Xã hội

Bữa ăn lan tỏa tình người trong Covid-19

10/04/2020, 06:07

Trong những ngày cách ly xã hội, nhiều chương trình thiện nguyện, hỗ trợ tổ chức khắp cả nước đã lan toả tinh thần tương ái tương thân...

img
Thanh niên tình nguyện của hệ thống quán cơm Nụ Cười đi trao cơm cho bà con nghèo trên đường phố Sài Gòn (Chụp ngày 4/4). Ảnh: Nguyễn Hằng

Dịch Covid-19 hoành hành, hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp. Với họ, một bữa ăn hay vài lạng gạo lúc này trở nên đáng quý hơn bao giờ hết.

Trong những ngày cách ly xã hội, nhiều chương trình thiện nguyện, hỗ trợ tổ chức khắp cả nước đã lan toả tinh thần tương ái tương thân, làm ấm lòng những người lao động nghèo, giúp họ vơi bớt phần nào khó khăn.

Mong manh những phận nghèo

Hơn 800 tỷ đồng ủng hộ phòng chống Covid-19
Tin từ Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19” từ ngày 17/3, tính đến 14h ngày 8/4, số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua MTTQ Việt Nam đã đạt hơn 806,407 tỷ đồng.
Từ số tiền ủng hộ của các tổ chức, cá nhân (hơn 806,407 tỷ đồng), MTTQ Việt Nam đã phân bổ sử dụng 466 tỷ đồng.
Cụ thể, MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận bằng tiền 312,355 tỷ đồng; đã phân bổ sử dụng 150,500 tỷ đồng. Tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ bằng hiện vật tương đương 99,552 tỷ đồng; đã phân bổ sử dụng 51 tỷ đồng.
Các cơ quan, đơn vị, cá nhân cũng chuyển tiền trực tiếp cho đơn vị cung ứng (đăng ký qua MTTQ Việt Nam) 245 tỷ đồng; đã phân bổ sử dụng 245 tỷ đồng.
Số tiền ủng hộ trực tiếp vào tài khoản Bộ Y tế là 19,5 tỷ đồng; đã phân bổ sử dụng 19,5 tỷ đồng. Số tiền ủng hộ qua tin nhắn là 130 tỷ đồng.


Những ngày đầu tháng tư, phố vắng, trời mưa như phun sương. Ông Nguyễn Văn Linh (63 tuổi) quê Hải Dương vẫn còm cõi lái chiếc xe máy cũ kỹ tham gia đội xe ôm công nghệ ship đồ ăn nhanh, kiếm sống qua ngày.

Đến điểm phát thực phẩm trợ cấp miễn phí, ông dừng xe, lặng lẽ nhặt cho mình một túi đồ (khoảng hơn 1kg gạo, lạc, muối).

Quệt vội những giọt nước mưa trên mặt, ông Linh chia sẻ, hai vợ chồng bán trà đá, kiếm sống qua ngày, thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Chi tiêu dè xẻn thì đủ tiền thuê nhà, ăn uống cho cả gia đình 5 người, hai vợ chồng ông, 2 vợ chồng con trai và đứa cháu 3 tuổi.

Đầu tháng 3, khi Hà Nội có ca bệnh dương tính Covid-19 đầu tiên (bệnh nhân 17), hai vợ chồng con trai và cháu nội tránh về quê. Hai vợ chồng ông ở lại duy trì công việc. Khách giảm, quán vắng đi nhiều nhưng vẫn có đồng ra đồng vào. Nhưng giờ quán bị cấm hẳn, hai vợ chồng ông thất nghiệp.

“Không có tiền nhưng chi phí thuê nhà, tiền ăn, điện nước vẫn phải trả hàng ngày. Dịch bệnh, cách ly cũng không thể về quê được vì sợ bà con lo lắng.

Tôi đành phải nhờ đứa cháu cùng xóm trọ đăng ký xe ôm, tranh thủ chạy đưa đồ ăn. Mới đi được hai hôm nay, già rồi nên chả chạy được bao nhiêu, may thì đủ tiền ăn của hai vợ chồng. Được quà hỗ trợ, cũng bớt lo đi phần nào”, ông Linh khẽ thở dài.

