Bạn cần biết

Bức thư của cậu bé khiến người lớn ngỡ ngàng

26/02/2015, 23:11

14 tuổi, du học nơi đất khách, bức thư của cậu bé Đỗ Nhật Nam khiến những người đọc được đều ngỡ ngàng.

11006216_10205771310659878_1710897664_n
Cậu bé 14 tuổi Đỗ Nhật Nam từng được báo chí trong nước gọi là thần đồng

Cách đây vài hôm, 23/2, Đỗ Nhật Nam, 14 tuổi - cậu bé từng được báo chí trong nước gọi là thần đồng lại làm cư dân mạng xôn xao khi đăng tải lên facebook cá nhân một bức thư đầu năm được viết từ Texas nơi em đang du học. 

Bức thư với những cảm nhận, trải nghiệm và chia sẻ thật sự sâu sắc khiến bất cứ ai đọc được đều ngỡ ngàng. Hết sức bất ngờ trước những gì vừa đọc được, chị Hồng Mỹ - thành viên Ban lãnh đạo một Trung tâm đào tạo nghệ thuật cho trẻ em có tiếng ở Hà Nội viết: "Đây là bài viết của 1 cậu bé 14 tuổi! Khi mình 41 tuổi, không viết được như thế, nếu sống đến 114 tuổi, cũng không viết được thế này!". 

Điều khiến hầu hết những người có tuổi đời gấp 3, gấp 4 lần tuổi Nam ngỡ ngàng là những cách nhìn hết sức sâu sắc của cậu bé 14 tuổi về cuộc sống. Nam viết trong thư thế này: 

"Một năm đã qua đi với quá nhiều sự kiện. Khoảnh khắc nào, sự kiện nào của năm làm em ghi nhớ nhất? Nhiều quá…Có thể đó là ngày bố mẹ đi mua vé máy bay cho em sang Mỹ.

Khi ấy, quyết định đi du học mới chính thức được thực thi. Em nửa vui nửa buồn. Vui vì ước mơ của mình cuối cùng cũng được bố mẹ ủng hộ. Buồn vì xa bố mẹ, xa ngôi nhà thân yêu. Và không biết điều gì đang chờ đợi phía trước. Nhưng em đã quyết tâm…

... Có thể đó là lúc em nhìn thấy một tấm biển trong quán: Chúng tôi không có wifi, các bạn hãy nói chuyện với nhau đi. Một vòng ôm, một lời nói trực tiếp nhìn vào mắt nhau ở nơi đâu và vào lúc nào cũng có giá trị.

Có thể đó là khoảnh khắc em đón giao thừa lặng lẽ. Trên xe ô tô xuyên bang, khi ấy mọi người đã ngủ. Em nhìn lên bầu trời và cầu mong cho gia đình mình một năm mới An lành. Tết truyền thống của nước mình là dịp không chỉ để ăn uống, vui chơi. Tết thực ra là để trở về.

Có thể không phải là một chuyến trở về để ngồi bên bố mẹ mà trở về trong lòng mình, trong suy nghĩ của mình. Bởi suốt ba ngày tết vừa qua, em luôn nhớ về mọi người."

Một thành viên mạng xã hội face book có tên Hang Nguyen, thành viên Ban giám đốc của một tập đoàn tư vấn lớn tại Việt Nam sau khi đọc bức thư Nam viết đã chia sẻ "đọc bài viết phục Nam và khâm phục bố mẹ bạn ý nữa".  Rất dễ đồng cảm với nhận xét của facebooker Hang Nguyen, bởi trong thư, hình ảnh của ba mẹ Nam hiện lên thật ấm áp và là nguồn động viên lớn nhất với cậu bé 13 tuổi đi học xa xứ. 

Cậu bé viết: "Giữa những lúc lo lắng, căng thẳng, luôn nhận được tin nhắn của bố nhắc nhở rằng: Chỉ cần con khỏe và vui, không cần quá áp lực. Thi cử chỉ là một thử thách cạnh tranh nhất thời, đi đến cuối cùng của con đường mình đam mê mới quan trọng. Bất giác thở một hơi thật nhẹ".

Nếu bạn muốn biết thêm về cậu bé 14 tuổi thần đồng này có thể đọc kỹ hơn bức thư dưới đây (Bức thư được đăng tải trên face book Đỗ Nhật Nam).

Thư đầu năm từ Texas (Em đặt thế cho có vẻ giống viết báo, hihi).

