Thế giới

Brexit giúp Nga “thoát” lệnh trừng phạt của EU?

15/07/2016, 07:21

Với nền kinh tế Nga, sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (EU) có vẻ như một tín hiệu tích cực.

1  Liệu Brexit có thực sự là tín hiệu tốt cho Nga

Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong cuộc gặptại số 10 phố Downing năm 2013

Brexit ảnh hưởng đến nga trong ngắn hạn

Theo ông Igor Kupalov, cố vấn cho đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva thì việc Anh rời EU sẽ dẫn đến việc suy giảm thương mại toàn cầu. “Hiện nay, Anh đang tuân thủ các quy định thương mại do EU quy định, nếu Brexit diễn ra thì Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phải thay đổi hàng loạt các quy định”, ông Kupalov nói.

“EU đã đàm phán các nghĩa vụ và cam kết với các đối tác WTO thay mặt cho 28 quốc gia thành viên, kể cả Anh. Khi rời EU, Anh vẫn là một thành viên của WTO, nhưng không còn có nghĩa vụ chính thức với các đối tác WTO. Điều này dẫn đến việc phải đàm phán lại, trong đó Anh và EU phải đưa ra các thỏa thuận riêng của mình”, ông Keith Rockwell, Giám đốc Phân ban thông tin và quan hệ đối ngoại của WTO cho biết.

Còn theo chuyên gia phân tích tài chính Timur Nigmatullin của hãng Finam Holdings: Các công ty chứng khoán lớn nhất Nga thường thực hiện các giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán London (LSE) nhưng sau khi Brexit xuất hiện, một loạt các công ty của nước này sẽ hủy niêm yết cổ phiếu tại LSE”. Rosneft, công ty dầu khí lớn nhất của Nga sẽ là người ra đi đầu tiên.

Trong năm 2016, Chính phủ quyết định bán 19% cổ phần của Rosneft. Đồng thời, theo Bloomberg, German Gref, người đứng đầu ngân hàng lớn nhất của Nga Sberbank cho hay, giá trị của các công ty Nga có thể giảm tới 10%. Ngoài Rosneft, Chính phủ Nga còn có dự định bán cổ phiếu của hãng sản xuất kim cương Alrosa, một trong những tập đoàn quen thuộc với khách hàng thế giới ở thị trường chứng khoán London.

Sau khi công bố kết quả trưng cầu Brexit, giá trị thương mại ngày 24/6 trên sàn chứng khoán Moscow (MSE) lúc mở cửa sụt giảm mạnh. Ví dụ IRTS, chỉ số nền tảng cho thị trường kinh tế Nga, giảm hơn 5%. Cổ phiếu của Ngân hàng Sberbank trong thời gian Brexit diễn ra đã giảm 10% và có thể giảm tiếp 10% nữa. “Trong thời gian 2-3 tuần, tất cả các công ty của Nga sẽ mất khoảng 5-10% giá trị. Đây là lý do tại sao không một người nào trong Chính phủ Nga hào hứng với Brexit”, ông German Gref cho biết thêm.

Nhưng có hiệu ứng tích cực?

Tuy nhiên, do quá bận đối phó với Brexit nên lệnh trừng phạt chống Nga của EU sẽ tự nhiên bị suy yếu. Anh là quốc gia luôn ủng hộ mạnh nhất việc duy trì và gia hạn lệnh trừng phạt Nga, kể từ năm 2014 khi lệnh được EU đưa ra áp dụng sau cuộc khủng hoảng Ukraine, trong khi đó Pháp và Italia lại ôn hoà hơn.

Khi Brexit định hình, việc Anh rời khỏi EU thì mặc nhiên lệnh trừng phạt của EU đối với Nga sẽ giảm đi, đây là quy luật mang tính biện chứng. “Nếu không có Anh, sẽ không còn nước nào ở EU hăng hái với lệnh trừng phạt nữa”, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin viết trên Twitter.

Đó là lý thuyết nhưng thực tế, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond vẫn tiếp tục kêu gọi các nước EU duy trì lệnh trừng phạt nói trên. Rất có thể EU vẫn làm điều này nhưng bản chất sẽ không phát huy mạnh như trước nữa, thậm chí có thể đảo ngược tình thế, gây bất lợi cho EU nhiều hơn là cho Nga.

Theo BBC, hiện tại quan hệ giữa số 10 Downing Street và Điện Kremlin chưa có gì sứt mẻ. Sau khi ông Cameron tuyên bố từ chức, phát ngôn viên của ông Putin cho biết: Sau Brexit tình hình sẽ thay đổi, Moscow hy vọng tân Thủ tướng Anh sẽ thân thiện với Nga hơn. Bằng chứng, những người ủng hộ Brexit đã kêu gọi Anh hãy có quan hệ tốt hơn với người Nga. Thậm chí trước Brexit, nhiều người còn thúc giục Anh hợp tác chặt chẽ hơn với Nga trong cuộc chiến chống IS (Nhà nước Hồi giáo) tại Syria. “Không phải cứ cái gì tốt cho ông Putin đều đương nhiên xấu cho phương Tây”, phát ngôn viên của ông Putin nhấn mạnh.

Anh chưa quyết định thời điểm kích hoạt Brexi

Hôm qua (14/7), ngay sau khi nhậm chức, tân Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond bác bỏ khả năng huy động ngân sách khẩn cấp mà người tiền nhiệm George Osborne đề xuất trước đó như một giải pháp giúp Anh tháo gỡ những thách thức kinh tế thời kỳ hậu Brexit.

Ông Hammond nói rằng, ngân sách chi tiêu quốc gia vẫn sẽ được trình lên Chính phủ theo lịch trình hàng năm là vào mùa Thu và nhấn mạnh Bộ Tài chính sẽ thực thi mọi biện pháp cần thiết để kinh tế Anh đi đúng hướng.

Đồng thời, ông Philip Hammond cũng cho biết: Anh chưa quyết định thời điểm kích hoạt Điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon để bắt đầu tiến trình chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) và đã chỉ định những nhân vật chủ chốt sẽ tham gia tiến trình đưa ra quyết định này.Hôm qua, tân Thủ tướng Theresa May đã hoàn tất việc bổ nhiệm các thành viên trong nội các mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.