Hạ tầng

BOT hầm đường bộ xóa “điểm nghẽn” lưu thông qua đèo

29/08/2017, 08:15

Những vụ TNGT, ách tắc giao thông đường đèo Cả, đèo Cổ Mã dần xóa bỏ nhờ công trình hầm.

8

TNGT, ách tắc giao thông đường đèo Cả dần xóa bỏ nhờ công trình hầm (Trong ảnh: Ùn tắc tại đèo Cả cuối năm 2016) - Ảnh: NLD

Khi nguồn vốn ngân sách hạn chế, các giải pháp đột phá về đầu tư BOT, thu hút vốn xã hội trong nước… đã tạo đà triển khai các dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Phú Gia - Phước Tượng, góp phần xóa “điểm nghẽn” lưu thông, thế “ốc đảo” của các địa phương, vùng miền.

Ám ảnh TNGT, sụt trượt đường đèo

Làm nghề sửa xe ô tô dưới chân đèo Cả, anh Nguyễn Quy (45 tuổi, trú thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên) nhớ như in hàng chục vụ TNGT chết người, thiệt hại về tài sản trên cung đường đèo hiểm trở. “Có đêm 2-3 vụ, nhẹ thì va chạm, nặng thì thương tích, thậm chí tử vong. Sau đèo Hải Vân, đèo Cả được mệnh danh là cung đường tử thần”, anh Quy nói. Cuối tháng 4 vừa qua, liên tiếp những vụ TNGT trên đường đèo Cả khiến khu vực phía Bắc và Nam đèo bị tê liệt nhiều giờ liền, hàng nghìn phương tiện ùn tắc gần chục km.

Đại tá Nguyễn Phi Lương, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên cho biết, đơn vị luôn bố trí một tổ CSGT TTKS túc trực tại khu vực đèo Cả để kịp thời xử lý các tình huống giao thông. Tuy nhiên, những vụ TNGT, ách tắc đường đèo rất phức tạp… Đặc thù đường đèo, chỉ cần 1 vụ TNGT, va chạm hay sạt lở sẽ khiến toàn bộ tuyến đèo độc đạo này tê liệt.

Đáng kể, đợt sạt lở 1.000m3 vào rạng sáng 16/12/2016 tại tại Km 1372+250 khu vực đèo Cổ Mã (QL1 Khánh Hòa) khiến đoạn đường đèo này bị ách tắc kéo dài. Các đơn vị khẩn trương khắc phục sạt lở, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả - chủ đầu tư dự án đang thi công hầm đường bộ Đèo Cả phải mở hầm Cổ Mã cho phương tiện lưu thông để “giải cứu” kẹt xe toàn bộ khu vực đèo Cả.

Ông Cao Xuân Giao, Cục trưởng Cục QLĐB III (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, với các tuyến đường đèo, thách thức lớn nhất lưu thông mùa mưa bão và tình trạng TNGT. Trước đây, tình trạng sụt trượt, ách tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ TNGT luôn thường trực trên đường đèo Cả, Cổ Mã… gây nhiều hệ lụy đến toàn xã hội. Có hầm, người dân lưu thông an toàn, ổn định hành trình, không lo ùn tắc và TNGT.

Mở hầm, mở hy vọng

Những ngày gần đây, mỗi ngày, hàng nghìn lượt xe lưu thông êm thuận qua các đoạn đường dẫn, lòng đường hầm Đèo Cả - Cổ Mã mở rộng thênh thang, 4 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp, cùng hệ thống biển báo, chỉ dẫn, các thiết bị giám sát giao thông thông minh, tiện ích... Chừng 10 phút, chiếc xe khách giường nằm BKS 74B-000.06 (tuyến Đông Hà - TP HCM) dễ dàng qua hết đoạn tuyến dự án với tổng chiều dài hơn 13km. Tài xế Nguyễn Văn Hiếu (Đông Hà, Quảng Trị) chia sẻ: “Quá nhanh và an toàn. Đi trong hầm mà như đi cao tốc, tốc độ ổn định lên đến 80km/h, thông thoáng, rút ngắn gần chục km, giảm gần 30 phút so với lưu thông đường đèo”.

Theo các tài xế, đèo Cả, Cổ Mã có độ dốc lớn, nhiều khúc cua gấp “khuỷu tay” luôn là nỗi ám ảnh về TNGT, ách tắc lưu thông với cả các bác tài lão luyện. “Bình thường để qua lại đường đèo, một xe khách phải mất chừng 250.000 đồng tiền dầu, nhưng giờ qua hầm mất chưa đến 100.000 đồng. Có mất phí tôi cũng đi bởi qua hầm quá nhiều lợi ích, giảm tiêu hao nhiên liệu, không hao mòn phương tiện, đặc biệt không còn cảm giác nơm nớp lo sợ mất mạng và thiệt hại tài sản”, anh Hiếu nói.

Hầm đường bộ khai thông, mở toang thế “cô lập”, bao đời nay của: Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, tạo đà cho cả miền Trung cất cánh. Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Tấn Việt cho biết, đèo Cả mang đến cơ hội phát triển thông thương, liên kết vùng, kết nối giữa khu kinh tế Nam Phú Yên và Vân Phong (Khánh Hòa) cũng như các KCN Bình Định và xu hướng phát triển mạnh mẽ du lịch thời gian tới.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh, hạ tầng giao thông tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn diện cho địa phương và cả khu vực nâng cao năng lực vận tải đường bộ, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa miền Trung và khu vực phía Nam, nối liền các khu vực phát triển tại miền Trung, đặc biệt giữa các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Định.

Theo ông Lê Quỳnh Mai, Phó tổng giám đốc DCIC, nhằm chia sẻ với người dân, từ khi thông xe đến ngày 2/9, hầm mở cửa lưu thông miễn phí cho các phương tiện (trừ xe cấm qua hầm). Dự kiến, từ ngày 3/9, dự án mới chính thức thu phí. Đặc biệt, trạm thu phí được đặt trên đường dẫn vào hầm, để chủ phương tiện hoàn toàn có quyền lựa chọn phương án đi đường đèo hoặc qua hầm. Và chỉ mất phí khi qua hầm. Công tác thu phí được các bộ, ngành chức năng thẩm tra, phê duyệt, đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lựa chọn và hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - người dân và doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo DCIC, việc thu phí hoàn vốn cho dự án được thực hiện từ ngày 3/9/2017 trên cơ sở hợp đồng dự án và quy định mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ được Bộ GTVT quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.