Một năm đã qua đi với quá nhiều sự kiện. Khoảnh khắc nào, sự kiện nào của năm làm em ghi nhớ nhất? Nhiều quá…Có thể đó là ngày bố mẹ đi mua vé máy bay cho em sang Mỹ.

Khi ấy, quyết định đi du học mới chính thức được thực thi. Em nửa vui nửa buồn. Vui vì ước mơ của mình cuối cùng cũng được bố mẹ ủng hộ. Buồn vì xa bố mẹ, xa ngôi nhà thân yêu. Và không biết điều gì đang chờ đợi phía trước. Nhưng em đã quyết tâm…

Có thể đó là ngày đầu tiên đặt chân lên nước Mỹ. Là cảm giác nhớ nhà đến mức cố gắng không khóc mà nước mắt cứ chảy trong đêm. Có thể đó là buổi đầu tiên khi em từ trường học về nhà thì mẹ đã quay về Việt Nam. Một mình em trong căn phòng vắng. Nhìn đâu cũng thấy bóng dáng mẹ. Em vừa sợ vừa buồn. Có thể đó là ngày đầu tiên đến trường học. Ấn tượng đầu tiên của em là chú bảo vệ ra tận chỗ đỗ xe của phụ huynh để đón học sinh và chào mừng chúng em đến trường mới.Có thể đó là người bạn mới đến đón em bằng một cái khoác vai và lời dặn: Bất cứ việc gì cần, cứ gọi bạn, bạn sẽ sẵn sàng giúp đỡ.

Có thể đó là những hôm giặt quần áo, đánh rửa nhà vệ sinh đến mệt nhoài. Và thấy thương sao đôi bàn tay và giọt mồ hôi mẹ.

Có thể đó là đêm thức để làm “dự án”. Không hề buồn ngủ, không hề mệt mỏi vì mỗi “dự án” cô giáo giao là một niềm vui được học bằng sự sáng tạo, được đặt suy nghĩ cá nhân của mình vào từng bài tập.

Có thể đó là những buổi chiều muộn ở lại chờ chú chủ nhà đến đón. Nhìn các bạn được bố mẹ đến đón, ai cũng hớn hở, tự nhiên cũng thấy rưng rưng. Cảm giác nhớ dáng Bố tất tả trong những buổi chiều nhạt nắng.

Có thể đó là những lúc nhìn những hàng xe xếp hàng ngăn nắp, thẳng như kẻ chỉ vào chỗ để đón học sinh. Các bạn cũng tuần tự đi ra. Không còi xe, không chen lấn. Một sự tự do trong trật tự.Có thể đó là những lần chuẩn bị cho các kì thi chuẩn quốc tế.

Giữa những lúc lo lắng, căng thẳng, luôn nhận được tin nhắn của bố nhắc nhở rằng: Chỉ cần con khỏe và vui, không cần quá áp lực. Thi cử chỉ là một thử thách cạnh tranh nhất thời, đi đến cuối cùng của con đường mình đam mê mới quan trọng. Bất giác thở một hơi thật nhẹ.

Có thể đó là những lúc được đi xem với bà Jo, một người bạn Mỹ vô cùng thân thiết của em. Vì biết em thích xem phim và đọc sách nên bà luôn dành cho em những khoảnh khắc tuyệt vời để em được sống cùng với đam mê của mình.Có thể đó là những ngày sống cùng một gia đình người Mỹ trong kì nghỉ Giáng sinh. Cả nhà bên nhau, cùng nhau ôn lại những kỉ niệm về những giáng sinh đã qua, cùng nhau hò hát, cùng nhau xem phim. Dù dân tộc nào, quốc gia nào, màu da nào, trong mỗi người, gia đình luôn là nơi ấm cúng và thiêng liêng nhất.

Có thể đó là những lúc luyện tập cho kì thi thuyết trình. Ban đầu em nói không tốt như các bạn. Một số lần thi thử, kết quả của em cũng không thật cao. Nhưng cô giáo huấn luyện cho em luôn nói rằng: Cô có niềm tin rằng thế nào em cũng vào được đến vòng chung kết. Niềm tin của cô đã trở thành niềm tin của em. Và em đã làm được.

Có thể đó là những lúc đặt mua sách trên mạng và rồi sách đến tay. Cảm giác được ngồi cạnh cuốn sách mà mình yêu thích và mơ ước thật tuyệt.Có thể đó là những lúc không thể ăn một món ăn không hợp khẩu vị nhưng vẫn phải cố ăn cho hết. Vì người Mỹ không có thói quen bỏ lại đồ ăn trong bát hoặc trên bàn ăn.

