Ô Môn II, các thủ tục, vấn đề liên quan đất đai đang trong quá trình tháo gỡ, xử lý giữa các bên và chờ hướng dẫn của cơ quan quản lý.
Báo cáo nghiên cứu khả thi nhà máy này cũng đang cần cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Đối với Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III, đề xuất vay vốn ODA từ Nhật Bản để thực hiện vẫn chưa được phê duyệt.
Trong khi đó, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn IV cần đạt sự thống nhất thỏa thuận hợp đồng mua bán khí với PVN là cơ sở phát hành hồ sơ mời thầu.
Ngoài ra, việc sớm phê duyệt nội dung điều chỉnh dự án Đường ống dẫn khí lô B là rất quan trọng để các dự án thành phần thực hiện đồng bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận