Xem - ăn - chơi

Bùng nổ dàn nhạc giao hưởng tư nhân

11/10/2017, 07:52

Một làn sóng mới hứa hẹn, thúc đẩy sự phát triển của loại hình nhạc giao hưởng tại Việt Nam.

18

Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời (Sun Symphone Orchestra) hứa hẹn thúc đẩy dòng nhạc giao hưởng trong thời gian tới

Làn sóng mới

Không khó để nhận ra một xu thế mới dần nảy sinh trong làng nhạc giao hưởng Việt Nam gần đây: Thành lập dàn nhạc tư nhân. Vừa qua (ngày 8/10), Dàn nhạc giao hưởng tư nhân Sài Gòn (Saigon Orchestra) đã chính thức công diễn đêm đầu tiên tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Đây là sản phẩm gầy dựng từ đam mê của nghệ sĩ Pianist Lê Nhật Quang và đạo diễn Lê Thanh Hải. Chương trình một mặt thể hiện phong vị âm nhạc cổ điển quốc tế, nhưng vẫn tạo được dấu ấn Việt Nam với các tiết mục đưa nhạc cụ dân tộc lên sân khấu.

Trước đó, dự án dàn nhạc giao hưởng tư nhân Mặt Trời (Sun Symphone Orchestra - SSO) công bố lần đầu ngày 21/9 vừa qua và đang rầm rộ tuyển quân để ra mắt trong tháng 11. SSO tạo nên một cơn địa chấn trong làng nhạc trong tư thế hoành tráng bậc nhất. Chống lưng cho SSO là tập đoàn bất động sản Sun Group, cùng với lãnh đạo gồm: MC Vũ Anh Tuấn - Giám đốc điều hành, nghệ sĩ Olivier Fabrrice Ochannine (Giải nhất cuộc thi nhạc trưởng quốc tế năm 2015 tại Budapest Hungary) Giám đốc âm nhạc kiêm nhạc trưởng.

Ngoài ra, hồi tháng 7, đạo diễn Lê Thanh Hải cũng đã tự vận động thành lập một dàn nhạc giao hưởng có tên Saigon IDECAF, quy tụ cả các tên tuổi nước ngoài như các nghệ sĩ Mỹ Mario Trane, Ronie Williams, Steve Desvaux… Nghệ sĩ Saxophone nổi tiếng Trần Mạnh Tuấn cũng từng đứng ra triệu tập đồng nghiệp tạo nên dàn nhạc Big Band ở TP HCM. Một nhóm những nghệ sĩ 9x cũng đã tự thân quy tụ lại để thành lập dàn nhạc Mauis Philharmonic, rất quen thuộc với cộng đồng thính giả trẻ.

Theo nhạc trưởng của Mauis Philharmonic Lưu Quang Minh, xu thế thành lập dàn nhạc tư nhân đang lên là bởi: “Các dàn giao hưởng tư nhân có không ít thuận lợi. Phương hướng làm việc sẽ mở hơn, có những cách tư duy mới chứ không bị gò bó. Khối lượng công việc theo đó cũng tăng, nhịp độ làm việc không trì trệ như cách làm bao cấp của Nhà nước”.

Tự lực không dễ

Ở thời điểm ra mắt, hội đồng điều hành của SSO đã tuyên bố chỉ quan tâm tới việc tạo ra một nơi cho các nghệ sĩ Việt Nam cống hiến tài năng. Có hay không sự rủi ro khi thành lập một ban nhạc giao hưởng ở bối cảnh hiện nay? MC Vũ Anh Tuấn - Giám đốc điều hành SSO cho rằng: “Thành lập dàn giao hưởng Mặt Trời là hoạt động đầu tư cho văn hoá, phi lợi nhuận nên chỉ có những khó khăn về chuyên môn chứ không có gì là mạo hiểm cả. Ví dụ, bạn đầu tư để thu hồi vốn thì mới xuất hiện yếu tố mạo hiểm”.

Song có lẽ chỉ đơn vị này, dưới sự tài trợ của một tập đoàn lớn như Sun Group mới có thể đi theo hướng đề cao nghệ thuật. Phần còn lại đều phải có những tính toán nhất định để duy trì đam mê với nhạc giao hưởng. Điển hình như Dàn nhạc giao hưởng tư nhân Sài Gòn (Saigon Orchestra) đã trải qua thời gian hết sức khó khăn. Người sáng lập - Pianist Lê Nhật Quang - thẳng thắn thừa nhận: “Buổi đầu chúng tôi đã làm liều bằng việc bỏ tiền túi của mình. Hàng tỉ đồng đầu tư để đảm bảo chương trình ra mắt định kỳ như kế hoạch”.

Dàn nhạc Saigon IDECAF của Lê Thanh Hải hiện nay đã dừng hoạt động do doanh thu không bù đắp được những gì cần bỏ ra, mà cụ thể là bộ sậu gồm nhiều nghệ sĩ nước ngoài. Saigon IDECAF quy tụ khoảng 100 thành viên, trong khi đó theo Lê Thanh Hải: “Vé bán ra có khi không đủ để nuôi sống dàn nhạc khoảng 25 người. Nói thật, với ba cái tên được mời từ Mỹ về, tôi đã phải trả lương, tiền nhà, ăn uống, thậm chí có thể nói là bao trọn gói”.

Quan trọng nhất, một thực tế mà dân trong nghề phải thừa nhận là nhạc giao hưởng kén người nghe hơn các dòng nhạc khác. MC Anh Tuấn cho hay: “Không chỉ ở Việt Nam, nhạc giao hưởng luôn là dòng nhạc kén khán/thính giả trên thế giới”. Nhạc trưởng Lưu Quang Minh của Mauis Philharmonic phân tích: “Dòng nhạc giao hưởng vẫn còn lép vế hơn hẳn so với những dòng nhạc khác như Pop chẳng hạn. Thực ra ở Việt Nam, nhạc giao hưởng vẫn có đời sống nhất định, nhưng trước nay đóng khung trong Nhà hát lớn và một số buổi hoà nhạc. Thế nên nhiều khán giả chưa có cơ hội thực sự tiếp xúc với nhạc cổ điển”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.