Có thể đó là lúc đi một mình từ Mỹ sang Ấn Độ rồi lại từ Ấn Độ về Mỹ. Trên máy bay, em được các cô tiếp viên xúm lại chuyện trò, chụp ảnh cùng. Các cô còn hẹn sẽ gặp lại em trên máy bay này khi em đi… nhận giải Nobel. Nụ cười, cử chỉ, sự ấm áp của các cô làm em quên rằng mình đang đi một mình. Dịch vụ sẽ chỉ hoàn hảo khi có được sự thật lòng mong muốn đem đến niềm vui cho người sử dụng.

Có thể đó là lúc em nhận được tấm bưu thiếp chúc mừng Giáng sinh và năm mới từ cô giáo dạy Toán. Trên tấm bưu thiếp đó cô đã viết rằng, cô cảm ơn em, một người học trò từ nơi xa xôi đã đem đến cho cô một niềm vui đặc biệt. Cô sẽ giữ mãi cuốn sách mà em mua tặng cho cháu của cô.

Cô viết rất nhiều, rất dài. Hồi ở VN, em cũng từng nhiều lần nhận được những bưu thiếp từ các thầy cô giáo, cả thư nữa, nhưng lần này thật đặc biệt. Nơi đất khách quê người, em cảm thấy như mình vẫn đang ở trong vòng tay đùm bọc, chở che của bố mẹ, của thầy cô, của ông bà: “Dear Nam, I am learning so much from you. You have been a gift to our school and in my life. I am so proud of you. Praying for you and your dreams. God bless you…”

Có thể đó là những lúc đứng trước quyết định: mua- không mua trước một món đồ mà mình thích. Kiếm tiền, tất nhiên khó nhưng tiêu tiền thế nào cho mình không bị rơi vào trạng thái “nhẵn túi”, quả là cũng khó không kém.

Có thể đó là lúc em nhìn thấy một tấm biển trong quán: Chúng tôi không có wifi, các bạn hãy nói chuyện với nhau đi. Một vòng ôm, một lời nói trực tiếp nhìn vào mắt nhau ở nơi đâu và vào lúc nào cũng có giá trị.

Có thể đó là khoảnh khắc em đón giao thừa lặng lẽ. Trên xe ô tô xuyên bang, khi ấy mọi người đã ngủ. Em nhìn lên bầu trời và cầu mong cho gia đình mình một năm mới An lành. Tết truyền thống của nước mình là dịp không chỉ để ăn uống, vui chơi. Tết thực ra là để trở về.

Có thể không phải là một chuyến trở về để ngồi bên bố mẹ mà trở về trong lòng mình, trong suy nghĩ của mình. Bởi suốt ba ngày tết vừa qua, em luôn nhớ về mọi người.Một năm với quá nhiều sự kiện mà em không thể nhớ hết. Em học được nhiều điều, biết tự lên kế hoạch và lo liệu cho bản thân, quen thêm nhiều người bạn tuyệt vời.

Và em nhớ đến giai điệu trong bài hát của ban nhạc ABBA: Chúc mừng năm mới/ Chúc cho chúng ta có nhiều hy vọng, sẵn lòng cố gắng.Em rất sẵn lòng cố gắng và em đang rất vui. Cuộc sống rất tuyệt. Bố mẹ cứ an lòng nhé!Lưu ý: Bạn Mẹ lần sau khi bật màn hình thì không được khóc nhé. Không thích đâu na.

Đỗ Nhật Nam từng giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi tiếng Anh, thuyết trình lớn nhỏ trong nước. Năm 2008 (chỉ mới 7 tuổi), Nhật Nam đã trở thành dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam. 10 tuổi, cậu đạt 8.0 IELTS (trong đó kỹ năng reading đạt điểm tuyệt đối), 11 tuổi, Nhật Nam được công nhận là người viết tự truyện nhỏ nhất Việt Nam.

Là dịch giả của 4 cuốn sách và là tác giả của 3 cuốn khác.

Cậu bé từng có bài phát biểu và thuyết trình tại một số chương trình, hội thảo quốc tế. Cậu có thể chơi violon, ghita. 

Hiện tại, Nhật Nam đang là học sinh trường Saint Paul, Texas, Mỹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.