Đời sống

BS Bạch Mai "khuyên đến chùa Ba Vàng": Gián tiếp gây hại bệnh nhân nghèo?

23/03/2019, 19:21

Việc một BS BV Bạch Mai lên phát biểu "khuyên bệnh nhân đến chùa Ba Vàng" khiến nhiều người hiểu sai về chăm sóc tâm linh trong y khoa.

img
BS BV Bạch Mai Nguyễn Hồng Phong xuất hiện trong clip "khuyên bệnh nhân đến chùa Ba Vàng"

Trước thông tin BS Nguyễn Hồng Phong của BV Bạch Mai khuyên bệnh nhân đến chùa Ba Vàng trong clip của chùa này gây xôn xao, BS. Wynn Huỳnh Trần (tổ chức Y khoa phi lợi VietMD, Mỹ) nhận định: "Việc một bác sĩ phát biểu ủng hộ "thỉnh oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng có thể khiến nhiều người, kể cả những người trong ngành y, hiểu sai về chăm sóc tâm linh trong y khoa".

Theo BS. Wynn Huỳnh Trần, y học ngày nay xác định chăm sóc sức khoẻ là chăm sóc toàn diện, bao gồm chăm sóc về mặt thể xác (physical care), tinh thần (emotional care), và tâm linh (spiritual care ). Các bệnh viện Mỹ luôn có phòng cầu nguyện, vườn hoa để chăm sóc sức khoẻ tâm linh cho người bệnh lẫn người thân nhân. Khoa ung thư và chăm sóc đặc biệt luôn có cha, mục sư, hay thầy sư đến cầu nguyện.

img
Chăm sóc sức khoẻ là chăm sóc toàn diện, bao gồm về mặt thể xác (physical care), tinh thần (emotional care), và tâm linh (spiritual care )

Vai trò của người bác sĩ trong tam giác điều trị này cũng được thể hiện rõ. Bác sĩ là người chữa trị bệnh (thể xác), nhưng vẫn quan tâm và chữa trị tinh thần (khoa tâm thần và tâm lý), và bác sĩ nên tôn trọng tâm linh (hay tôn giáo) của bệnh nhân.

Nhưng đều đó không có nghĩa là bác sĩ dùng tâm linh để chữa bệnh, nhất là dùng những quan điểm phản khoa học để giải thích bệnh lý.

Trường hợp vị bác sĩ từ BV Bạch Mai Hà Nội (đang là học viên cao học chuyên khoa nhi) có thể đã không hiểu rõ vai trò của bác sĩ trong chăm sóc tâm linh và anh có thể bị lợi dụng để tuyên truyền các chương trình mê tín dị đoan của chùa.

Ở buổi nói chuyện (trong clip chùa Ba Vàng), vị bác sĩ này bắt đầu bằng việc giải thích anh đã từng rất nóng tính khi khám bệnh nhân: "Lúc con mới vào nghề, con rất hay cáu gắt nổi nóng với bệnh nhân", sau đó nhờ gặp thầy trụ trì chùa khuyên giải, anh đã trở nên bình tĩnh hơn. Về sau, anh giới thiệu bệnh nhân đến chùa và sau khi dùng 2 liều thuốc men gan thì bệnh nhân hết bệnh.

BS. Wynn Huỳnh Trần phân tích, ở góc nhìn y khoa thì hai câu chuyện này hoàn toàn khác nhau. Bác sĩ này có vấn đề về tính khí (cá nhân) và bệnh nhân chỉ dùng 2 lần thuốc đã khỏi bệnh sau khi đi chùa. Bất kỳ SV y khoa nào (nói gì đến trình độ BS) cũng biết đây là một phát biểu rất mơ hồ về khả năng chữa bệnh cho bệnh nhân tại chùa do không có bất kỳ thông tin nào về bệnh lý hay tình trạng bệnh nhân.

BS. Wynn Huỳnh Trần cho rằng, đây có thể là một phát biểu tai hại của anh chàng bác sĩ về mặt tâm linh. Anh đã vô tình "hại" các bệnh nhân khác khi đứng nói chuyện trong buổi "thỉnh oan trái chủ". Khi ngầm ủng hộ chương trình này, vị bác sĩ sẽ tạo tâm lý bất an cho những bệnh nhân khác nếu họ chưa được "giải oan". Vị bác sĩ cũng có thể khiến các bệnh nhân với những bệnh có thể chữa được, lao đầu vào cuộc "giải oan" tốn tiền tốn của thay vì đi khám bệnh với bác sĩ.

Chương trình "thỉnh oan gia trái chủ" giải thích các bệnh và giá chữa bệnh như sau: Đau xương khớp do 4 kiếp trước hay giết mèo nên kiếp này bị vong mèo theo báo oán cho đau nhức toàn thân. Muốn khỏi thì phải tu tập ít nhất 49 ngày kèm công đức 3 triệu đồng. Bị ung thư vú, 42 kiếp trước không chăm sóc em gái, lại làm nhiều việc ác như cướp đất nên kiếp này, vong về oán cho phải bệnh. Muốn khỏi, phải đóng vào chùa 7,1 triệu đồng.

"Nếu vị bác sĩ trên xem lại cách nhà chùa giải thích bệnh kiểu này trong pháp "thỉnh oan trái chủ", có lẽ anh đã không lên phát biểu hùng hồn như vậy. Vai trò đầu tiên của bác sĩ luôn luôn là "không hại bệnh nhân" chứ không phải ủng hộ các chương trình mê tín dị đoan gạt dân lấy tiền, và gián tiếp hại bệnh nhân nghèo", BS. Wynn Huỳnh Trần nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.