Hạ tầng

BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cầu cứu Thủ tướng vì lo vỡ nợ

11/10/2017, 08:01

Doanh nghiệp dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới vừa có văn bản kêu cứu Thủ tướng bởi nguy cơ vỡ nợ...

4

Hoàn thành, đưa vào khai thác gần 1 năm, dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới vẫn chưa được thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ

Địa phương chậm chốt phương án miễn, giảm phí cho dân

Liên danh CIENCO4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc (nhà đầu tư) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương về việc triển khai thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức BOT.

Theo đại diện liên danh nhà đầu tư, dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai tại Văn bản 5136 ngày 9/7/2014 và được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định 3002 ngày 7/8/2014. “Dự án được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu vận tải, giảm ùn tắc và TNGT trên tuyến QL3; từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc với Hà Nội. Đồng thời, phục vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực miền núi phía Bắc nói chung và hai tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn nói riêng; phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển GTVT”, đại diện nhà đầu tư cho biết.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 có tổng chiều dài 65km, trong đó, hợp phần QL3 mới đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, chiều dài 40km, bề rộng nền đường 12m. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 2.713 tỷ đồng, do liên danh CIENCO4 - Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - Công ty CP ĐTXD&TM Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT.

Sau hơn hai năm triển khai thi công, dự án đã thông xe kỹ thuật vào tháng 3/2017 và được Hội đồng nghiệm thu của Bộ GTVT đồng ý nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 5/2017. Trước đó, trên cơ sở ý kiến của Bộ GTVT, UBND tỉnh Thái Nguyên và UBND tỉnh Bắc Kạn, ngày 28/10/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 175 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trạm thu phí tại Km72+930 trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và Km76+080 trên QL3 để hoàn vốn cho dự án.

“Dự án đã chính thức đưa vào khai thác, sử dụng từ ngày 18/5/2017 theo kết luận của Hội đồng nghiệm thu Bộ GTVT, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được tổ chức thu giá dịch vụ đường bộ để hoàn vốn đầu tư”, văn bản của liên danh nhà đầu tư nêu rõ.

Về việc thực hiện chủ trương miễn, giảm phí cho các loại phương tiện của người dân có hộ khẩu thường trú khu vực lân cận trạm thu giá dịch vụ theo chỉ đạo của Bộ GTVT, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án (Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới) đã tích cực làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên và các đơn vị liên quan để thống nhất phương án miễn, giám giá cho các phương tiện. Cụ thể, ngày 17/8/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản 3498 trình Thường trực Tỉnh ủy về việc xin chủ trương phương án giảm giá dịch vụ đường bộ khi phương tiện giao thông qua trạm thu giá tại Km77+922,5 QL3.

Tiếp đến, ngày 30/8, nhà đầu tư tiếp tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên chính thức đề xuất phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ qua trạm Km77+922,5 QL3 và Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo, làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên để triển khai thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ hoàn vốn cho dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100.

“Căn cứ nội dung Hợp đồng BOT số 22 ngày 22/7/2015 và các văn bản pháp lý liên quan, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng phương tiện. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nhà đầu tư vẫn chưa nhận được ý kiến chính thức của UBND tỉnh Thái Nguyên và quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép dự án được thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ để hoàn vốn đầu tư dự án”, đại diện liên danh nhà đầu tư cho biết.

Lo vỡ nợ, nhà đầu tư cầu cứu

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (doanh nghiệp dự án) cho biết, theo phương án tài chính ban đầu, dự án sẽ tiến hành thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư từ đầu năm 2017, nhưng thực tế, đến thời điểm hiện tại, công tác này vẫn chưa được triển khai.

“Hiện nay, doanh nghiệp dự án đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính và có khả năng lâm vào tình trạng vỡ nợ khi chưa có nguồn thu từ dự án nhưng vẫn phải duy trì hoạt động bộ máy doanh nghiệp dự án, quản lý bảo trì và trả lãi ngân hàng từ tháng 1/2017”, ông Đức nói và cho biết, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp dự án phải bỏ ra khoảng 16 tỷ đồng, tổng chi phí từ đầu năm 2017 đến nay khoảng 150 tỷ đồng.

Trước tình trạng trên, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương, nhà đầu tư khẩn cầu Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương xem xét chỉ đạo và có giải pháp triển khai thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức BOT.

“Trong khi chờ quyết định về việc hợp nhất ba dự án QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và Chợ Mới - Bắc Kạn theo đề nghị của Ban Kinh tế Trung ương, nhà đầu tư kiến nghị cho phép trước mắt thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới ngay sau khi có phương án giảm giá vé cho những hộ dân quanh khu vực trạm để hoàn vốn dự án và giảm bớt khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án”, đại diện nhà đầu tư đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.