Xem - ăn - chơi

Bùng nổ trào lưu “fake” Hàn trong thị trường nhạc Việt

22/09/2016, 07:56

Showbiz hay công chúng nghe nhạc Việt có thể trông đợi gì từ những nhóm nhạc “fake” Hàn này?

unnamed
Nhóm nhạc Lip B với phong cách và tạo hình đậm chất K-pop

Sự thoái trào các band nhạc Việt đi tới điểm đáy, thế nhưng sự lên ngôi như “lốc cuốn” của các band nhạc trẻ nhái phong cách Hàn Quốc ngày càng được nhân rộng. Showbiz hay công chúng nghe nhạc Việt có thể trông đợi gì từ những nhóm nhạc “fake” Hàn này?

Học hỏi chứ đừng copy

Cuối tháng 7 vừa qua, sự tan rã của nhóm nhạc 365 đã khiến nhiều người trẻ buồn và tiếc nuối. Đây là một band nam trẻ trung sôi động, tan rã khi họ đang ở thời kỳ được công chúng nghe nhạc trẻ biết đến. Trước đó, những nhóm nhạc như V-Music, M4U và nhiều nhóm nhạc khác cũng từng tan rã trong sự hụt hẫng của nhiều người. Tuy nhiên, sau những cơn chấn động ấy, làng giải trí Việt lại nhanh chóng đón chào luồng gió mới với những nhóm nhạc mới toanh như: Lip B, Monstar, Hello Yello,… và mới đây nhất là Uni5. Điểm chung của các nhóm nhạc này đều được đào tạo và quản lý bởi công ty giải trí và gây ra những tranh cãi về phong cách đậm chất K-pop.

Nhìn vào Monstar, một nhóm nhạc điển hình theo mô hình K-pop khi 3 thành viên người Việt có tên Erik, Nicky, Key đều xuất thân từ nhóm nhảy Cover ST.319. Mỗi thành viên đảm nhiệm từng vai trò cố định trong nhóm như hát chính, nhảy chính và rap chính. Nhóm này đã sang tận Hàn Quốc để giao lưu và học hỏi từ các thần tượng của các công ty giải trí xứ Kim chi. Tương tự, nhóm nhạc Lip B, Hello Yello và Uni5 do cặp đôi Đông Nhi và Ông Cao Thắng lập ra. Các nhóm này có điểm chung là được đào tạo theo mô hình nhóm nhạc Hàn Quốc. Các thành viên được quản lý và đào tạo thanh nhạc, vũ đạo trong một ngôi nhà chung. Tuy nhiên, MV đầu tay của các nhóm đều gây ra những tranh cãi với cách lựa chọn trang phục màu mè, những góc quay và hình ảnh MV mang phong cách đặc trưng của K-pop.

Điều quan trọng để một nhóm nhạc thành công là sự lao động kiên trì, bền bỉ để cống hiến cho khán giả, đặc biệt là các nhóm cần có bản sắc và phong cách của riêng mình mới có thể để lại dấu ấn trong lòng khán giả”.

Anh Lê Toàn, quản lý truyền thông nhóm The Men

Không ít khán giả nhận xét, nếu không biết trước đây làm nhóm nhạc Việt sẽ tưởng đang xem MV của nhóm nhạc Hàn Quốc nào đó. Và dù mỗi nhóm nhạc đều đã có sản phẩm âm nhạc riêng nhưng điều mà công chúng nhớ đến họ vẫn chỉ là sự na ná, hàng fake (nhái) các nhóm tên tuổi Hàn Quốc đã nổi danh, chứ không phải những dấu ấn hay phong cách âm nhạc của riêng các nhóm nhạc Việt thực sự.

Ca sĩ Lê Minh (nhóm MTV) đánh giá, âm nhạc Hàn Quốc được xem là tiên tiến nhất trong khu vực châu Á hiện nay. Vì thế, việc các nhóm nhạc mang phong cách Hàn sẽ dễ tiếp cận hơn với khán giả trẻ, nhất là khi Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của Hàn Quốc về phim ảnh, âm nhạc. Tuy nhiên, Lê Minh cho hay, việc ảnh hưởng âm nhạc của Hàn Quốc, nếu để học hỏi, giúp đỡ cho sự phát triển của nghề nghiệp thì là tín hiệu đáng mừng. Nhưng không được copy nguyên bản mà phải giữ được thuần phong, mỹ tục của Việt Nam. Hoà nhập để đưa âm nhạc của chúng ta ra với thế giới, nhưng không hòa tan trong nền âm nhạc của người khác.

Cần có bản sắc nếu không muốn biến mất

Công bằng mà nói việc các nhóm nhạc đang rơi vào trào lưu Hàn hóa đều cho thấy những cố gắng của nhà sản xuất, ông bầu nhằm mang lại màu sắc tươi mới cho làng giải trí Việt Nam, bắt kịp xu hướng của thế giới. Các nhóm nhạc này vừa hát xen lẫn kết hợp với vũ đạo - nét đặc trưng của các nhóm nhạc Hàn Quốc.

Tuy nhiên, để đi được lâu dài, buộc các nhóm nhạc phải có phong cách riêng, nếu không muốn nhanh chóng bị đào thải. Trường hợp LIME là một ví dụ cho sự đào thải ấy. Thời điểm mới ra mắt, LIME đã gây nhiều tranh cãi về phong cách đặc sệt các nhóm nhạc xứ Kim chi. Sau vài sản phẩm gây khó chịu vì ảnh hưởng nặng bởi Hàn Quốc, LIME gần như biến mất khỏi showbiz Việt. Theo anh Lê Toàn, quản lý truyền thông nhóm The Men, việc chạy theo xu hướng phong cách Hàn Quốc giai đoạn đầu có thể thu hút khán giả, nhưng về lâu dài thì điều này sẽ không phù hợp với thị trường âm nhạc Việt Nam.

Trưởng nhóm Thúy Nga - band Mắt Ngọc cho rằng, các band nhạc trẻ nên học hỏi những cái hay nhưng vẫn cần nét riêng chứ không thể bắt chước K-pop. Để tồn tại được trong showbiz, nhóm Mắt Ngọc đã phải nỗ lực biến hóa với nhiều thể loại, phong cách khác nhau. Vậy nên, sự định hình chỉ là yếu tố ban đầu nhưng biến hóa thích nghi mới là bước tiếp theo của các band trẻ hiện tại.

Đồng ý rằng, việc học hỏi từ các nước có nền âm nhạc phát triển là điều nên làm. Tuy nhiên, nhiều nhóm nhạc đang quá lạm dụng phong cách này khi thời trang, cách make up, phong cách âm nhạc và trình diễn đều giống Hàn Quốc. Điều này không phù hợp ở Việt Nam vì đối tượng khán giả, cách thưởng thức âm nhạc và không gian âm nhạc của Việt Nam khác Hàn Quốc. Showbiz Việt không thiếu thốn các nhóm nhạc đặc trưng Việt có nhiều thành công lớn, cụ thể là band Hoa Sữa hay band Anh Em, Bức Tường, Ba Con Mèo… trẻ trung nhất hiện nay là M4U với bốn chàng trai hát những bản tình ca da diết, ngọt ngào. Họ đều để lại những dấu ấn âm nhạc kéo dài nhiều thập niên, ghi đậm sắc thái âm nhạc trong lòng công chúng. Những band nhạc ấy tồn tại được cũng bởi họ có bản sắc riêng, chứ không chỉ là một mẫu hình copy, hàng “fake” của một nền văn hóa khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.