Bóng đá

Bóng đá châu Âu “xì hơi” vì Covid-19

28/08/2020, 06:49

Đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ tới đời sống bóng đá thế giới, trong đó có bóng đá châu Âu.

img
Dù đã thi đấu trở lại nhưng các đội bóng châu Âu mất một nguồn thu lớn từ bán vé và các dịch vụ ở khu vực sân vận động (Trong ảnh: Khán đài trống trơn trong một trận đấu tại giải Ngoại hạng Anh)

Lục địa già là nơi bóng đá cực phát triển và được ví như “con gà đẻ trứng vàng” cũng đối mặt với nhiều khó khăn, buộc các đội bóng phải thay đổi để thích nghi.

Ảnh hưởng nặng nề

Kể từ sau Thế chiến thứ 2, bóng đá thế giới nói chung và châu Âu nói riêng chưa phải hứng chịu sự tác động nào mạnh mẽ như đại dịch Covid-19, trở thành nỗi ám ảnh cả về mặt thể thao lẫn kinh doanh.

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA), các đội bóng châu Âu (700 đội bóng thuộc 55 liên đoàn thành viên) sẽ thiệt hại khoảng 4 tỷ euro vì Covid-19.

Giám đốc điều hành ECA Charlie Marshall nhấn mạnh: “Ảnh hưởng xấu vẫn tiếp diễn, kể cả trong mùa giải tới, dù các trận đấu đã trở lại. Doanh thu của các CLB sẽ giảm từ mức ước tính 22 tỷ euro xuống còn 20,4 tỷ trong mùa này và từ 23,1 tỷ euro xuống còn 20,7 tỷ euro vào năm 2020-2021. Chúng tôi sẽ phải có biện pháp để tạo ra một ngành công nghiệp bóng đá bền vững hơn”.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong phần doanh thu bị sụt giảm là bán vé và đồ lưu niệm trong ngày tổ chức trận đấu. Theo tính toán sơ bộ, tại Ngoại hạng Anh, số tiền trung bình các CLB thu về khi tổ chức trận đấu trên sân nhà trong một mùa giải rơi vào khoảng 34 triệu bảng.

Các đội dự Champions League, con số này sẽ cao hơn nhiều. Tiêu biểu như Chelsea mùa giải 2017-2018 kiếm được 74 triệu bảng từ bán vé, hàng hóa tại Stamford Bridge.

“Khoảng 25% số trận đấu cuối mùa ở châu Âu diễn ra trong tình trạng đóng kín, khiến các CLB mất hàng chục triệu USD và là một cú đánh tài chính nặng nề cho đội bóng. Vấn đề ở chỗ, mùa giải 2020-2021 cũng chưa xác định được thời điểm nào được đón khán giả và đội bóng phải chấp nhận việc này bởi nó còn khá hơn nhiều so với việc không thể thi đấu”, ông Marshall nói.

Một rắc rối khác cũng khiến nhiều CLB điêu đứng, đó là giảm nguồn thu từ tài trợ. MU có 25 hợp đồng tài trợ, đem về mỗi năm khoảng 300 triệu bảng.

Ở các hợp đồng này, nhà tài trợ đều có những quyền lợi nhất định. Trong bối cảnh các sân vận động đóng kín, chắc chắn quyền lợi của nhà tài trợ không được trả đủ. Ví dụ như số vé phân phối, lượng người tiếp cận các biển quảng cáo hoặc hình ảnh của nhà tài trợ trên vé, các ấn phẩm khác. Nhà tài trợ vì thế có thể cắt giảm kinh phí so với cam kết.

Mặc dù doanh thu giảm đáng kể nhưng tất cả CLB vẫn phải trả lương cho cầu thủ và các bộ phận liên quan. Khoản này thông thường chiếm gần 60% chi tiêu của các CLB Ngoại hạng Anh.

Năm 2020, dự tính quỹ tiền lương của MU lên tới 332 triệu bảng. Với các giải đấu khác, tùy cơ chế mà mức chi phí trả lương khác nhau nhưng cơ bản nó vẫn là gánh nặng lớn nhất với mỗi đội bóng.

Cắt giảm chi tiêu

img
Bóng đá châu Âu chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19

Đối diện với khó khăn, một trong những biện pháp được các CLB tính tới là sa thải nhân viên. Cho đến nay, chưa tổ chức nào thống kê có bao nhiêu nhân viên ở các CLB bị sa thải nhưng con số chắc chắn phải lên tới hàng ngàn người.

Arsenal hồi đầu tháng 8 đã tuyên bố cắt giảm 55 nhân viên để giảm gánh nặng tài chính. Tương tự, CLB Newcastle sa thải gần như toàn bộ nhân viên, chỉ giữ lại số ít ở các bộ phận thiết yếu nhất. Ở Đức, Hertha Berlin sa thải 14 thành viên nhằm tái cơ cấu. Tuy nhiên, nhiều CLB thậm chí còn sa thải cả cầu thủ khi họ không chấp nhận việc giảm lương.

Tài chính khó khăn cũng tác động trực tiếp tới kế hoạch chuyển nhượng của các đội bóng. Ông Charlie Marshall cho rằng, muốn biết năng lực tài chính của một CLB đến đâu, hãy nhìn cách họ mua sắm cầu thủ.

