Giao thông

BOT Thái Nguyên-Chợ Mới doanh thu thấp thảm hại, hoàn vốn thế nào?

02/04/2018, 17:23

Doanh thu thực tế của dự án BOT Thái Nguyên–Chợ Mới chỉ bằng 13% so với phương án tài chính.

bot thai nguye

Trạm thu giá Km72+930 tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới

Theo thông tin từ Công ty TNHH BOT Thái Nguyên – Chợ Mới, sau 2 tháng đưa trạm thu giá Km72 + 930 tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới vào hoạt động (từ 25/1 – 24/3/2018), doanh thu của trạm đạt hơn 4,5 tỷ đồng, bình quân 76,8 triệu/ngày.

Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên – Chợ Mới cho biết, trong hai tháng qua, doanh thu qua trạm chủ yếu từ các phương tiện mua vé lượt (4,32 tỷ đồng), tiếp đến là phương tiện mua vé tháng (180,6 triệu đồng) và phương tiện mua vé quý (35,2 triệu đồng).

Theo ông Đức, trong khoản thu 4,32 tỷ đồng từ các phương tiện mua vé lượt, doanh thu của nhóm phương tiện loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công công cộng) chiếm  65% (2,8 tỷ đồng).

Ông Đức cho biết, số lượng xe thực tế qua trạm (1.720 xe /ngày) chỉ đạt 18% so với phương án tài chính năm 2018 (9.397 xe /ngày) và doanh thu thực tế (76,8 triệu đồng/ngày) bằng 13% so với doanh thu theo phương án tài chính năm 2018 trong hợp đồng BOT đã ký giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT.

Trước đó, tháng 1/2018, Bộ GTVT đã ban hành quyết định cho phép nhà đầu tư thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Km72+930 tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới kể từ 0h ngày 25/1/2018. Quyết định của Bộ GTVT nêu rõ, sau 3 tháng kể từ ngày bắt đầu thu giá, trên cơ sở kiểm đếm lưu lượng phương tiện và xác định được doanh thu thực tế, nhà đầu tư tính toán lại phương án tài chính, khả năng hoàn vốn của dự án, báo cáo Bộ GTVT phương án giải quyết tổng thể.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN phối hợp với nhà đầu tư đánh giá khả năng hoàn vốn dự án bằng trạm thu giá này, làm cơ sở để xây dựng các phương án hoàn vốn cho dự án kịp thời theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 được đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 2.746 tỷ đồng.

Theo phương án tài chính, để dự án đảm bảo khả thi, dự án sẽ phải sử dụng hai trạm thu giá dịch vụ đường bộ, một trạm đặt trên tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới (Km72+930) và một trạm đặt trên QL3 cũ (Km77+922, khu vực Bờ Đậu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Tuy nhiên, đến thời điểm này, dư án mới chính thức thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại một trạm (Km72+930), còn trạm thu giá đặt trên QL3 cũ (Km77+922, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) vẫn chưa được phép đưa vào hoạt động.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 có tổng chiều dài 65km, trong đó, hợp phần QL3 mới đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, chiều dài 40km, bề rộng nền đường 12m. Dự án do liên danh CIENCO4 - Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - Công ty CP ĐTXD&TM Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.