Chuyện dọc đường

BOT cũng là tiền của dân

30/05/2016, 14:22

BOT cũng là tiền dân đóng góp từ thu phí, do đó cũng là tiền của dân.

2

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư theo hình thức BOT - Ảnh: Tạ Tôn

Đặt trong bối cảnh 5 năm trước, khi mọi nguồn lực dành cho giao thông gần như cạn kiệt, công trình giao thông phải dừng, giãn tiến độ hàng loạt mới thấy hết sự cần thiết của chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa GTVT. Hàng chục dự án, công trình như được hồi sinh sau thời gian dài “phơi nắng, phơi sương”.

Nhiều công trình tầm cỡ quốc gia, trong đó có hai tuyến huyết mạch QL1, đường HCM qua Tây Nguyên được đầu tư xây dựng mới, đang phát huy hiệu quả to lớn, là động lực thúc đẩy giao thương, phát triển KT-XH cả nước, đảm bảo ATGT

Dù huy động được một lượng vốn khổng lồ và được coi là kỳ tích vì đánh thức dòng vốn đang “ngủ đông” dài hạn mà nhiều chục năm trước không làm được, nhưng không vì thế việc quản lý đầu tư được phép lơ là. Còn nhớ thời điểm đó, lãnh đạo Bộ GTVT không ít lần khẳng định: “Vốn ngân sách là tiền của dân đóng thuế, còn BOT cũng là tiền dân đóng góp từ thu phí, do đó cũng là tiền của dân”. Từ quan điểm xuyên suốt ấy, Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế chính sách và quản lý các dự án BOT không khác gì vốn ngân sách.

Quan điểm này được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định một lần nữa tại buổi đối thoại về chủ đề này mới đây: “Đối với mỗi dự án BOT, Bộ GTVT quản lý như một dự án ngân sách, từ khâu lập dự án đến thiết kế, dự toán đều thông qua Cục QLXD&CLCTGT. Đơn giá, định mức cũng như toàn bộ chất lượng thi công đều có tư vấn giám sát của Bộ và các Ban QLDA theo dõi. Các dự án BOT cũng như dự án ngân sách được quản lý như nhau”.

Chia sẻ với các chủ đầu tư và các nhà thầu thi công, điều này hoàn toàn thực tế. Thậm chí tại nhiều dự án như: Hầm Phú Gia - Phước Tượng, hay một số công trình trên QL1, QL14, nhà đầu tư, nhà thầu còn chịu nhiều áp lực hơn và luôn phải đối mặt với việc bị thay thế, điều chuyển khối lượng nếu làm chậm. Hơn nữa, nếu xảy ra khiếm khuyết về chất lượng, nhà đầu tư còn chịu rủi ro lớn hơn rất nhiều vốn ngân sách vì phải tự bỏ tiền sửa chữa, thậm chí dừng thu phí, ảnh hưởng lớn đến bài toán hoàn vốn.

Cũng liên quan đến việc thu phí - vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua, dù còn nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên đa phần đều đồng thuận đã “đi đường tốt, đường xã hội hóa phải trả phí”. Chỉ có điều làm sao để công khai, minh bạch và hài hòa lợi ích các bên, cả Nhà nước - nhà đầu tư và người dân.

Khẳng định thêm về điều này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, mức phí mà Bộ đưa ra dựa trên việc cân đối giữa thu nhập của người dân, trong đó có tính đến yếu tố của doanh nghiệp, thu nhập và lãi suất ngân hàng.

Việc tính toán đưa ra mức phí là có cơ sở khoa học phương án tài chính các dự án BOT hình thành từ 2 nguồn vốn: Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư (chiếm từ 15-20%) và 80% huy động từ các tổ chức tín dụng. Thực tế, Bộ GTVT đã và đang yêu cầu các cơ quan chức năng quản lý, giám sát chặt việc thực hiện thu phí của các dự án BOT, đồng thời yêu cầu nhiều dự án lùi thời hạn tăng phí dù đã đến hạn để san sẻ gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.