Bên lề

Bóng đá Việt cần hành động thay vì nói nhiều

14/12/2017, 13:05

Trong thời gian tới, Bộ VH,TT&DL sẽ tổ chức sơ kết bốn năm thực hiện “Chiến lược Phát triển bóng đá Việt Nam...

u23-viet-nam

 

Trong thời gian tới, Bộ VH,TT&DL sẽ tổ chức sơ kết bốn năm thực hiện “Chiến lược Phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Chính phủ phê duyệt năm 2014. Công tác sơ kết là cần thiết nhưng những người trong cuộc hẳn lúc này đang lo ngay ngáy vì chẳng có gì để báo cáo.

Chiến lược trên đề cập tới rất nhiều mục tiêu nhưng cơ bản nhất là: Đội tuyển quốc gia nam và U23 nam đoạt chức vô địch Đông Nam Á hoặc SEA Games (từ 1 - 2 lần); Bóng đá nam đứng trong nhóm 15 quốc gia có nền bóng đá hàng đầu châu Á; Bóng đá nữ đứng trong nhóm 6 quốc gia mạnh khu vực châu Á; Hoàn thiện hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia, bao gồm cả giải chuyên nghiệp lẫn giải trẻ...

Sau bốn năm thực hiện, ĐT Việt Nam chưa lần nào vào chung kết Đông Nam Á, U23 Việt Nam cũng không khá hơn. ĐT nữ tuy vừa giành HCV SEA Games nhưng cũng đã có quãng thời gian chững lại trước đó và cũng chưa thể chen chân vào top 6 châu Á. Trên bảng xếp hạng FIFA, tuyển Việt Nam vẫn nằm ngoài top 20 châu lục. Như vậy, về cơ bản các mục tiêu vẫn giậm chân tại chỗ. Tuy còn ba năm thực hiện nhưng cứ đà này, chiến lược do Chính phủ phê duyệt vẫn dừng lại trên giấy. Những nhà làm bóng đá Việt Nam vẫn tự hào với thành tích của futsal, của đào tạo trẻ. Nhưng hai mặt trận này không thể đại diện, không thể lĩnh ấn tiên phong cho cả nền bóng mà chỉ mang ý nghĩa tạo động lực, cú hích.

Nhìn lại chặng đường bốn năm qua, rõ ràng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Tổng cục TDTT hay Bộ VH,TT&DL chưa có những chương trình hành động cụ thể, rốt ráo trong việc thực hiện mục tiêu đề ra. Cách làm bóng đá của chúng ta vẫn theo kiểu nhà nông, bận theo mùa vụ, ngoài ra thì chơi dài. Nói cách khác, bóng đá Việt Nam chỉ thực sự vận động trước và trong các giải đấu lớn. Đây là hậu quả của việc thiếu kế hoạch dài hạn.

Giữa nói và làm luôn tồn tại khoảng cách rất xa. Trong bóng đá, khoảng cách còn xa hơn bởi bị quá nhiều yếu tố chi phối. Nhưng nếu không hành động, mọi thứ sẽ càng trở nên tệ hại. Khi Chủ tịch Lê Hùng Dũng được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, nhiều người hi vọng với đầu óc của một doanh nhân lão làng, ông sẽ đem đến những bước đột phá cho bóng đá nước nhà. Nhưng khi hành trình mới vừa bắt đầu, ông Dũng lâm bệnh và gần như rút lui khỏi đời sống bóng đá Việt.

Có lẽ chưa khi nào Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam được mong chờ như lúc này. Giới chuyên môn, người hâm mộ muốn thấy một vị Chủ tịch mới dám nói, dám hành động bởi chỉ có hành động mới đưa bóng đá Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.