Cùng cảnh xa nhà, chị Phạm Thị Tuyến, quê Bắc Kạn dắt chiếc xe đạp cà tàng, phía sau chở theo vài vỏ chai nước ngọt, tất tả vào lấy túi đồ hỗ trợ. Chị Tuyến chia sẻ, độc thân nuôi con cũng gần chục năm và cũng bấy nhiêu năm lăn lộn ở Hà Nội. Chị loanh quanh các nhà hàng, thu mua vỏ lon bia, vỏ chai nước ngọt về bán, mỗi tháng thu nhập chừng đôi, ba triệu đồng.

Thuê nhà, ăn ở chung với bốn năm chị em cùng nghề để giảm chi phí, mỗi tháng chị Tuyến chắt chiu gửi 1 triệu đồng về nhờ mẹ đẻ thêm thắt nuôi con ăn học. Từ Tết tới giờ nhiều nhà hàng đóng cửa, không có vỏ lon bán. Chị tranh thủ đi lượm nhặt vỏ chai, thêm thắt chi trả tiền ăn, tiền nhà, cố gắng qua những ngày dịch.

“Chưa bao giờ túng quẫn như thế này. Được hỗ trợ, tôi sẽ dành tiền ăn gửi về cho cháu”, nói xong, chị quay người, đưa tay gạt giọt nước mắt vừa trào ra.

“Ai cần cứ đến lấy”

img
Người lao động nghèo đến với điểm phát quà “Ai cần cứ đến lấy” tại số 54 Lê Văn Lương, Hà Nội

“Nếu khó khăn hãy lấy 1 gói mỗi ngày. Bạn ổn xin nhường cho người khác. Chia sẻ cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19”. Đó là những thông điệp của chương trình “Ai cần cứ đến lấy” tại Hà Nội đang được lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng.

Chương trình do các đội tình nguyện thực hiện nhằm hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho người lao động gặp khó khăn trong thời gian cách ly xã hội.

Chất giọng xứ Nghệ, anh Nguyễn Phan Huy Khôi, một trong những người đi đầu chương trình này chia sẻ, có thể do tiếp xúc với nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên anh có sự đồng cảm và mong muốn được giúp đỡ, chia sẻ với họ trong lúc này.

Anh cho biết, ý tưởng thực hiện không mới nhưng quan trọng nhất là áp dụng đúng lúc, đúng chỗ và giúp đỡ đúng đối tượng sẽ có hiệu quả.

Dự kiến ban đầu, hai vợ chồng anh tự bỏ chi phí hơn 100 triệu đồng để tổ chức. Mỗi điểm dự kiến phát 75-150 suất/ngày gồm trứng, mì, xúc xích.

Sau khi tổ chức, chương trình được mọi người quan tâm, ủng hộ bằng tiền và hiện vật lên tới hơn 80 triệu đồng nên vợ chồng anh quyết định sẽ mở rộng. Đến nay nhóm của anh đã phát được gần 10.000 suất quà mà vẫn chưa phải dùng đến số tiền ủng hộ.

Tuy nhiên, anh Khôi cũng có chút ưu tư khi nhắc đến một số trường hợp nhận quà: “Ai nhận cũng vậy thôi. Nhưng những người đi SH, vàng đeo đầy tay cũng vào lấy quà. Tôi nghĩ những người đó không quá khó khăn và như vậy chưa đúng với mục đích chương trình.

Do vậy, tôi quyết định giữ lại điểm phát tại Ký túc xá Mễ Trì (Thanh Xuân) và 1A Yết Kiêu (Hoàn Kiếm). Còn lại, liên hệ với chính quyền địa phương lập danh sách, phát quà từng khung giờ, thậm chí đưa tới từng hộ gia đình theo đúng đối tượng mục tiêu của chương trình”, anh Khôi chia sẻ.

“Ai cần đến lấy” chỉ là một trong số nhiều chương trình thiện nguyện, hỗ trợ người lao động nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Rất nhiều cá nhân khác tại Hà Nội đã lặng lẽ tổ chức, tham gia, đóng góp tiền bạc, công sức với mong muốn chia sẻ giúp những người khó khăn, thiếu thốn.

Phải dừng phát quà do bà con khó khăn tập trung quá đông (tại 72 Nam Đồng, Hà Nội), không đảm bảo công tác phòng chống dịch, gia đình chị Đ.T.N, trên phố Nam Đồng, Đống Đa vẫn quyết tâm thực hiện chương trình của mình bằng cách chuyển toàn bộ số quà đã chuẩn bị sẵn (3 tấn gạo, 100 thùng mì tôm...) đến MTTQ quận Đống Đa, nhờ phát giúp đến đối tượng chính sách.

