Thế giới

Brexit tới gần, bà Theresa May cố dẹp những lo ngại tài chính

13/01/2018, 10:30

Những bất đồng về tài chính trong “cuộc ly hôn” Brexit giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) chủ yếu xoay quanh...

14

Thủ tướng Anh Theresa May và nhà đàm phán hàng đầu của EU về Brexit Michel Barnier

Những bất đồng về tài chính trong “cuộc ly hôn” Brexit giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) chủ yếu xoay quanh khoản “hóa đơn giải quyết ly dị” khổng lồ và việc sử dụng các dịch vụ tài chính của EU hậu Brexit.

Chính vì thế, Thủ tướng Anh Theresa May đã gặp giám đốc điều hành của các công ty tài chính lớn nhất ở Anh, bởi chính quyền London lo lắng rằng, các trụ sở chính của họ sẽ được chuyển tới các nước khác trong EU.

Các công ty tài chính nhấp nhổm chờ đợi

Theo một bài báo được tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đăng tải ngày 11/1, có một số lo ngại rằng Brexit sẽ đe dọa vị thế của London, thành phố vốn đóng vai trò “thủ đô tài chính” của châu Âu trong bối cảnh một số quan chức Đức cho rằng, Anh sẽ phải trả tiền để truy cập vào các dịch vụ tài chính của EU.

Các công ty tài chính và các ngân hàng của Anh đang chuẩn bị chuyển hàng nghìn việc làm sang các nước thuộc EU để duy trì quyền truy cập vào thị trường EU khi nước Anh rời khối này. Ngân hàng Trung ương Anh cho biết, có thể 10 nghìn việc làm sẽ bị mất đi vào thời điểm nước Anh rời EU vào tháng 3/2019.

Chính vì điều này, hôm qua (11/1), Thủ tướng Anh Theresa May đã gặp giám đốc điều hành từ các công ty tài chính lớn để nói rõ ràng hơn về việc “chia tay” của Anh và EU sẽ có ý nghĩa gì đối với họ.

Theo phát ngôn viên của Thủ tướng Theresa May, đây là cuộc họp thường kỳ với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và có sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond và Thứ trưởng phụ trách Brexit Robin Walker.

Một số người tham dự cuộc họp này là những nhân vật quen thuộc và có tầm ảnh hưởng lớn như ông Jes Staley, Giám đốc điều hành của Ngân hàng Barclays, ông Mark Wilson, Giám đốc điều hành của hãng bảo hiểm Aviva và ông Richard Gnodde, Giám đốc điều hành của Goldman Sachs International.

Khu vực tài chính của Anh hiện đang sử dụng 2,2 triệu người. Với các giám đốc điều hành các công ty tài chính lớn nhất của Anh, họ lạc quan rằng các công ty, tập đoàn do mình điều hành xứng đáng giành quyền ưu tiên với EU và có thể có thỏa thuận riêng trong các cuộc đàm phán Brexit vì họ có những đóng góp tài chính lớn nhất nước này, chiếm khoảng 12% đóng góp thuế cả nước.

Tuy nhiên, bản thân các tập đoàn này cũng đang thực hiện các kế hoạch dự phòng để chuyển các hoạt động tài chính sang châu Âu nếu Brexit khiến Anh không duy trì được “trạng thái đăng nhập thoải mái” vào các thị trường đơn lẻ của EU.

Anh sẽ giải quyết ra sao?

Xứ sở sương mù đang bị đẩy vào một vị thế khó khăn, bởi theo nguồn tin giấu tên trong nội bộ Đức đã bắn tin úp mở rằng, nước này sẽ yêu cầu Anh phải trả phí nếu các công ty tài chính Anh muốn tiếp cận thị trường EU sau Brexit.

Cụ thể, Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel, vốn duy trì lập trường cứng rắn chống lại một thỏa thuận thương mại riêng rẽ, bởi nếu Anh chỉ đơn giản “tuyển chọn anh tài” hợp tác các lĩnh vực có lợi cho London trong thành viên EU mà không cần phải chia sẻ trách nhiệm chung là hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Phe ủng hộ quan điểm cứng rắn của Đức chỉ ra rằng, một số quốc gia không thuộc EU như Na Uy và Thụy Sỹ có quyền tiếp cận hạn chế đến thị trường đơn lẻ của châu Âu trừ khi họ trả tiền cho đặc quyền này. Còn Canada chỉ có Hiệp ước Tự do thương mại với EU, không trả tiền vào ngân sách EU thì các dịch vụ tài chính hầu như không có.

Ủy viên phụ trách về ngân sách của EU Guenther Oettinger nói với các phóng viên tại Brussels ngày 10/1 rằng, “Anh có thể suy ngẫm” cách Thụy Sĩ trả tiền khi tham gia vào một số dự án ở châu Âu.

Trong khi đó, giới chức Anh hiện vẫn đang tìm kiếm thỏa thuận thương mại cho từng ngành, lĩnh vực với EU, nhắm đến kiểu quan hệ tương tự song mạnh hơn kiểu quan hệ đối tác giữa Thụy Sĩ với EU.

Ông Anthony Browne, người đứng đầu Hiệp hội Ngân hàng Anh (BBA) cho hay: “Cần có một thỏa thuận song phương cung cấp cách tiếp cận thị trường hai chiều đem lại lợi ích cho cả hai bên, vì các nước EU cũng không có lợi khi bị cắt khỏi trung tâm tài chính trọng yếu, đặc biệt là vào lúc tất cả các bên đang muốn thúc đẩy tăng trưởng”.

Cũng trong ngày thứ tư, theo tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức, Bộ trưởng phụ trách Brexit David Davis và Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đã kêu gọi Đức hỗ trợ cho một thỏa thuận hậu Brexit bảo vệ ngành dịch vụ tài chính quan trọng và không cản trở việc thương mại với những quy tắc không cần thiết.

Phản hồi lại kêu gọi này, nhà đàm phán hàng đầu của EU về Brexit Michel Barnier đã bác bỏ điều đó và nói rằng, sẽ không có thỏa thuận đặc biệt đối với các dịch vụ tài chính, một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của Anh chiếm hơn 10% GDP.

Tuy nhiên, các quan chức Anh tin rằng EU sẽ linh hoạt, một phần vì các nước châu Âu có nguy cơ bị tổn hại nền kinh tế nếu họ bị cắt khỏi thị trường London.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.