Dưới tham chiếu này, rõ ràng các đội bóng châu Âu đang gặp vấn đề lớn về việc huy động vốn. Trái ngược với không khí sôi động ở những kỳ chuyển nhượng trước, kỳ chuyển nhượng hè 2020 đang cho thấy bầu không khí trầm lắng. Không có những thương vụ “bom tấn”.

Đa phần các đội bóng lớn đều ở trạng thái chờ, phải bán được người thì mới mua hoặc thực hiện những vụ trao đổi để giảm thiểu chi phí. Như thương vụ Barcelona đổi Arthur lấy Pjanic chẳng hạn.

Cũng chính Barcelona đang mắc kẹt ở thương vụ bán Philippe Coutinho nên chưa thể mạnh dạn đầu tư đem về những cầu thủ lớn. “Nhìn chung, các loại giao dịch cầu thủ sẽ trở nên đa dạng hơn”, luật sư thể thao Daniel Geey nói.

Ngay cả thị trường chuyển nhượng ở Anh cũng kém sôi động. Ngoài một vài thương vụ đã được chốt từ trước đó của Chelsea, Man City, các đại gia xứ sương mù dường như có nhiều thứ khác phải lo hơn việc bổ sung lực lượng.

“Mùa hè 2019, chỉ 5 giải đấu lớn nhất châu Âu gồm Ngoại hạng Anh, La Liga, Serie A, Bundesliga và Ligue 1 đã chi ngót nghét 5,5 tỷ euro để mua sắm cầu thủ. Tuy nhiên, thật khó để con số này lặp lại”, tờ Financial Times dự đoán.

Bóng đá sẽ thay đổi?

Thực tế, trước khi Covid-19 bùng phát, bóng đá thế giới giống như một quả bong bóng bị thổi phồng với rất nhiều cầu thủ được định giá ảo. Có thể kể ra hai cái tên tiêu biểu như Jadon Sancho (Dortmund) hay Kalidou Koulibaly (Napoli). Trước đó, PSG khiến cả thế giới choáng váng khi chi tới 222 triệu euro để chiêu mộ Neymar từ Barcelona.

“11/20 CLB Ngoại hạng Anh phá kỷ lục chuyển nhượng của mình hồi mùa hè 2019. La Liga lần đầu cán mốc hơn 1 tỷ euro chuyển nhượng. Sau tất cả, nhiều người đã nghĩ về một kỷ nguyên siêu chi tiêu với dòng tiền cực lớn chảy trong thế giới bóng đá. Nhưng Covid-19 đã làm thay đổi mọi thứ, đưa bóng đá trở lại thực tại khắc khổ hơn. Giờ đây, các CLB buộc phải tính toán kỹ lưỡng cho từng khoản chi nếu không muốn bị mất kiểm soát”, tờ CNN nhận định.

HLV Jose Mourinho của Tottenham từng phát biểu rằng, ông không tin có CLB nào dám bỏ ra khoản phí điên rồ để mua cầu thủ vào thời điểm này. Đơn giản, nó không phù hợp với chi tiêu xã hội vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

“Hàng triệu người trên thế giới mất việc làm hoặc lâm vào tình cảnh khó khăn vì Covid-19. Hãy thử tưởng tượng, dư luận sẽ phản ứng ra sao khi 1 CLB bỏ ra 100 triệu euro chiêu mộ cầu thủ nào đó? Chắc chắn chỉ có thể là sự phẫn nộ và vô vàn chỉ trích”, HLV Mourinho nói.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia tài chính bóng đá Kieran Maguire nêu quan điểm: “Ngày càng có nhiều lời kêu gọi kiểm tra lại tình hình tài chính không cân đối của bóng đá, nó đã vượt qua nhiều giới hạn, trở nên xa rời cuộc sống.

Với Covid-19, khoảng cách giàu nghèo giữa các đội bóng nhiều khả năng sẽ gia tăng nhưng đây được xem là cơ hội vàng để bóng đá nhìn lại mình, tìm hướng đi phát triển bền vững hơn, trở lại với những nguyên tắc cốt lõi của bóng đá. Hi vọng những nhà quản lý, điều hành bóng đá hiểu được điều này”.

Tờ Financial Times nhận định, tác động xấu từ Covid-19 sẽ khiến các ngân hàng, tổ chức tín dụng thận trọng hơn trong việc cho các CLB vay khoản tiền lớn. Ngay cả việc thực hiện giao dịch bao thanh toán (tương tự sử dụng thẻ ghi nợ) cũng khó khăn.

“Khi các CLB hoạt động kém hiệu quả, ngân hàng, tổ chức tín dụng chắc chắn ngừng cho vay hoặc hỗ trợ giao dịch bao thanh toán. Tại châu Âu, nhiều CLB lớn như Juventus (Italia), Leicester City (Anh) hay Benfica (Bồ Đào Nha) thường sử dụng loại hình giao dịch này. Nhưng việc dòng tiền thiếu ổn định sẽ khiến các nhà tài chính thể thao phải cân nhắc kỹ”, một cựu Giám đốc điều hành ở Ngoại hạng Anh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.