Hay chị Đàm Thị Xuyến (Đan Phượng), cũng đã góp tiền của anh chị em trong nhà, mua gạo, rau, trứng chở xuống Ký túc xá Mễ Trì để ủng hộ. “Tôi nghĩ rằng các bạn sinh viên phải ăn mì tôm sẽ rất xót ruột nên quyết định ủng hộ bằng gạo, rau, trứng và lạc. Tôi không tưởng tượng được trong giai đoạn này có người khó khăn như vậy”, chị Xuyến chia sẻ.

Rong ruổi phát cơm cho người nghèo

img
Bà con nghèo - những khách quen đến với quán cơm 3.000 đồng

Những ngày đầu tháng 4, Sài Gòn có ngày lên đến 37 độ C, trời nắng như đổ lửa. Nhưng lo người nghèo không có cơm ăn, một nhóm thanh niên tình nguyện của hệ thống quán cơm từ thiện xã hội Nụ Cười đã đi khắp con hẻm nhỏ ở Sài Gòn phát cơm miễn phí cho người nghèo, lang thang cơ nhỡ khiến nhiều người ấm lòng.

PV theo chân nhóm thanh niên trên và ghi nhận: Khoảng 10h hàng ngày, họ xuất phát ở 5 địa điểm của hệ thống quán cơm Nụ Cười tỏa đi các nẻo đường ở các quận huyện. Khi nhận được cơm nhiều người xúc động đến chảy nước mắt.

Cụ Nguyễn Thế Thành, 72 tuổi nhà ở trong một con hẻm nhỏ trên đường Lý Thường Kiệt cho biết, mấy năm qua vợ chồng ông sống bằng nghề bán vé số dạo, có ngày nào ăn ngày đó.

“Bản thân tôi đau khớp nên phải ngồi xe lăn bán vé số hàng ngày. Nhưng từ ngày dịch bệnh đến nay xổ số nghỉ nên không đi bán được nữa. Trưa nay bất ngờ vợ chồng tôi nhận được những hộp cơm và ít quà này, tôi vui lắm…”, cụ Thành xúc động.

Đại diện hệ thống quán cơm Nụ Cười cho biết, trung bình mỗi ngày phát 1.000 phần cơm miễn phí. Trước đây, hàng ngày bà con tới quán ăn nhưng từ ngày 1/4 đến nay, thực hiện cách ly xã hội, quán phải tuyển chọn thanh niên tình nguyện chở cơm đi khắp nơi để phát. Được biết, một phần cơm trên trị giá khoảng 20.000 đồng bao gồm cơm, món mặn, canh và trái cây.

Một trong những địa điểm đang chia sẻ, giúp đỡ người nghèo khác là quán cơm 3.000 đồng do bà Phạm Thị Tuyết Lan (57 tuổi) làm chủ quán ở địa chỉ số 85 đường Tam Châu, gần Bệnh viện quận Thủ Đức.

Bà Lan kể, cách nay khoảng 3 năm khi nghe thông tin các em đoàn viên nấu cháo phát miễn phí cho các thân nhân bệnh nhân trong bệnh viện quận Thủ Đức, bà lập tức ủng hộ. Sau này các em đoàn viên đề xuất mở quán cơm giá rẻ và tiếp tục phát cơm miễn phí trong bệnh viện. Biết việc làm này, nhiều người trong khu vực đã rộng tay đóng góp.

Hàng ngày, ngoài công việc của một cán bộ tổ dân phố, bà Lan liên tục bận rộn với việc đi thu gom gạo, nước mắm, rau, cá… từ các mạnh thường quân để nấu cơm bán giá rẻ cho người nghèo. “Mỗi hộp cơm ở đây chỉ có giá 3.000 đồng, nhưng có đầy đủ cá, thịt, rau, canh, mỗi tuần sẽ thay đổi món.

Bình thường quán cơm sẽ bắt đầu bán từ lúc 10h trưa. Tuy nhiên, do người mua đông, nên khoảng 30 phút là đã bán hết. Nhiều cụ già, người đi xe lăn đến mua cơm nhưng thấy khó khăn, quán không lấy tiền…”, bà Lan hồ hởi và cho biết, việc thu 3.000 đồng là nhằm để người ăn khỏi mặc cảm chứ chi phí cho 200 suất cơm là hơn 2 triệu đồng. Nguồn tiền bù này được các mạnh thường quân, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn đóng góp nên quán đã duy trì được hơn 3 năm qua.

