Bạn cần biết

Bức tranh kinh tế Thanh Hóa năm 2022 với nhiều gam màu tươi sáng

19/12/2022, 13:48

Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chuyển biến.

Mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Khóa XVIII nhiệm kỳ 2021 - 2026. Kỳ họp cũng đã nêu bật tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2022. Đồng thời đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2023.

img

Trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa vượt xa so với kế hoạch đề ra

Những con số biết nói

Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đồng sức, đồng lòng đã đạt được nhiều thành tựu trong mọi lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng cao, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%) và đứng thứ 7 cả nước; trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,65%; công nghiệp - xây dựng tăng 16,33% (công nghiệp tăng 17,88%); dịch vụ tăng 10,18%; thuế sản phẩm tăng 16,9%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,585 triệu tấn, vượt 3,6% kế hoạch.

Về lĩnh vực nông nghiệp, giá trị sản phẩm bình quân trên 01 ha đất trồng trọt ước đạt 115 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so với năm 2021. Đã tích tụ, tập trung được 7.334 ha, bằng 100,5% kế hoạch, chuyển đổi 3.130 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị cao hơn...

Sản xuất công nghiệp - xây dựng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 16,31% và có 22/25 sản phẩm tăng so với cùng kỳ, trong đó có một số sản phẩm tăng cao, như: Quần áo may sẵn (tăng 29,9%), giày thể thao (tăng 22,5%), điện sản xuất (tăng 20,5%), bia các loại (tăng 19,4%).

Trong năm, có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động như: Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu Adiana Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, Nhà máy may xuất khẩu S&D Thanh Hóa tại xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn.... Khởi công một số dự án quy mô lớn như: Dự án nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial, dự án Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2, góp phần tăng năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh.

img

Nhiều dự án du lịch được các Tập đoàn lớn đầu tư tại Thanh Hoá

Các ngành dịch vụ phục hồi nhanh, một số lĩnh vực phát triển mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt 172.209 tỉ đồng, bằng 118,8% kế hoạch và tăng 26,5% so với cùng kỳ. Tổng lượng khách du lịch năm 2022 ước đạt 11,01 triệu lượt khách, bằng 110,1% kế hoạch và gấp 3,2 lần năm 2021 (trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 245 nghìn lượt khách, gấp 11,5 lần), tổng thu từ du lịch ước đạt 20.038 tỉ đồng, bằng 111,8% kế hoạch, gấp 4 lần năm 2021. Giá trị xuất khẩu ước đạt 5.518,4 triệu USD, bằng 96,8% kế hoạch và tăng 1,6%; giá trị nhập khẩu ước đạt 9.272,8 triệu USD, tăng 30,1%.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, thu Ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay ước đạt 48.820 tỉ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ. rong đó, thu nội địa ước đạt 30.150 tỉ đồng, vượt 62% dự toán và tăng 6% so với cùng kỳ...

Công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương được quan tâm. Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh được cải thiện rõ rệt, trong đó chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 của tỉnh đứng 3 cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 đứng thứ 14 cả nước, tăng 15 bậc. Ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn và trước hạn trong năm 2022 ước đạt 98%. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã cung cấp 870 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 và tích hợp 860 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia và thực hiện kết nối thanh toán trực tuyến với cổng Dịch vụ công quốc gia.

img

Khu kinh tế Nghi Sơn mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh Thanh Hóa

Làm tốt công tác an sinh, xã hội

Theo báo cáo tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong năm đã hỗ trợ 2.169 lao động tiền thuê nhà với kinh phí khoảng 3,2 tỉ đồng; giải ngân các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 336 tỉ đồng. Hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với dư nợ đã được hỗ trợ lãi suất 429,3 tỉ đồng, số lãi hỗ trợ là 1,58 tỉ đồng.

Đã phê duyệt chủ trương đầu tư 7 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với tổng số vốn Ngân sách trung ương bổ sung là 1.247 tỉ đồng.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục được thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là việc đẩy mạnh tiêm phòng COVID-19 để nhanh chóng đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao; thành lập Tổ tư vấn, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 ở cả 3 cấp; triển khai điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch… Qua đó, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ số ca mắc COVID-19 thuộc nhóm thấp nhất cả nước, trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh không có người tử vong do COVID-19.

Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. TNGT giao thông chuyển biến tích cực, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ. Các chính sách an sinh xã hội và cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Đã giải quyết việc làm mới cho 58.950 lao động (có 10.920 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), bằng 101,6% kế hoạch và tăng 4,8% so với cùng kỳ; giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 24.412 lao động; cấp mới, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động cho 1.470 lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh.

Những chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo, người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 của tỉnh còn khoảng 5,05%, giảm 1,72% so năm 2021, vượt kế hoạch (KH giảm 1,5%). Tỷ lệ dân số tham gia BHYT năm 2022 ước đạt 90%, đạt kế hoạch.

Với những thành tựu quan trọng phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sẽ là bước tạo đà quan trọng để Thanh Hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn những năm tiếp theo, thực hiện thành công Nghị quyết số 58 -NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa; hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.