Pháp đình

Bùi Quang Huy dùng thủ đoạn gì để giấu dòng tiền buôn lậu?

06/05/2021, 12:07

Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường đã lập phần mềm riêng để giấu dòng tiền buôn lậu.

img

Thuộc cấp của Bùi Quang Huy đã khai, Huy dùng phần mền ERP để giấu dòng tiền buôn lậu

Sáng nay (6/5), VKSND TP Hà Nội và nhóm luật sư bào chữa xét hỏi các bị cáo trong vụ buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường.

Trả lời các câu hỏi của kiếm sát viên, Trần Ngọc Ánh (Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) và Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc Tài chính) cùng nhóm nhân viên Công ty đều khai làm mọi việc theo chỉ đạo của Tổng giám đốc Bùi Quang Huy, người đang trốn truy nã quốc tế.

Theo bị cáo Trần Ngọc Ánh, năm 2013, Bùi Quang Huy chỉ đạo cấp dưới xây dựng phần mềm nội bộ có tên ERP để quản lý dòng tiền ra vào, theo dõi doanh thu của Nhật Cường.

"Bị cáo được biết phần mềm ERP do ông chủ Huy lập ra nhằm quản lý chặt chẽ dòng tiền, tránh bị thất thoát", Trần Ngọc Ánh khai và cho biết nhân viên được cấp các quyền truy cập khác nhau để sử dụng phần mềm này.

Vì sao Bùi Quang Huy lại lập phần mềm ERP? Trả lời kiểm sát viên, bị cáo Ánh cho rằng Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường thực hiện việc này để quản lý tài sản bởi khi doanh nghiệp này mở rộng hệ thống bán lẻ dễ xảy ra tình trạng rơi rớt tiền và hàng hóa.

Theo lời khai, Ánh và nhóm nhân viên ở Nhật Cường chỉ là người làm công ăn lương. Người duy nhất hưởng lợi trong vụ án buôn lậu là Bùi Quang Huy.

"Còn bị cáo và nhân viên khác không được hưởng lợi gì, không được chia lợi nhuận", Trần Ngọc Ánh mong HĐXX xem xét việc họ thực hiện các công việc theo chỉ đạo của Bùi Quang Huy.

Giám đốc Tài chính Nguyễn Bảo Ngọc, người duy nhất trong số 15 bị cáo bị truy tố cả 2 tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, cũng khai Bùi Quang Huy là người chỉ đạo lập phần mềm ERP.

"Đây là phần mềm riêng của Công ty nên khi truy cập, bị cáo có thể biết được hàng hóa nhập vào là hàng có thuế VAT hay hàng nhập lậu", Ngọc thừa nhận và khai mình chỉ quản lý tài chính. Việc kê khai, báo cáo thuế với cơ quan chức năng do Kế toán trưởng Nguyễn Thị Bích Hằng phụ trách.

Khi được đối chất, bị cáo Hằng đồng tình với lời khai của Ngọc. Hằng khai được Bùi Quang Huy giao phụ trách mảng thuế thông qua phần mềm Misa. Sau khi thống kê sổ sách, Hằng báo cáo số liệu trực tiếp cho Huy, không thông qua Ngọc.

img

Nguyễn Bảo Ngọc phủ nhận cáo buộc vi phạm quy định về kế toán

Theo cáo trạng, giai đoạn 2014-2019, Bùi Quang Huy chỉ đạo nhân viên nhập lậu hơn 255.000 điện thoại, máy tính bảng và sản phẩm công nghệ khác với tổng trị giá trên 2.900 tỷ đồng. Quá trình tiêu thụ, Công ty Nhật Cường bán được 254.000 sản phẩm, thu về trên 3.200 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp này hưởng lợi 221 tỷ đồng.

Để theo dõi thu chi, Bùi Quang Huy chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán gồm hệ thống ERP nội bộ để theo dõi số liệu thực tế. Còn phần mềm Misa được Công ty Nhật Cường dùng lập báo cáo tài chính, sổ sách kế toán để khai báo với cơ quan chức năng.

Theo dữ liệu từ Cục Thuế TP Hà Nội, từ năm 2014 đến 2018, Công ty Nhật Cường có tổng tài sản hơn 503 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế hơn 4.880 tỷ đồng. Doanh nghiệp nộp ngân sách gần 1.400 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và 12 tỷ đồng thuế GTGT.

Tuy nhiên, VKS xác định theo phần mềm ERP, giai đoạn 2014-2018, Nhật Cường sở hữu tổng tài sản hơn 880 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là hơn 8.200 tỷ đồng.

Kết quả trích xuất từ ERP cũng thể hiện Công ty Nhật Cường mua số hàng trị giá hơn 5.700 tỷ đồng nhưng chỉ kê khai thuế cho lô hàng trị giá khoảng 1.500 tỷ đồng. Số sản phẩm còn lại trị giá hơn 4.200 tỷ đồng không có hóa đơn.

Chiều nay (6/5), HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.