Ngoài quán cơm 3.000 đồng, bà Lan còn phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ phường phát cơm miễn phí cho các cô nhi viện, mái ấm tình thương vào các ngày thứ 2, thứ 6, chủ nhật hàng tuần.

Ông Phan Văn Tài (55 tuổi, ngụ phường Tam Bình) chạy xe ôm gần Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, ông mua cơm ở đây đã được gần 3 năm. Thấy nhiều người đi thăm nuôi bệnh nhân có gia cảnh khó khăn nên ông chỉ cho họ địa điểm này để mua cơm. “Cơm ở đây có 3.000 đồng, đầy đủ món, ăn no, nhiều người lao động nghèo tiết kiệm được ít tiền để dành cho gia đình”, ông Tài nói.

TP HCM: Đã có hai cây ATM gạo miễn phí

img
Máy phát gạo tự động cho bà con nghèo

Tại TP HCM, mấy ngày qua, nhiều cá nhân, tổ chức đã tổ chức cấp, phát miễn phí hàng chục tấn lương thực cho những người dân nghèo.

Một trong những cá nhân đóng góp cho công tác thiện nguyện này là anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty PHGLock. Anh cùng nhóm cộng sự đã chế tạo chiếc ra chiếc máy phát gạo tự động để người dân lao động nghèo đến lấy 24/24h. Máy này đặt tại số 204 B Vườn Lài, quận Tân Phú.

Nhiều người ví đây là máy “ATM” phát gạo, bởi người dân chỉ cần ấn nút máy sẽ cho ra một lần 1,5kg gạo, bên dưới ống là những bịch nilon để sẵn cho người dân hứng gạo. Ngoài ra chiếc máy còn có hệ thống camera nhận diện khuôn mặt, nếu ai lấy 2 lần trong ngày máy sẽ phát ra âm thanh nhắc nhở rất vui tai: “Bạn nhận 1 lần rồi, hãy nhường lại cho người đến sau”…

Theo quan sát của PV, đơn vị tổ chức đã kẻ vạch cách xa 2m để người dân đứng xếp hàng trong thời gian đến lượt lấy gạo. Hệ thống phát thanh tại máy liên tục nhắc nhở người dân áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.

Theo anh Hoàng Tuấn Anh, từ ý tưởng của nhóm các bạn trẻ trong Công ty PHGLock, chiếc máy phát gạo tự động ra đời. Chi phí để lắp đặt một máy phát gạo tự động khoảng 10 triệu đồng. Phía trên có bồn inox chứa được 1 tấn gạo, khi hết sẽ có người trút gạo vào.

Trong ngày đầu, máy phát gạo tự động đã phát cho hơn 200 người với số lượng trên 300kg và anh đã chuẩn bị 2 tấn, hiện tại đã hết nên kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ thêm.

Chiều 9/4, anh Hoàng Tuấn Anh cho biết, sẽ có thêm 1 máy nữa đặt tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Theo dự kiến, 2 ngày nữa chiếc máy sẽ được hoàn thiện và đưa vào sử dụng phát gạo miễn phí cho người dân.

Nhiều người nghèo đến đây nhận gạo ai cũng vui trước phần quà ý nghĩa và ấm lòng này. Ông Nguyễn Văn Bỉnh, 60 tuổi nhà ở quận Tân Bình cho biết, trước đây hàng ngày ông chạy xe ôm nuôi đứa cháu đi học. Mấy hôm nay chạy không được nữa, nghe nói có máy này nên hai ông cháu chạy đến xin gạo.

“Chờ hơn 15 phút hai ông cháu tôi được nhấn nút và nhận được 3 ký gạo rồi bây giờ vui lắm. Sồ gạo này nuôi sống 2 ông cháu tui cả tuần đó…”, ông Bỉnh xúc động.

Bà Trương Thị Thu Vân (53 tuổi, sống phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) cũng chia sẻ, bà bán hàng ăn sáng vỉa hè, dịch bệnh phải nghỉ nên cũng bị ảnh hưởng.

“Đi qua đây, thấy được nhận gạo miễn phí tôi liền vào xin. Cảm ơn các nhà hảo tâm đã giúp người nghèo những lúc khó khăn thế này...”, bà Vân nói.

Nguyễn Hằng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.