Vận tải

Bớt rườm rà mới xã hội hóa được vận tải đường sắt

08/05/2014, 06:20

Lãnh đạo một doanh nghiệp đã đầu tư vào ngành Đường sắt cho rằng, những quy định rườm rà, không cần thiết cần sớm được loại bỏ để vận chuyển hàng hóa trên đường sắt ...

Để vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, cần xã hội hóa đường sắt
Để vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, cần xã hội hóa đường sắt


Người dân hưởng lợi


Từ tháng 4/2014, khối vận tải đường sắt chỉ còn lại 2 Công ty vận tải hành khách Hà Nội và Sài Gòn. Trong đó, công ty vận tải hàng hóa trước đây và Liên hiệp sức kéo đã bị giải thể và sáp nhập các bộ phận, đơn vị về 2 công ty vận tải khách này. Đây là bước tinh gọn đầu mối vận tải, giảm bớt các khâu trung gian trong vận tải đường sắt.


Tuy nhiên, định hướng trong thời gian tới khi hạ tầng và vận tải được tách bạch rõ ràng, các công ty vận tải đường sắt đều phải cổ phần hóa hết. Trong một cuộc họp mới đây, ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, hai công ty vận tải cần sớm được cổ phần hóa để đảm bảo sự cạnh tranh minh bạch, bình đẳng. Chỉ có như vậy mới thêm nhiều đơn vị tư nhân vào cuộc kinh doanh trên đường sắt, từ đó mới tạo được áp lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ.


Ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, các công ty tư nhân tham gia vào vận tải đường sắt sẽ được cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp Nhà nước. Thị trường cạnh tranh sẽ tạo áp lực buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng, hạ giá thành vận tải và người dân sẽ được hưởng lợi.


“Trên thế giới, nhiều nước đã tách bạch hạ tầng và kinh doanh vận tải và đạt được hiệu quả hoạt động cao. Đơn cử như Thụy Điển, toàn bộ khối vận tải đều được xã hội hóa, Nhà nước chỉ quản lý hạ tầng. Tuy nhiên, việc này phải được làm quyết liệt và triệt để” - ông Doanh nói.

Thay đổi tư duy cũ


Thực tế nhiều năm qua, có không ít doanh nghiệp đã đầu tư vào ngành Đường sắt như: Công ty CP Dịch vụ du lịch Đường sắt Hà Nội, Công ty TNHH một thành viên khách sạn Victoria, Công ty CP Dịch vụ đường sắt Hoa Phượng, Công ty Dongrim TNHH Một thành viên Vận tải Đường sắt, Công ty CP Vận tải và Thương mại Đường sắt (Ratraco)... 


Trong số các doanh nghiệp trên, chỉ có Công ty Ratraco, một đơn vị trong ngành Đường sắt đã được cổ phần hóa từ năm 2002 là có sự đầu tư đồng bộ phương tiện, trang thiết bị để kết nối với vận chuyển hàng hóa trên đường sắt. Còn lại, các công ty khác chủ yếu đầu tư kinh phí để nâng cấp, cải tạo các toa xe và thuê trọn gói. Có đơn vị không đầu tư mà chỉ thuê toa trả cước trọn gói theo năm để chở khách trên một số tuyến du lịch. Và với sự đầu tư manh mún như vậy, phần nhiều các công ty này làm ăn không hiệu quả, thậm chí có công ty phải đóng cửa chỉ sau hơn 1 tháng hoạt động như trường hợp Công ty Dongrim đầu tư toàn bộ toa xe hiện đại để chở khách du lịch tuyến Hà Nội - Hạ Long. Đến nay, toàn bộ số toa xe này vẫn nằm phơi mưa nắng rất lãng phí.


Theo nhiều chuyên gia, việc đầu vào ngành Đường sắt khó có hiệu quả do cơ sở hạ tầng kém dẫn đến tốc độ lữ hành chậm. Hơn nữa, có một thực tế là dù có toa xe, nhưng chỉ lắp vào đoàn tàu của ngành Đường sắt để chạy chung. Toàn bộ sức kéo, điều độ vẫn phải thuê của Tổng công ty Đường sắt VN nên không có được sự chủ động. 


Dự kiến năm 2015, hai Công ty Vận tải hành khách đường sắt sẽ được cổ phần hóa trong đó có cả sức kéo. Khi đó, các công ty này được quyền quản lý đầu máy nên có thể tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng trong việc cho thuê sức kéo. 


Hơn nữa, trong việc kinh doanh hàng hóa đường sắt hiện nay còn nhiều quy định rườm rà, phức tạp. Một lãnh đạo Công ty Ratraco cho biết, vướng nhất là hành trình vận chuyển quá dài, lại không có nhiều bãi dỡ hàng nên rất khó cho doanh nghiệp hoạt động. Bên cạnh đó, thủ tục vận chuyển còn nhiều vướng mắc. Đơn cử như quy định về công tác gia cố hàng hóa khi vận chuyển trên đường sắt hiện vẫn dùng những quy định cũ như kê bằng gỗ, chằng buộc bằng dây thép, trong khi vật tư vật liệu kê lót chằng buộc đã có rất nhiều thay đổi. Chỉ khi thay đổi được tư duy cũ kỹ này, việc xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực vận tải đường sắt mới thu hút được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân tham gia.

Thiện Anh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.